Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index tăng 12,92 điểm lên 827,57 điểm ( 1,59%), HNX-Index tăng 1,87% lên 112,5 điểm, Upcom-Index tăng 0,68% lên 55,89 điểm. Toàn thị trường giao dịch gần 5.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các phiên giao dịch của tuần trước.
Mặc dù Vn-Index tăng mạnh, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng các cổ phiếu lớn. Cụ thể, ngoài 2,5 triệu cổ phiếu TCB trao tay do TCB đang hết room, khối ngoại hôm nay bán ròng gần 700.000 cổ phiếu HPG, gần 400.000 cổ phiếu VHM, bán ròng hơn 400.000 cổ phiếu DPM, 387.000 cổ phiếu SAB, 170.000 cổ phiếu DBC, mua ròng SSI, DXG, STB và PLX.
Các cổ phiếu lớn giữ được đà tăng đến cuối phiên, VCB bất ngờ được mua mạnh, tăng 3,9% lên 81.900 đồng/cp, MSN tăng 2,7% lên 54.000 đồng/cp, VRE tăng 2,5% lên 26.300 đồng/cp, các mã khác như BID, VNM, PLX, SSI, CTG, FPT, GAS, MWG tăng hơn 1%.
Trong các cổ phiếu midcap, APH, TCM tăng trần, CTD tăng 4,9% lên 73.500 đồng/cp, HBC tăng 4,6% lên 9.120 đồng/cp, LPB, VGI, HVN tăng hơn 3%. Trong khi đó, sau 2 phiên tăng mạnh, SZC, DBC giảm nhẹ.
~~~~
Vn-Index tại thời điểm 13h35 tăng 8 điểm lên 822,65 điểm ( 0,98%), HNX-Index tăng 1,5% lên 112,07 điểm, Upcom tăng 0,47%.
APH của An Phát Holding tăng trần sau phiên điều chỉnh, hiện giao dịch ở mức giá 60.900 đồng/cp, dư mua trần hơn 520 nghìn đơn vị.
Các cổ phiếu bluechips có nền tảng tốt hồi phục mạnh, BVH tăng hơn 5% lên 45.600 đồng/cp, CTD tăng 4,7% lên 73.400 đồng/cp, các cổ phiếu midcap như HBC, VGI, SHS, HSG, GEX đều tăng điểm.
Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu NHP của CTCP XNK NHP có dư mua trần 1,2 triệu đơn vị, khi thị giá của cổ phiếu này chỉ 600 đồng/cp, một số cổ phiếu khác tăng mạnh trên sàn Hà Nội như SHB, ACB, PVS, SHS, CEO thanh khoản tốt.Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng ngay từ đầu phiên. Tính đến 9h48, Vn-Index tăng 9,69 điểm, tương đương 1,19% lên 824,34 điểm. Toàn thị trường hiện có 308 mã tăng giá trên sàn Hose. Trong khi đó tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,65 điểm tương đương 1,49% lên 112,08 điểm, Upcom và phái sinh đều tăng.
Trong nhóm Vn30, ngoại trừ EIB giảm 0,6%, SBT đứng giá thì hầu hết các cổ phiếu lớn đều tăng điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID tăng 1,6% lên 37.800 đồng/cp, CTG tăng 2.1% lên 22.200 đồng/cp, HDB tăng 1,4% lên 24.750 đồng/cp, MBB tăng 1,5% lên 16.400 đồng/cp, TCB tăng 2,4% lên 19.050 đồng/cp, VCB tăng 1,1% lên 79.700 đồng/cp, VPB tăng 2,1% lên 21.400 đồng/cp.
Các cổ phiếu khác tăng giá đáng chú ý có MSN, MWG, VRE, tăng trên 2%, PNJ, FPT, SSI, GAS, HPG tăng 1%, PLX, VJC tăng nhẹ.
Cổ phiếu DNM sau 6 phiên tăng trần liên tiếp hiện giảm sàn 10% xuống 65.800 đồng/cp.
Các cổ phiếu tăng giá đáng chú ý có HBC tăng hơn 5%, May sông Hồng MSH tăng 5,3% lên 29.000 đồng/cp, GEX, GTN tăng hơn 4%, HSG tăng 3,4%, DGC sau khi chuyển sàn HoSE giảm mạnh, hiện đang hồi trở lại, mức tăng 2,6% lên 37.950 đồng/cp.
Lãi suất tiết kiệm 6 tháng đang loanh quanh ở mức 4-6%/năm cộng với việc nước ngoài mua ròng những phiên vừa qua là hai yếu tố giữ đà tăng của thị trường. Mặc dù các thông tin về Covid tại Đà Nẵng liên tiếp xác nhận các ca nhiễm mới. Tuy nhiên so với làn sóng Covid đợt 1 khi bệnh nhân số 17 về, tâm lý các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại khá vững và không có động thái bán cắt lỗ ồ ạt như trước. Thông điệp của Chính phủ đảm bảo mục tiêu kép, kiểm soát dịch bệnh nhưng không ngăn sông cấm chợ, không làm kinh tế đổ gãy, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Điều này cũng góp phần trấn an nhà đầu tư.
Hiện Việt Nam có tổng cộng 652 ca mắc COVID-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng từ ngày 25/7 đến nay: 205 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 133.279.
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt, các chỉ báo xu hướng như MACD và ADX vẫn chưa có tín hiệu cho xu hướng đã đảo chiều sau đợt suy giảm mạnh vừa qua. Như vậy, chỉ số Vnindex cần phải vượt vùng 821 để xác định trend tăng trở lại, còn nếu không thể vượt lên trên thì chỉ số Vnindex vẫn đang đi ngang để tiếp tục xu hướng giảm.
Trong khi đó, SSI nhận định rằng, sau phiên giao dịch hôm qua (3/8), thị trường xuất hiện tín hiệu tích cực khi tăng điểm tốt với KLGD của VNIndex tăng 10% đồng thời dòng tiền cũng đang tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, việc nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng điểm mạnh nhất trong phiên này lại là một điểm trừ khi dòng tiền chuyển hóa sang nhóm cổ phiếu này quá sớm; ngoài ra KLGD mặc dù tăng nhưng vẫn còn cách đường trung bình 50 ngày khá xa và cho thấy dòng tiền vào thị trường là chưa đủ mạnh để tạo ra sự đảo chiều từ giảm sang tăng.
Mức kháng cự mạnh hiện tại trên chỉ số VNIndex hiện đang nằm tại 826 điểm, để quay trở lại xu hướng tăng thì chỉ số VNIndex cần chinh phục mức kháng cự này với KLGD tăng lên và tiệm cận đường trung bình 50 ngày. Trong trường hợp ngược lại, nếu chỉ số VNIndex thất bại trong việc chinh phục cột mốc 826 điểm thì khả năng cao chỉ số VNIndex tiếp tục điều chỉnh và tạo đáy dưới 780.