Vì 1 "điểm yếu" này, Thục Hán mãi mãi yếu thế, Lưu Bị và Gia Cát Lượng có tài giỏi hơn nữa cũng khó thống nhất thiên hạ

Khánh An | 20-01-2021 - 21:17 PM

(Tổ Quốc) - "Điểm yếu" này đã cản trở kế hoạch thống nhất thiên hạ của Lưu Bị.

Mùa đông năm 207 tới mùa xuân năm 208, Lưu Bị dẫn theo Quan Vũ và Trương Phi tới Long Trung bái phỏng Gia Cát Lượng tổng cộng ba lần. Thời điểm ấy Lưu Bị đã 46 tuổi, nhưng ông lại chỉ có thể làm bộ hạ của Lưu Biểu ở Kinh Châu, không có mảnh đất cắm dùi.

Vì sự nghi kỵ của Lưu Biểu, Lưu Bị ở Kinh Châu cũng luôn trong cảnh ủ rũ bất đắc chí, đến mức ăn không ngồi rồi.

Nhưng dù có như thế, Lưu Bị cũng không hề từ bỏ khát vọng làm nên đại nghiệp của mình. Ông trút bỏ địa vị hậu duệ nhà Hán, trút bỏ địa vị Tả tướng quân, chỉ lấy địa vị một người trong lòng chứa thiên hạ, tới Long Trung bái phỏng Gia Cát Lượng - người kém mình tới 20 tuổi.

Lúc này Gia Cát Lượng chẳng có mấy danh tiếng, vì chưa từng đi làm quan, ông cũng không có thành tựu chính trị đáng kể nào. Nhưng cho dù như vậy, Lưu Bị vẫn vô cùng tín nhiệm và trọng dụng Gia Cát Lượng.

Sau khi mời Gia Cát Lượng xuống núi, Lưu Bị hết sức tín nhiệm Gia Cát Lượng, không những để ông trấn thủ hậu phương, sau khi thành lập chính quyền còn giao quyền lực vào tay Gia Cát Lượng.

Dù sau này Lưu Bị phó thác con côi ở thành Bạch Đế, ông cũng trao cho Gia Cát Lượng quyền lực tuyệt đối, khi ấy thậm chí Gia Cát Lượng có thể thay đổi đế vương, đủ để thấy sự tín nhiệm và trọng dụng Lưu Bị dành cho Gia Cát Lượng. Từ biểu hiện của Lưu Bị, ông không hổ là một bậc quân vương tài đức sáng suốt.

Vì 1 điểm yếu này, Thục Hán mãi mãi yếu thế, Lưu Bị và Gia Cát Lượng có tài giỏi hơn nữa cũng khó thống nhất thiên hạ - Ảnh 2.

Thục Hán có Lưu Bị hiền minh và Gia Cát Lượng năng lực xuất chúng nhưng vẫn không thể thống nhất thiên hạ. Tranh vẽ minh họa nhân vật Gia Cát Lượng và Lưu Bị đang thảo luận về "Long Trung đối sách".

Gia Cát Lượng cũng không phải hạng xoàng, khi làm quan, ông biên soạn ra "Thục khoa", đồng thời quản lý đất nước theo pháp luật, khiến muôn dân tin phục.

Khi cầm quân, ông có thể đánh cho Tư Mã Ý phải "sợ Thục như hổ" khi Bắc phạt, từ đó có thể thấy tài năng quân sự và chính trị của Gia Cát Lượng. 

Thục Hán có Lưu Bị hiền minh và Gia Cát Lượng năng lực xuất chúng, tại sao vẫn không thể thống nhất thiên hạ?

Lưu Bị và Gia Cát Lượng kết hợp lại cũng chẳng thể thống nhất thiên hạ, chủ yếu là bởi sự nỗ lực của cá nhân không thể tách rời tiến trình lịch sử. Lịch sử chứng minh, từ xưa đến nay, ở Trung Quốc chưa có một chính quyền nào lấy Tây Nam Vân Quý (Vân Nam và Quý Châu) làm căn cứ mà thống nhất được thiên hạ. Trừ nhà Minh, tất cả những vương triều khác đều dựa vào khu vực phương Bắc và Trung Nguyên đánh xuống phía Nam để thâu tóm thiên hạ về tay mình.

Trước đó, nhà Tần và Tây Hán có thể thống nhất thiên hạ nhờ vào bình nguyên Quan Trung, bởi thế tính quan trọng của căn cứ địa được đặt lên hàng đầu.

Cần biết rằng bình nguyên Quan Trung vô cùng rộng lớn, có đủ cơ sở kinh tế để nuôi sống một chính quyền và sát nhập đại quân của thiên hạ, có thể quyết định xuất quan hoặc bế quan theo hình thức.

Vì 1 điểm yếu này, Thục Hán mãi mãi yếu thế, Lưu Bị và Gia Cát Lượng có tài giỏi hơn nữa cũng khó thống nhất thiên hạ - Ảnh 4.

Việc chọn vị trí không mang lại lợi thế trong việc gây dựng cơ đồ sự nghiệp đã cản bước Lưu Bị thành công. Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim.

Còn Đông Hán dựa vào vùng kinh tế Hà Nội (tên quận thời Hán Sở ở Trung Quốc, quận trị đặt tại khu vực tây nam Vũ Trắc tỉnh Hà Nam bây giờ, bao gồm khu vực bờ bắc sông Hoàng Hà và phía tây của đường sắt Bắc Kinh - Hán Khẩu) để phát triển lớn mạnh, từ đó tiến đến thống nhất thiên hạ.

Khi ấy sự phát triển của vùng kinh tế Hà Nội đã đứng đầu Đông Hán. Chính bởi thế, vào cuối thời Đông Hán, Viên Thiệu đã chiếm cứ Hà Nội từ lâu, tiến tới chiếm cứ phương Bắc, đồng thời thống nhất thiên hạ từ Bắc xuống Nam.

Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ rối ren, vùng kinh tế Quan Trung cũng xảy ra tình trạng sụp đổ, lúc này Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất. Khi ấy Tào Tháo phát triển Hứa Xương thành công, từ đó có được nền tảng để đối đầu với Viên Thiệu, cuối cùng xoay chuyển tình hình hai bên ở Quan Độ, sau đó mất gần 8 năm thống nhất phương Bắc.

Sau khi thống nhất phương Bắc, Tào Tháo lấy Nghiệp Thành làm trung tâm, từng bước phát triển, từ ấy lấy Nghiệp Thành làm thủ phủ xây dựng chính quyền Tào Nguỵ. Trong thời kỳ Nam - Bắc triều, Nghiệp Thành có thể trở thành đô thị quan trọng nhất phương Bắc, nguyên nhân nằm ở sức mạnh kinh tế của Hà Nội.

So sánh với Tào Nguỵ, Thục Hán lấy Hán Trung, Tứ Xuyên làm vùng kinh tế, vùng kinh tế Hán Xuyên đủ để nuôi sống một chính quyền địa phương, lịch sử cũng đã nhiều lần chứng minh khu kinh tế Hán Xuyên quả thật có thể làm được việc này, nhưng với trở ngại về địa hình của Hán Xuyên, vùng kinh tế không thể mở rộng, tối đa cũng chỉ được có vậy.

Vì 1 điểm yếu này, Thục Hán mãi mãi yếu thế, Lưu Bị và Gia Cát Lượng có tài giỏi hơn nữa cũng khó thống nhất thiên hạ - Ảnh 6.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng và Lưu Bị trên phim.

Bởi thế, xét theo sức mạnh kinh tế, lấy Hán Xuyên làm căn cứ địa sẽ không thể thống nhất được thiên hạ. Chính bởi thế, quy hoạch chiến lược của Gia Cát Lượng trong "Long Trung đối sách" mới là chiếm cứ hai vùng kinh tế lớn Kinh Châu và Hán Xuyên, nếu được như vậy, sẽ gây dựng được hai đội quân ở hai vùng Kinh Châu và Hán Xuyên, và từ đó đánh chiếm khu vực Quan Trung, sau khi chiếm được ba vùng kinh tế, sẽ có thể thống nhất thiên hạ.

Chỉ tiếc là từ đầu chí cuối Thục Hán vẫn không thể chiếm được ba vùng kinh tế đó, khiến "Long Trung đối sách" chỉ thành công được một phần. Vì vậy, dù Lưu Bị và Gia Cát Lượng có tài giỏi tới mức nào cũng chẳng thể thống nhất thiên hạ.

Theo quan điểm của trang Sohu (Trung Quốc), Thục Hán không thể thống nhất thiên hạ không hẳn là do năng lực của Gia Cát Lượng và Lưu Bị, dẫu sao năng lực của Gia Cát Lượng và tài đức của Lưu Bị cũng là những điều không thể nghi ngờ, chẳng qua bởi vùng kinh tế của họ không đủ mạnh để tạo ra tiềm lực siêu phàm, thống nhất thiên hạ mà thôi.

Vì 1 điểm yếu này, Thục Hán mãi mãi yếu thế, Lưu Bị và Gia Cát Lượng có tài giỏi hơn nữa cũng khó thống nhất thiên hạ - Ảnh 8.

Trong "Long Trung đối sách", Gia Cát Lượng đã vạch ra đường hướng cho Lưu Bị, đó là chiếm cứ và gây dựng được hai đội quân ở hai vùng Kinh Châu và Hán Xuyên, sau từ đó đánh chiếm khu vực Quan Trung, sau khi chiếm được ba vùng kinh tế, sẽ có thể thống nhất thiên hạ.

Thục Hán là một trong ba quốc gia trong thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa, thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc (khu vực Tứ Xuyên ngày nay).

Kinh đô trên thực tế của nước Thục là Thành Đô (vùng phía bắc của nước Thục). Một số sử gia gộp chung nhà Thục Hán vào nhà Hán, họ coi triều đình này là giai đoạn cuối của Nhà Hán vì Hoàng đế Thục Hán Lưu Bị thuộc dòng dõi hoàng tộc. Hai nước còn lại thời Tam Quốc là Đông Ngô và Tào Ngụy.

Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam Quốc, do vậy Lưu Bị - vua khai quốc của Thục Hán, là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ).

Thời Tống, bộ sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang là bộ sử đầu tiên gọi chính quyền Thục Hán là Hán, tuy nhiên Tư Mã Quang lại lấy Tào Ngụy là chính thống.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM