Năm nay tôi tròn 29 tuổi. Ở độ tuổi này của tôi, chuyện yêu đương, cưới xin bỗng trở thành vấn đề cấp bách vô cùng. Nhưng tôi thì chọn ngó lơ chúng, vì tôi vẫn chưa muốn lấy chồng.
Hàng xóm tôi có bà chị 40 tuổi chưa lập gia đình. Mẹ chị ấy lúc nào cũng than vắn thở dài, gặp ai cũng hỏi có quen ai không để giới thiệu cho con gái. Chị hàng xóm tôi thì hiền lành, giỏi giang, tự mua nhà mua xe hết rồi, nhưng không hiểu sao mãi không kết hôn. Nhìn chị ấy, bố mẹ tôi càng thêm lo lắng. Tuy nhiên, có lo thì cũng vậy, vì tôi có suy nghĩ của riêng tôi.
Trưởng thành vốn là một quá trình càng ngày càng độc lập, tách biệt với gia đình. Từ nhỏ tôi đã đi học, đi làm xa nhà, thời gian ở bên bố mẹ không được nhiều, có nói chuyện cũng không sao chia sẻ hết được. Nhất là sau khi đi làm, thế giới này đối với tôi có ý nghĩa khác biệt hơn. Trước đây, thế giới quan của tôi được hình thành từ cách chỉ bảo, dạy dỗ của bố mẹ, thầy cô. Nếu khi đó tầm nhìn của tôi như một hồ nước thì hiện tại, cuộc sống đã hóa thành cả đại dương. Những quan niệm, suy nghĩ mới va chạm nhau, những sự vật, hiện tượng, con người bạn tiếp xúc không còn đồng nhất như xưa, dẫn đến việc góc nhìn của bạn cũng thay đổi. Đó là còn chưa kể đến vấn đề khoảng cách thế hệ, các nhân tố thời đại ảnh hưởng trực tiếp đến bạn khác xa so với thời trước.
Quan niệm về tình yêu và hôn nhân của tôi cùng bố mẹ chắc chắn sẽ có khác biệt. Ngày xưa, phụ nữ tương đối bị động trong việc lựa chọn cho mình một tấm chồng theo tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy rồi xuất giá tòng phu... Vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại giờ được đề cao hơn, họ có thừa năng lực tự nuôi sống bản thân (bất kể đời sống vật chất cao hay thấp, ít nhất họ có cơm để ăn). Việc dựa vào ngoại hình, tuổi tác, trinh tiết để kiếm lấy một chỗ trong cuộc chơi mang tên hôn nhân không còn tồn tại chủ yếu nữa. Ai rồi cũng sẽ già, nếu chỉ dựa vào những điểm trên để thu hút đối phương, vậy tình cảm chắc chắn không được bền lâu.
Tôi cũng như những người trẻ xung quanh tôi chú trọng hơn đến phương diện cá tính hai người có phù hợp hay không, việc giao tiếp với nhau có thuận lợi hay không, tam quan có nhất trí hay không, khi ở bên nhau có cảm thấy vui vẻ thực sự hay không. Cuộc sống thì ngắn ngủi, tại sao phải làm khổ chính mình, tạm bợ ở bên một người để rồi cả hai đều khổ? Trừ khi việc kết hôn mang đến cho bạn trải nghiệm tinh thần hạnh phúc hơn so với khi độc thân, khi ấy hẵng nên đi tìm một nửa cho mình.
Bản thân tôi không phải người theo chủ nghĩa không kết hôn. Dù tôi vẫn thấy hôn nhân rất dễ là quá trình hai con người tự tra tấn nhau nhưng tôi vẫn rất mong đợi, vẫn rất hy vọng sẽ có một ngày được khoác trên mình tà váy cưới, bước vào lễ đường cùng người tôi yêu.
Tôi nghĩ phần lớn nguyên nhân bố mẹ tôi cứ giục tôi lấy chồng chính là vì muốn tôi có được cuộc sống tốt hơn, có người gánh vác cùng. Đúng là giờ tôi rất nghèo, thiếu tiền thiếu cả tình yêu. Nhưng tôi không sợ hãi hay lo lắng nhiều đến thế, từ sâu trong lòng tôi thấy mình vẫn ổn. Tôi yêu cuộc sống này, tôi có sở thích của riêng mình, tôi vẫn mê tìm tòi, học hỏi, tôi được tự do, tự lập, được quyền lựa chọn làm điều mình thích và không làm điều mình ghét. Tiền là một đơn vị đo lường không có hạn định, tôi sẽ cố gắng kiếm tiền nhưng chắc chắn sẽ không vì tiền mà mặc kệ cảm xúc của bản thân, trong chuyện hôn nhân cũng thế. Tôi sẽ không tìm kiếm qua quýt, nhắm mắt ngó lơ đống khuyết điểm của đối phương chỉ vì tôi cần có người mua nhà, mua xe cho tôi.
Đây là tình huống chung của rất nhiều bạn trẻ hiện tại. Dù cả đời không tìm được ai thích hợp, tôi vẫn đủ năng lực chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Tìm một người để kết hôn thì dễ nhưng muốn giữ gìn cuộc hôn nhân, sở hữu được hạnh phúc thì lại rất khó. Thế nên, trong giai đoạn tìm kiếm, người ta buộc phải đánh đổi nhiều thứ cũng như thời gian. Tôi không dám chắc mình sẽ lấy người mình sẽ yêu sắp tới, áp lực ấy lớn quá. Chưa kể, nó còn đòi hỏi sự may mắn, duyên phận nữa.
Về một nửa của mình, tôi cũng có yêu cầu riêng. Đầu tiên, người này trông phải thuận mắt tôi một chút. Ngày xưa tôi nghĩ ngoại hình không quan trọng nhưng sự thật chứng minh, cả ngày phải nhìn một gương mặt mình không ưa không phải trải nghiệm thích thú gì cho cam. Tiếp đó, tôi nghĩ người ấy phải là người có văn hóa, hợp tôi về tính cách để có thể giao tiếp dễ dàng. Ngoài ra, người ấy còn phải tốt bụng một chút, thành thật một chút, trách nhiệm một chút, có chí tiến thủ một chút...
Những yêu cầu này có cao quá không? Khách quan mà nói thì không hề. Tôi đã từng gặp những người phù hợp điều kiện ấy, nhưng vì đủ nguyên nhân, cuối cùng chúng tôi cũng không ở bên nhau được. Điều này chứng minh không phải cứ gặp được người hợp là kết hôn ngay được, có quá nhiều yếu tố khác ảnh hưởng nữa. Nhưng dù sao thì tôi tin, có mục tiêu rồi thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Người ta nói tuổi tác càng lớn, giá trị của người con gái càng giảm. Câu này sai vô cùng. Có những người phụ nữ 60 tuổi rồi vẫn cuốn hút. Đành rằng theo năm tháng, giá trị nhan sắc của phụ nữ có thể giảm, độ trẻ trung cũng không còn nhưng cùng lúc đó, những giá trị khác của bạn sẽ tăng lên. Lúc này đây, bạn cũng biết rõ mình là ai, biết mình muốn tìm kiểu người như thế nào, biết mình sẽ sống cuộc sống ra sao.
Tôi cho rằng người ta cần phải sống cuộc sống của mình thật tốt đã, rồi mới hy vọng gặp được một người cũng tốt như thế. Chứ nếu đẩy hết khó khăn hiện tại của mình cho người khác thì ai sẽ bằng lòng? Ai lại muốn vác lấy một cục nợ như thế?
Cũng có người nói, đừng kén cá chọn canh, cứ ổn ổn một chút là được rồi. Suy nghĩ này tôi cũng không đồng ý. Sẽ không bao giờ có chuyện vì tôi 30, 40 tuổi mà giảm tiêu chuẩn của mình xuống, kết hôn nhanh chóng cho vừa mắt người đời. Nếu những tiêu chuẩn cơ bản nhất bạn còn không có, vậy làm sao hy vọng sẽ nắm tay nhau đến già, khi đó chẳng may phải ly hôn thì còn thảm hơn nữa đúng không?
Các bà cô, bà thím còn hay có giọng điệu: "Ai người ta cũng lấy chồng sinh con được, sao đến lượt mày thì lắm lý do lý trấu?". Không phải tôi khác mọi người mà càng lớn tôi càng nhận ra mình cũng chỉ là một người bình thường. Con người thường có xu hướng làm theo số đông, ở giữa quần thể thấy người ta làm gì là mình làm đó. Nhưng tôi không muốn thế.
Mỗi lần về nhà, tôi hay bị họ hàng chỉ trích: "Các cô các cậu đi học cho lắm rồi về nhà suốt ngày lý thuyết lý tưởng. Lấy chồng sinh con rồi mới biết đời là như thế nào".
Đúng là kết hôn rồi người ta sẽ phải quan tâm nhiều thứ hơn. Nhưng nếu đã vậy, thì càng phải cẩn trọng trong việc kết hôn chứ. Việc phải lo đã nhiều, lại phải sống cùng người không hợp, mọi thứ không phải càng loạn hay sao.
Lại nói chị hàng xóm nhà tôi, hồi nhỏ luôn là "con nhà người ta" trong mắt mọi người, lúc nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ. Điều mẹ chị ấy hoang mang là tại sao con cái lớn rồi bỗng nhiên không chịu nghe lời nữa?
Thực ra, việc lựa chọn cho hôn nhân của mình đâu có liên quan đến việc nghe lời hay không nghe lời. Tôi 29 tuổi có suy nghĩ của riêng tôi, trải nghiệm tôi có cũng đủ nhiều để biết điều gì là tốt nhất cho mình. Tôi chưa kết hôn không phải vì tôi sợ mà vì tôi biết mình nên có thời gian để suy nghĩ, lựa chọn cho kỹ càng. Suy cho cùng, người ta chỉ có một cuộc đời để sống thôi!