Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 7 – tháng 10 Âm lịch (tức tháng 8 – tháng 11 Dương lịch), con nước từ thượng nguồn sông Mekong lại đổ về đồng bằng sông Cửa Long tạo thành một biển nước, nhất là tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tứ Giác Long Xuyên. Đây là lúc những cánh đồng xanh mát khi xưa được thay thế bởi cảnh tượng mênh mông sóng nước vô cùng đẹp đẽ, là thời điểm được nhiều du khách đến với miền Tây mong đợi trong năm.
Đây cũng là mùa mùa từng đàn chim kéo nhau về làm tổ trong những khu rừng ngập nước. Những người làm du lịch ví đây là “mùa sinh sôi nảy nở” của miền Tây vì cảnh sắc thiên nhiên chỉ gói gọn trong hai chữ “tuyệt vời”. Nằm ngay bên cạnh dòng sông Cửu Long màu mỡ, thiên nhiên đã ban tặng cho An Giang nhiều điều kiện thuận lợi không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn đẩy mạnh du lịch sinh thái. An Giang giống như một bức tranh thu nhỏ miền tây sông nước đầy sắc màu nhưng vô cùng bình yên và thơ mộng.
Nhắc đến du lịch An Giang, chúng ta có lẽ khó mà có thể bỏ qua “cô nàng” rừng tràm Trà Sư xanh mượt đẹp hút lòng người. Rừng tràm Trà Sư cách Châu Đốc khoảng 30 km, cách khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia chỉ khoảng 10 km, được trồng theo mô hình hệ sinh thái điển hình vùng ngập nước phía Tây sông Hậu.
Đến đây, bạn sẽ được thưởng ngoạn không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng hai bên, mà còn được tiếp xúc ở cự ly gần với hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm bởi nơi đây còn được phát triển để trở thành “ngôi nhà chung” – khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ này.
Chuyến tham quan rừng tràm Trà Sư của bạn sẽ diễn ra trên phương tiện di chuyển chính là xuồng ba lá - loại phương tiện đặc trưng của vùng sống nước này. Dọc theo mỗi chuyến đi, khách du lịch sẽ có người hướng dẫn viên du lịch kiêm người chèo xuồng đưa du khách đi dọc rừng tràm, đồng thời sẽ giới thiệu các điểm hay – độc – lạ chỉ nơi đây mới có. Vì là khu du lịch sinh thái nên dĩ nhiên Rừng Tràm Trà Sư “ngập tràn” nhiều loài thủy sinh vật, chim , cá nước… Được biết nơi đây có khoảng 140 loài thực vật, với diện tích được tràm gần như bao phủ.
Vào sâu bên trong, rừng tràm Trà còn có một ngọn tháp cao được xây dựng có kính viễn vọng (tầm nhìn đạt 25 km) để du khách có thể ngắm toàn cảnh từ trên cao của khu du lịch sinh thái.
Ngoài thưởng ngoạn cảnh vật nơi sông nước An Giang thì đặc sản ẩm thực cũng là một trong những điểm du khách nên được trải nghiệm khi tới nơi đây. Nói đến đặc sản mùa nước nổi không thể không nhắc đến cá linh. Cá linh - món quà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân miền Tây và chỉ có khi "con nước" về. Cá linh đầu mùa, chỉ bé bằng đầu đũa, thịt cá ngon, ngọt, xương mềm, béo ngậy. nước càng dâng cao, cá linh về càng nhiều. Cá linh sau khi bắt, sẽ có thể được chế biến thành nhiều món, trong đó, lẩu cá linh bông điên điển An Giang là đặc sản nổi tiếng đối với mọi người mỗi khi đến miền Tây vào mùa mưa.
Để có được nồi lẩu ngon đúng điệu, chuẩn hương vị miền sông nước, mọi người thường lựa chọn nguồn nguyên liệu đặc biệt tự nhiên, tươi sạch từ nhiều kênh rạch sông nước chằng chịt ở miền Tây. Hương vị ngọt thanh, giản dị, mang đậm vị hương đồng gió nội chính là đặc trưng món lẩu cá linh này.
Ngoài lẩu cá linh bông điên điển, An Giang còn rất nổi tiếng với nhiều món ẩm thực đặc sắc như gà hấp lá trúc, gỏi sầu đâu, xôi phồng Chợ Mới, bún cá Châu Đốc, mắm thái Châu Đốc,... Hội tụ đầy đủ sắc, hương và vị rất riêng, tất cả các món đặc sản đã góp phần làm cho màu sắc ẩm thực An Giang trở nên đa dạng, độc đáo và rất đặc trưng bản sắc miền Tây sông nước. Hãy thử một lần về với rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi để thả mình vào vẻ đẹp xanh mướt, lênh đênh trên xuồng ba lá và thưởng thức những đặc sản đặc trưng của nơi đây, bạn nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Lên Mèo Vạc trong dịp nghỉ lễ 2/9, thưởng thức đặc sản ẩm thực vừa lạ vừa quen!