Về quê ăn Tết, bộ phim nghe cái tên là đã thấy rất Tết của Ngô Thanh Vân sản xuất và kiêm một trong hai vai chính đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay của báo giới trong suất chiếu đầu tiên cách đây vài hôm.
Là bộ phim có kinh phí sản xuất thấp nhất của Ngô Thanh Vân tính đến thời điểm hiện tại, "đả nữ" chia sẻ cô chỉ mong muốn đem đến một sản phẩm giản dị, hợp với mùa sum vầy, một bộ phim đúng chất Tết và thật là "chợ".
Đúng như vậy, Về quê ăn Tết là một chuyến hành trình ồn ào, náo loạn trên chiếc xe đò cà tàng do hai chị em Đậu Xanh - Đậu Đỏ (Ngô Thanh Vân & Jun Phạm thủ vai) từ Sài Gòn đến Cà Mau vào một ngày giáp Tết. Nổi danh với "biệt tài" lái xe lạng lách nguy hiểm, thế nên không một bến nào muốn xe của chị em nhà Đậu vào đón khách. Trước tình cảnh ế ẩm không có tiền ăn Tết, sự xuất hiện của một chú Tư Ếch (Trung Dân) kèm yêu cầu hộ tống ông cùng chiếc hộp gia bảo về quê với giá trên trời chính là cứu tinh của hai chị em.
Từ đó, chuyến xe bão táp bắt đầu. Từng con người lên rồi xuống xe, đủ mọi thành phần, đủ mọi câu chuyện khiến cho cái không khí nhốn nháo những ngày gần đến Tết được tô đậm dần theo thời lượng phim. Để đến khi về cuối, khi mọi bí mật và tâm tư được lật mở, khán giả sẽ sụt sùi vì thứ tình cảm gia đình thiêng liêng mà ai cũng muốn ôm vào lòng mỗi độ Tết sang.
Câu chuyện của Về quê ăn Tết rất đơn giản. Nói thẳng thừng thì nó giống một show truyền hình qua nhiều vòng hơn là một bộ phim điện ảnh. Các tình huống, nhân vật xuất hiện rải rác cũng mang đậm tính sân khấu và tiểu phẩm. Nghĩ cũng không có gì lạ vì người cầm trịch bộ phim này là Nguyễn Hoàng Anh, nữ đạo diễn đã làm nên series Cô Thắm về làng rất được yêu thích trên truyền hình nhiều năm qua. Tận dụng thế mạnh là mảng miếng hài hước rặt chất Nam Bộ và những tình huống dễ cảm thông, dễ xúc động, nữ đạo diễn dễ dàng kiểm soát được thông điệp mình muốn kể trong một bộ phim chiếu Tết.
Nếu là một tác phẩm điện ảnh nào đó đòi hỏi kĩ thuật hay lối kể chuyện cầu kì, chắc chắn Về quê ăn Tết sẽ bị đánh giá là nhạt nhoà, thậm chí là kém về tay nghề. Tuy nhiên, đây là một phim về mùa Tết, thế nên nó hoàn toàn có thể được chấp nhận, kể cả tán dương. "Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng". Một nhà sản xuất kĩ tính và tham vọng như Ngô Thanh Vân sẽ không bao giờ vì kinh phí thấp mà làm một bộ phim hú họa. Cô cùng ekip sản xuất thừa hiểu một tác phẩm phục vụ bà con trong dịp Tết cần gì và cần bao nhiêu, thế là Về quê ăn Tết ra đời. Không phải để chứng minh mình chịu chơi làm hai ba phim liên tục, chỉ đơn giản là để chứng tỏ Ngô Thanh Vân thực sự am hiểu thị trường, cuộc chơi điện ảnh mà mình đang tham gia.
Phim Tết thì năm nào chả phải có, bởi đó là dịp mà biên độ khán giả đến rạp được mở rộng nhất. Một miếng bánh mà bất cứ nhà làm phim nào cũng muốn giành một phần. Không phải khi không mà các nhà sản xuất cứ làm phim hài mùa Tết cho an toàn, hay năm nay cả 4 phim đều công chiếu ngay trong mùng Một đều có lý do, đơn giản vì chắc chắn nó sẽ khiến phim ít lỗ nhất.
Nhưng Về quê ăn Tết lại mang một lợi thế cao cơ hơn ba phim còn lại, theo đánh giá của người viết, vì đề cập thẳng thừng đến Tết. Vẫn là hài đấy, vẫn theo lối bình dân dễ xem dễ cười đấy, nhưng Về quê ăn Tết lại nhìn ra được đối tượng mình cần tô đậm: những người xa quê. Đây gần như là phim Việt đầu tiên đề cập trực tiếp đến vấn đề này, thứ mà rất nhiều phim ngắn hay MV ca nhạc đã làm suốt bao năm. Thế nhưng tại sao không nhà sản xuất nào làm thành điện ảnh? Vì nó quá đại chúng, quá đơn giản, dường như không có gì để phát triển nữa. Vậy thì hãy dành cho Về quê ăn Tết một tràng pháo tay vì bộ phim chính là cái tổng thể cùng thông điệp cũ rích đó nhưng lại mới lạ trên màn ảnh rộng.
Còn rất nhiều sạn trong phim, ngay từ những phút đầu tiên. Đó là những tình huống được cài cắm gượng ép, các nhân vật được xuất hiện sắp đặt đúng chất sân khấu truyền hình, bối cảnh chủ yếu cũng chỉ ở trên một chiếc xe, kĩ xảo cũng không được trau chuốt nhiều vì kinh phí. Nhưng càng xem, bạn sẽ chẳng còn bận tâm đến điều đó nữa. Bởi những ý vị, mùi, sắc mà đạo diễn đưa dần vào phim khiến bạn chỉ còn muốn xem những người trên chuyến xe ấy có về kịp đoàn tụ với gia đình hay không mà thôi.
Không phải phân biệt vùng miền, nhưng dường như ekip của Về quê ăn Tết đã quyết tâm chinh phục trọn vẹn người dân miền Tây, Nam Bộ. Những đặc sản như cách nói chuyện ồn ào, dễ nóng giận nhưng cũng dễ tha thứ, sự chân chất, dân dã hay cách nói chuyện suồng sã, hay gieo vần đều được đưa đầy đủ vào phim. Có thể bộ phim sẽ không chinh phục được khán giả phía Bắc nhưng chắc chắn phía Nam sẽ cực kì thích thú.
Không chỉ về mặt ý nghĩa hay thông điệp, Về quê ăn Tết còn khiến khán giả bị cuốn theo cuộc hành trình bởi diễn xuất tự nhiên, đồng đều của dàn diễn viên đông đảo từ vai chính đến vai khách mời. Nghệ sĩ Trung Dân vẫn chứng tỏ bản lĩnh với lối diễn bình tĩnh nhưng cực kì tình cảm, một câu nói thôi cũng khiến bạn mủi lòng. Jun Phạm có đất tối đa để phát huy phong cách tưng tửng, đáng yêu qua vai anh lơ xe Đậu Đỏ hay tăng động. Puka, Hải Triều, Tiến Công, Ngọc Tưởng đều đã khẳng định tên tuổi ở sân khấu hài nhưng không bị quá lố trên phim, tất cả đều duyên vừa đủ. Chí Tâm sau Em chưa 18 tiếp tục khiến người xem đặt niềm tin vào anh lính mới của điện ảnh Việt này với một vai nho nhỏ nhưng quá đủ ấn tượng.
Đặc biệt nhất chắc phải là "đả nữ" Ngô Thanh Vân. Chuyên trị những vai hành động hay người mẹ khó tính nay lại chịu cắt tóc, bóp ngực để làm một nữ tài xế ô môi, yêu cuồng nhiệt Tăng Thanh Hà và hay đấu khẩu với cậu em. Ai cũng bất ngờ với khả năng diễn hài của Ngô Thanh Vân trong bộ phim này, không quá đặc sắc nhưng đủ duyên để người ta thấy đáng yêu.
Cũng không thể bỏ qua dàn khách mời hùng hậu như Bạch Long, Xuân Lan, Hữu Châu, Phi Phụng, Oanh Kiều, Will, thậm chí là Tăng Thanh Hà, Mỹ Tâm, Đông Nhi cũng lần lượt xuất hiện trên xe để tạo nên dàn hậu phương đông đảo nhưng đảm bảo chất lượng.
Không chỉ đông người, Về quê ăn Tết còn đông nhạc! Từ nhạc mới đến nhạc bolero, nhạc xuân, rồi nhạc trẻ của các ca sĩ như Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP hay giai điệu quen thuộc của nhạc phim Thần điêu hiệp lữ cũng có "đất" để xuất hiện. Đúng như Ngô Thanh Vân đã nói, Về quê ăn Tết thực sự là một cái chợ rất đông người, nhưng là một phiên chợ văn minh, truyền thống và đặc sệt cảm tình.
Người đến, kẻ đi trên chuyến xe đò cổ lổ sĩ; kẻ khóc, người cười vì những câu chuyện vụn vặt trước thềm Tết sang khiến cho không khí Tết như ùa vào lòng của từng khán giả bên dưới. Cười tẹt ga rồi lại rưng rưng trong cái ôm của niềm sum họp, bộ phim dung dị và tình cảm như chính cái Tết cổ truyền của người Việt. Chẳng cần gì xa hoa cả, một chậu mai vàng, một mâm cỗ quả và quan trọng là mọi người trong gia đình kề lại bên nhau là đã quá đủ để ta thấy cái Tết thật đẹp rồi.
28 tháng Chạp rồi đó, ai còn công ăn chuyện làm gì cũng nhanh chóng gác lại rồi về nhà đón Tết đi thôi!
Phim Về quê ăn Tết khởi chiếu ngày 16/2/2018 trên toàn quốc.