“Vây Ngụy cứu Triệu” là kế thứ hai trong bộ 36 kế sách được sử dụng rất nhiều trong chính trị, quân sự thời xưa. Cho đến hiện nay kế sách này vẫn giữ nguyên được giá trị của nó khi được áp dụng trong các bài học cuộc sống và bài học về kinh doanh.
Nguồn gốc kế sách
Năm 354 trước công nguyên, vua nước Ngụy là Ngụy Huệ Vương sai tướng quân Bàng Quyên đi đánh nước Trung Sơn ở phương bắc. Trung Sơn chỉ là nước nhỏ, không bao lâu thì bị Ngụy chiếm được. Ít lâu sau Ngụy Huệ Vương mất, nhân lúc nước Ngụy có quốc tang nước Triệu bèn xua quân chiếm lấy Trung Sơn.
Bàng Quyên vốn có thù cũ với nước Triệu, thấy vậy liền tâu lên Ngụy vương xin đánh thẳng vào kinh đô của Triệu là Hàm Đan, Ngụy vương đồng ý. Vua Triệu bất ngờ trở tay không kịp, bèn cầu cứu nước Tề ở phía đông. Vua Tề nhận lời ứng cứu, cử Điền Kỵ làm tướng giải cứu nước Triệu.
Khi ấy nước Tề mới có thêm một vị quân sư tên Tôn Tẫn. Tôn Tẫn vốn là đồng môn với Bàng Quyên, tương truyền cùng là học trò của Quỷ cốc tiên sinh. Trước đây Tôn Tẫn từng đến Ngụy làm tướng, Bàng Quyên vì sợ Tôn Tẫn được trọng dụng hơn mình nên lập mưu hãm hại, cuối cùng Tôn Tẫn phải bỏ chạy tới nước Tề.
Bấy giờ Hàm Đan bị vây gấp, Điền Kỵ vốn muốn đem quân tới Hàm Đan giải vây ngay, song Tôn Tẫn lập tức can lại: “Việc chúng ta là cứu nước Triệu, nếu đem quân vào tham chiến thì hai bên đánh mãi không thôi, dù cứu được Triệu thì quân ta cũng tổn thất lớn, không nên!
Theo ý tôi, hiện nay quân Ngụy tập trung hết ở Hàm Đan, nước Ngụy không còn bao nhiêu binh sĩ phòng thủ, chúng ta giả đem quân tới đánh Ngụy, ép Bàng Quyên phải đưa quân về thủ. Quân Ngụy đang phải chiến đấu với Triệu, nay lại phải di chuyển ngược trở về, binh sĩ ắt vô cùng mệt mỏi, chúng ta nhân lúc ấy cho quân mai phục mà đánh thì ắt thắng.”
Điền Kỵ làm theo ý lời Tôn Tẫn. Quả nhiên quân Ngụy phải rút khỏi Hàm Đan về phòng thủ. Quân Ngụy đi tới Quế Lăng thì bị quân Tề mai phục, quân Ngụy chinh chiến đã lâu, nay lại di chuyển đường dài, sĩ khí và sức lực đều đã cạn kiệt, nào phải đối thủ của quân Tề.
Bàng Quyên thấy không đánh được đành phải đem tàn quân tháo chạy về kinh đô nước Ngụy là Đại Lương, nước Triệu cũng nhân đó mà được giải vây.
Từ đó cái tên “Vây Ngụy cứu Triệu” trở nên nổi tiếng không chỉ trong quân sự mà cả trong đời sống hàng ngày, dùng để chỉ những phương pháp đi ngược tư duy logic thông thường nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng.
Đây là phương pháp đòi hỏi người dùng phải nhìn nhận được bản chất vấn đề, không bị che mắt bởi những biểu hiện hình thức bên ngoài, tuy khó nắm bắt nhưng nếu biết ứng dụng sẽ đem lại hiệu quả cao trong thực tế.
"Vây Ngụy cứu Triệu” trong đời sống hiện nay
Tại một bảo tàng ở Bỉ, một vị thương nhân Mỹ mặc cả giá mua tranh với một vị họa sĩ Ấn Độ, hai bên tranh luận kịch liệt không ai nhường ai.
Thương nhân người Mỹ muốn mua ba bức tranh của họa sĩ Ấn Độ, các bức tranh khác giá chỉ từ 10 đến 100 USD, nhưng riêng ba bức này họa sĩ Ấn Độ ra giá 250 USD, nhất quyết không giảm một xu. Thương nhân Mỹ hiển nhiên không cam chịu bị ép giá như vậy, tìm mọi cách để mặc cả.
Họa sĩ Ấn Độ thấy thương nhân mặc cả nhiều như vậy thì nổi giận, không nói một lời châm lửa đốt một trong ba bức tranh.
Thương nhân Mỹ thấy vậy nhưng nghĩ tới nghĩ lui, thấy giá tiền như vậy vẫn quá cao, lại mặc cả tiếp. Họa sĩ Ấn Độ lại châm lửa đốt tiếp bức thứ hai. Thương nhân Mỹ thấy vậy thì càng thêm tiếc nuối, vì ông ta rất thích ba bức tranh này. Lúc này họa sĩ Ấn không những không giảm giá, mà tăng giá bức tranh cuối cùng lên 500 USD, vừa nói tay vừa cầm mồi lửa sẵn sàng đốt nốt bức tranh cuối cùng này. Thương nhân Mỹ bất đắc dĩ đành chấp nhận mức giá 500 USD.
Trong cuộc đàm phán này, thay vì tìm cách bắt thương nhân Mỹ trả giá tranh cao hơn, họa sĩ Ấn Độ đã đốt hai bức tranh để tăng sức cạnh tranh cho bức tranh thứ ba, khiến thương nhân Mỹ từ chỗ lựa chọn ba bức tranh chuyển sang chỉ còn một bức duy nhất để mua.
Thay vì sa vào cuộc đàm phán vốn là thế mạnh của thương nhân, người họa sĩ tập trung vào việc tăng sức cạnh tranh, sự khan hiếm cho sản phẩm của mình.
Đó chính là một ứng dụng của kế sách “Vây Ngụy cứu Triệu”, ép đối phương phải từ bỏ lợi thế, phải giao chiến trong thế bất lợi, tập trung vào điểm mạnh của bản thân và từ đó giành chiến thắng cuối cùng.