Anh Nghĩa vốn đã nổi tiếng ở Kiến Xương với việc bỏ việc lương cao ở Hà Nội về nuôi cá nước ngọt theo mô hình công nghệ, nhưng ít ai biết rằng, trong 7 ao cá của anh, có tới 2 ao để xen canh cá Koi, một loại cá cảnh đắt tiền có nguồn gốc từ Nhật. Anh Nghĩa cùng với anh trai là anh Đoàn Ngọc Anh chăn nuôi, thuần hóa và bán loại cá này.
"Cá Koi ở Việt Nam từ lâu đã có người nuôi làm cảnh, nhưng những con cá Koi to khổng lồ lại không có, nên tôi nuôi để cá Koi phát triển to, bán cho dễ. Cá Koi mang lại giá trị kinh tế cao, khi có hình dáng, màu sắc đẹp, những ông chủ lớn rất yêu thích" - anh Đoàn Trọng Nghĩa cho biết. Đây là loại cá có lợi nhuận cao nhất trong số các loại cá mà anh Nghĩa nuôi, nhưng cũng có thể nói là rủi ro cao nhất.
Cá Koi ra thị trường có thể được sử dụng để làm tiểu cảnh cho nhà hàng, quán cafe hoặc khu sinh thái.
"Anh trai tôi trước học ngành hóa chất, đi làm ở thành phố được một vài năm cũng lại quay về chăn nuôi. Xây một trại lợn nái, phát triển thêm trại lợn thịt, không may gặp dịch tả lợn, mất trại lợn thịt. Sau này không ổn định nữa thì chuyển sang nuôi cá Koi. Ban đầu anh chỉ nuôi cá Koi đã thuần và cá Koi phổ thông Việt Nam xen với các loại cá truyền thống để tăng thu nhập. Càng nuôi cá Koi, anh càng tìm hiểu kỹ hơn về cá Koi và biết được giá trị khủng của dòng cá Koi Nhật Bản. Sau đó anh quyết định vay mượn tiền vốn nhập loại cá này về nuôi" - anh Nghĩa kể lại.
"Người khác thường chỉ nuôi trong bể nhưng tôi nuôi ở dưới ao, vì kiểm soát được môi trường nước dưới ao, tôi sẽ đưa xuống ao nuôi" - anh Nghĩa nói.
Ban đầu thả nuôi cá Koi dưới ao đàn cá phát triển tốt, sau 6 tháng nuôi đàn cá đạt trọng lượng trung bình 1kg/con. Anh Ngọc Anh đưa cá Koi lên bể nuôi dưỡng để bán cho khách. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm, đàn cá Koi bị nhiễm khuẩn và chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Anh lại tiếp tục đi vay mượn mua lô cá 500 con cá Koi giống.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này hai anh nuôi cá to hơn và xử lý cẩn thận đàn cá trước khi đưa lên bể dưỡng để thuần cá bán cho khách.
"Bắt một con lợn rừng về nuôi chẳng hạn, ban đầu phải tạo cho nó môi trường gần giống môi trường rừng. Ban đầu khi đưa về nhà cũng tạo cho nó môi trường gần giống ở rừng, rồi mới cho ăn rau, quả ở nhà, tập cho nó tiếp xúc với con người, trở nên thân thiện, lúc đó mới nuôi được trong nhà. Chứ nếu vẫn giữ bản tính ở rừng thì rất hung giữ và sợ người. Con cá cũng vậy.
Ao cá là môi trường khép kín, có hệ sinh thái bùn, đáy ao. Cá được tự do, không gian di chuyển lớn. Khi đưa cá lên bể thì đáy là bê tông, tất cả các nguồn dinh dưỡng hay vi sinh vật thủy sinh đều là nhân tạo, diện tích cũng bị thu hẹp lại rất nhỏ. Có khả năng cá sẽ nhảy ra ngoài hoặc đâm đầu vào vách đá chết" - anh Nghĩa nói.
Phải thuần hóa để cá bạo với người hơn, đưa tay ra là cá bơi lại. Quá trình đó rất lâu cá mới quen với người được. Cần có nhiều bể nhỏ để dưỡng cá từng giai đoạn một. Qua nhiều giai đoạn, hao hụt nhiều, mới có thể nuôi ghép cá mới với đàn "anh chị" đã ở trên bể, được thuần hóa rất lâu rồi. Cá đã được thuần hóa, khi cho ăn chỉ cần cầm cám đưa là cá sẽ bơi lại tay người ăn.
"Khi tôi làm mô hình này, cũng có nhiều người học theo xen canh theo hướng như vậy. Nhưng quan trọng là nuôi phải có đầu ra. Hiện tại, tôi và anh trai kết hợp với bên thu mua cá Koi. Anh trai tôi đã đầu tư một khu sinh thái nhỏ để chăm sóc cá dưới ao rồi đưa lên bể, thuần hóa để cá có thể trở thành cá cảnh trên bể" - anh Nghĩa nói.
Nhờ nuôi kỹ thuật, đàn cá Koi đưa lên bể dưỡng không một con nào bị bệnh, dưới bàn tay chăm sóc của anh đàn cá nhút nhát nhanh chóng thân thiện với con người. Chính vì vậy mà cơ sở nuôi cá Koi của anh Ngọc Anh được nhiều người ưa thích, được chọn là nơi mua và săn những con cá Koi đẹp.
"Lứa thả nuôi sau khi bán hết, trừ hết tất cả các chi phí như giống, thuốc men, thức ăn...tôi lãi gần 400 triệu đồng. Không một loại cá nước ngọt nào có giá trị kinh tế bằng con cá Koi thuần chủng này", anh Ngọc Anh tiết lộ.
Trung bình mỗi năm, hai anh cung cấp cho thị trường cá Koi trên 300 con, giá trị từ vài triệu cho đến vài chục triệu/con. Thị trường tiêu thụ cá Koi chủ yếu là ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và trên địa bàn tỉnh Thái Bình, doanh thu từ bán cá đạt trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng.