Những ngày gần đây, khi Tết đang cận kề, mỗi khi gặp ai đó, chuyện thường xuyên được hỏi nhất ắt hẳn là: "Khi nào thì về quê ăn Tết?" Thế nhưng xen giữa niềm háo hức là từng cơn sợ hãi khiến người ta muốn bỏ chạy, vì sao hiện nay rất nhiều người lại sợ về quê ăn Tết?
Có lẽ bởi vì Tết và những người độc thân không phải là "bạn tốt" của nhau, mỗi lần về nhà đều không tránh khỏi việc cha mẹ cùng họ hàng 3 đời và cô dì chú bác "vừa đánh vừa hỏi": "Chuẩn bị kết hôn chưa? Sao không đem người yêu về ra mắt? Mở mắt ra xem kìa, cháu chắt nhà hàng xóm bụ bẫm thế kia rồi..."
Rất nhiều nam thanh niên Trung Quốc hoặc chịu không nổi hình thức "ép cưới" thô bạo này, hoặc sợ cha mẹ mất thể diện, đã chọn phương án thuê một cô gái trẻ giả làm bạn gái, đưa về nhà ra mắt gia đình.
Người độc thân ngày càng nhiều, tuổi tác càng lớn lại càng bị bức ép, bởi vậy mà "thuê bạn gái về quê ăn Tết" đã trở thành 1 ngành dịch vụ hái ra tiền. Vậy thuê như thế nào? Thuê bao nhiêu tiền?
Chọn "xanh" hay "không xanh"?
Một thanh niên tội nghiệp bị mẹ "block" vì "dám" về quê ăn Tết một mình
Không khó để tìm thấy các diễn đàn cho thuê bạn gái trên internet, phải gia nhập mới được xem toàn bộ thông tin về những người cho thuê và cần thuê bạn gái. Nếu nhìn thấy người có điều kiện phù hợp, người ta có thể kết bạn tán gẫu, tiến thêm 1 bước thân mật.
Sau khi nói chuyện điện thoại, nhắn tin, nếu khách hài lòng thì có thể trả thêm phí để "kiểm tra mặt hàng", ví dụ như: trả 8 tệ (gần 30 nghìn đồng) để xem ảnh chụp, 20 tệ (hơn 70 nghìn đồng) 1 lần xem video, đợi 2 bên vừa lòng nhau rồi mới bàn đến giá cả.
Giá thị trường thuê bạn gái tại Trung Quốc hiện nay rơi vào khoảng 800-2.000 tệ (2,8-7 triệu đồng)/ngày. Căn cứ vào mức độ xinh đẹp, bằng cấp, kinh nghiệm... của các bạn gái mà giá thuê có thể khác nhau đôi chút.
Ngoài ra, chi phí đi lại, hẹn hò, ăn uống... đều sẽ do bạn trai bao trọn. Bởi toàn bộ đều tính lên đầu nhà trai, thế nên số tiền phải bỏ ra để dẫn được 1 cô bạn gái về nhà ắt hẳn không phải là con số nhỏ.
Bảng giá "thuê bạn gái" được niêm yết công khai từ 1.000-2.000 tệ (tương đương 3,5-7 triệu đồng)/ ngày
Càng loạn hơn là thị trường còn có 2 kiểu cho thuê gọi là "xanh" và "không xanh", phí thuê "không xanh" đắt hơn "xanh" 1 chút, ví dụ giá thuê "xanh" là 800 tệ (tương đương 2,8 triệu đồng)/ngày thì "không xanh" sẽ là 1.500 tệ (tương đương 5,3 triệu đồng)/ngày.
Giá cả chênh lệch đương nhiên "đẳng cấp phục vụ" cũng chênh lệch... Bạn gái "xanh" giả làm người yêu, đến nói chuyện phiếm với bố mẹ và gặp mặt xã giao với bạn bè của của bạn trai; trong khi bạn gái "không xanh" không chỉ phục vụ toàn bộ dịch vụ như bạn gái "xanh", mà còn cung cấp một vài dịch vụ "không thể nói" khác.
Nói đến đây, có lẽ ai cũng hiểu, "không xanh" chính là dịch vụ mại dâm núp dưới vỏ bọc cho thuê bạn gái.
Kẻ lừa đảo có thể đang tay trong tay với bạn
Thuê 1 cô cùng quê thì sẽ rẻ hơn, nhưng chắc sẽ dễ lộ hơn...
Rất nhiều người cho rằng chuyện này là bình thường, chẳng phải cho thuê chính là giao dịch tình nguyện giữa 2 bên sao? Thế nhưng trên thực tế, việc thuê và cho thuê này lại ẩn chứa nhiều cạm bẫy phía sau.
Năm ngoái, anh Dương, người Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) lên mạng thuê được 1 cô bạn gái, hai bên thỏa thuận giá cả 1.000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng)/ngày. Nhưng trước khi 2 người gặp nhau, "bạn gái" yêu cầu anh Dương trả trước 3 ngày tiền thuê, tổng cộng 3.000 tệ (khoảng 10,7 triệu đồng). Sau khi được anh Dương gửi tiền, "bạn gái" nọ lập tức biến mất.
Cùng cảnh ngộ như anh Dương còn có 1 lập trình viên ở Bắc Kinh, tuy nhiên may mắn hơn anh Dương, anh ta chỉ bị lừa mất 200 tệ (hơn 700 nghìn đồng), xem như bỏ tiền mua được 1 bài học quý giá.
Thông tin về vụ việc của anh Chu được truyền thông đưa tin, ban đầu khi anh Chu ngỏ ý thuê vợ còn được "vợ" khen chu đáo, do tiền công là 521 tệ, đồng âm với "anh yêu em" trong tiếng Trung Quốc
Nạn nhân trên đây đều là người đi thuê, nhưng đừng lầm tưởng rằng người cho thuê sẽ bình an vô sự. Anh Chu, người Quý Dương (Quý Châu, Trung Quốc) tìm được 1 em gái xinh đẹp, yêu cầu cô ấy giả vờ kết hôn với mình, tiền thuê mỗi ngày 521 tệ (gần 2 triệu đồng).
Thế nhưng sau khi sự đã thành, anh Chu không những không trả tiền cho "vợ", mà còn đi khắp nơi nói xấu "vợ" mình. Có người hỏi đến vấn đề hợp đồng, nhưng hợp đồng cho thuê "người" (ở đây nói rõ hơn là thuê "quan hệ nhân thân") vô hiệu lực trước pháp luật, hay nói cách khác là phạm pháp, do đó cả người đi thuê lẫn người cho thuê đều sẽ không nhận được sự bảo hộ của pháp luật.
"Lời nói dối thiện ý" bản chất vẫn là nói dối
Năm hết Tết đến, mong muốn lớn nhất của mọi người chính là đoàn viên, nhưng thái độ của xã hội đối với lớp thanh niên lớn tuổi vẫn còn độc thân khiến cho họ đôi khi không dám về nhà.
Nếu thật sự chịu không nổi họ hàng thân thích bỗng dưng nổi hứng "thích quan tâm" bạn, trước khi họ kịp mở miệng hỏi, bạn có thể nhanh miệng hơn hỏi họ một số vấn đề như: "Con thím thi cuối kỳ có được điểm cao không, được học sinh giỏi không?", "Bác đã mua nhà cho con trai chưa?", "Tiền lương hưu năm nay của ông bao nhiêu, cháu nghe nói ông X hàng xóm được những YY triệu cơ đấy!"...
Phần lớn thanh niên "thuê bạn gái về nhà" đều là những người không chịu nổi áp lực của cha mẹ và người thân, muốn trấn an nỗi lo âu của cha mẹ. Thế nhưng, thuê bạn trai, bạn gái đem về ra mắt không những là lừa gạt gia đình, mà còn mang về nhiều tai họa ngầm, như dễ bị cha mẹ phát hiện, bị lừa tiền lừa sắc, bị vơ vét tài sản...
Một "lời nói dối thiện ý" không bao giờ có thể trở thành phương pháp xử lý vấn đề hiệu quả và triệt để, vẫn nên tranh thủ thời gian tìm cho mình một người tâm đầu ý hợp đi thôi!
Nguồn: QQ