Vấp rào cản Nga, căn cứ đặt ở Karabakh "chết từ trong trứng": Thổ vẫn có cách lách luật?

Hoài Giang | 25-11-2020 - 07:17 AM

(Tổ Quốc) - Không nhận được sự đồng ý của Nga, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sẽ không thể thiết lập một căn cứ độc lập ở Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên họ vẫn còn "phương án 2"?

Không được phép của Nga, Thổ sẽ không có căn cứ ở Karabakh?

Hôm 23/11, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết bất đồng đã nảy sinh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch thiết lập một điểm giám sát ngừng bắn độc lập ở Azerbaijan của Ankara.

Cần nhấn mạnh rằng căn cứ vào thỏa thuận ngừng bắn được Nga, Armenia và Azerbaijan thống nhất vào đêm 9 rạng sáng 10/11, khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình Nga cùng một lượng lớn khí tài đã đảm nhiệm việc giám sát và tuần tra dọc theo chiến tuyến ở Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một bên trong thỏa thuận giữa 3 quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết, nhưng nước này sẽ được phép cử một nhóm quan sát viên tại một trung tâm giám sát của Nga trên lãnh thổ Azerbaijan.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và quân nhân Azerbaijan tại một vị trí gần thị trấn chiến lược Shusha/Shushi ở Nagorno-Karabakh (Nguồn: RT0.

Tuy nhiên vào tuần trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt kế hoạch triển khai Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tới Azerbaijan với nhiệm vụ "quan sát".

Vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết rằng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã được huấn luyện và sẵn sàng để triển khai.

Theo nguồn tin của Reuters, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thống nhất về phái đoàn "quan sát viên", nhưng có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng tới việc việc xây dựng "điểm quan sát" độc lập với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

"Sự khác biệt lớn nhất về quan điểm lúc này (giữa Moscow và Ankara) là trạm quan sát mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập trên lãnh thổ Azerbaijan", nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters.

"Nga cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một trạm quan sát trên khu vực độc lập với trung tâm chung là không cần thiết. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh điều này là cần thiết đối với họ".

Nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục ở Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi cuối cùng sẽ đạt được một "thỏa hiệp" nào đó với Nga.

Theo Reuters, hiện chưa có các bình luận chính thức về vấn đề này từ Nga, Armenia hay Azerbaijan.

Vấp rào cản Nga, căn cứ đặt ở Karabakh chết từ trong trứng: Thổ vẫn có cách lách luật? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ gần như không thể thuyết phục Nga để triển khai căn cứ quân sự ở Nagorno-Karabakh? (Hình minh họa: Dịch vụ báo chí Điện Kremlin).

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách "lách luật"?

Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía Azerbaijan từ gần 30 năm trước - kể từ Chiến tranh Nagorno-Karabakh (1988-1994). Armenia và Azerbaijan tiếp tục giao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh (phía Armenia gọi là Artsakh) vào cuối tháng 9/2020.

Sau 6 tuần đụng độ, Quân đội Azerbaijan đã chiếm được thị trấn chiến lược Shusha (Shushi theo phía Armenia) và với sự hỗ trợ của Nga, các nhà lãnh đạo ở Yerevan đã quyết định đình chiến với Baku.

Ankara luôn duy trì lập trường yêu cầu các lực lượng Armenia phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Azerbaijan và việc thiết lập một "điểm quan sát" được Reuters nhận xét là "để tăng cường ảnh hưởng trong một khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là chìa khóa cho an ninh của chính họ".

Vấp rào cản Nga, căn cứ đặt ở Karabakh chết từ trong trứng: Thổ vẫn có cách lách luật? - Ảnh 3.

Nhiều khả năng trung tâm giám sát giữa Nga và Thổ sẽ không nằm trong khu vực do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đảm nhiệm ở Nagorno-Karabakh. Một phương án khả dĩ nhất là nó nằm ở khu vực Agdam (Агдамский район) mới được phía Yerevan và Stepanakert bàn giao cho Baku.

Tuy nhiên phía Nga đã kiên quyết phủ nhận rằng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sẽ được triển khai ở Nagorno-Karabakh dựa theo thỏa thuận hôm 9/11.

Hôm 17/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Nhóm Minsk thuộc OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu) và là "một phần của cơ chế được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dàn xếp hòa bình (ở Karabakh)".

Tuy nhiên ông Putin nhấn mạnh việc Ankara và Baku đề cập tới việc triển khai TAF ở Nagorno-Karabakh là "không nên tạo điều kiện hoặc động cơ phá hoại các thỏa thuận, điều này có thể kích động một trong các bên thực hiện các biện pháp hoặc hành động cực đoan".

Ông Putin cũng cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ đề xuất triển khai căn cứ quân sự nói trên ngay khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết và cho rằng điều này là "sự khiêu khích không cần thiết đối với các lợi ích của Armenia".

Một khóa huấn luyện bắn tỉa của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và Quân đội Azerbaijan tại Nakhichevan vào năm 2019 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan).

Tổng thống Nga cho rằng việc thành lập một trung tâm là để các quan sát viên Thổ Nhĩ Kỳ có thể cùng với lực lượng Nga "tiến hành giám sát chiến tuyến Nagorno-Karabakh bằng máy bay không người lái (UAV), phân tích thông tin và đưa ra kết luận trực tuyến trong thời gian thực".

Theo Ahval News, một giả thuyết được đưa ra đó là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể triển khai một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Azerbaijan mà không trở thành động thái khiêu khích Armenia và Nga.

Căn cứ nói trên được cho là sẽ nằm tại Cộng hòa tự trị Nakhichevan thuộc Azerbaijan.

Mặc dù ý tưởng này đã bị cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phủ nhận, nhưng theo lời của Cố vấn chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin trong bình luận với NTV, phương án này cũng có thể sẽ được tái cân nhắc:

"Việc kết nối Nakhichevan đến đại lục Azerbaijan ít nhất cũng có giá trị tương đương với việc giải phóng (Nagorno-)Karabakh".

Vấp rào cản Nga, căn cứ đặt ở Karabakh chết từ trong trứng: Thổ vẫn có cách lách luật? - Ảnh 7.

Theo một phân tích của trang Nagorno-Karabakh Observer, địa điểm huấn luyện bắn tỉa của Quân đội Thổ và Azerbaijan ở Nakhichevan vào năm 2019 nằm khá gần biên giới với Armenia.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM