Vận đen của “ông trùm” Masayoshi Son chưa dừng lại: Startup “con cưng” của SoftBank trị giá nửa tỷ USD đột ngột đóng cửa, sa thải 90% nhân viên

Gia Vũ | 11-02-2020 - 13:50 PM

(Tổ Quốc) - Brandless từng là một trong những "con cưng" của SoftBank với tham vọng bán sản phẩm thiết yếu với giá thấp hơn so với thương hiệu tên tuổi và cạnh tranh với Amazon, Walmart.

Công ty thương mại điện tử Brandless mới đây đã xác nhận với Business Insider rằng họ đang đóng cửa hoạt động. Theo một số nguồn tin, công ty có trụ sở tại San Francisco này đã ngừng nhận tất cả các đơn đặt hàng mới đồng thời sa thải 70 người (tương đương 90% nhân viên công ty) vào thời điểm chính thức dừng hoạt động.

Theo Protocol, tờ báo đầu tiên tiết lộ thông tin giải thể của Brandless, 10 nhân viên còn lại sẽ tiếp tục làm việc để hoàn tất những đơn đặt hàng cuối cùng của khách hàng và xem xét đề nghị mua lại.

CEO Evan Price của thương hiệu "không thương hiệu" chia sẻ: "Tôi tự hào về những gì chúng tôi đã cùng nhau tạo ra tại Brandless và sự cống hiến chăm chỉ của tất cả mọi người trong nhóm. Brandless đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong ngành sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Mặc dù không thể tiếp tục cạnh tranh trong thị trường nữa, tôi tin rằng các thương hiệu lớn tiếp theo của tương lai sẽ được xây dựng từ trải nghiệm này".

Brandless ra mắt năm 2017, chuyên kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng gia đình từ giấy ăn, dầu olive, cho đến sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm với giá thấp. Thời điểm đầu, hầu hết mọi thứ trên trang web của Brandless chỉ có giá 3 USD.

Đến tháng 7/2018, quỹ Vision của tập đoàn Nhật Bản SoftBank đã đầu tư 240 triệu USD vào Brandless, qua đó nâng mức định giá của công ty lên hơn 500 triệu USD – mức định giá cao so với một công ty mới thành lập như Brandless. Tổng cộng, Brandless đã huy động được khoảng 290 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm Redpoint, NEA, GV và Slow Ventures, theo báo cáo của PitchBook.

Tháng 10 năm ngoái, Brandless cho biết họ đang tìm cách bán sản phẩm trong các cửa hàng vật lý của một số nhà bán lẻ lớn, báo hiệu sự thay đổi trong mô hình kinh doanh vốn chỉ qua mạng internet của mình.

Việc Brandless đóng cửa đánh dấu sự kết thúc của một quá trình hỗn loại, bắt đầu từ hơn 2 năm trước do mô hình kinh doanh đầy thách thức ngay từ ngày đầu thành lập. Trong một tuyên bố, startup này cho rằng thị trường bán lẻ "cạnh tranh khốc liệt" đã khiến hoạt động kinh doanh của họ trở nên "không bền vững". Đối với giới chuyên môn, họ không mấy bất ngờ trước thông tin này và cho rằng đây là cái kết đã được báo trước bởi Brandless đã chọn một con đường rất khó để đi lâu dài.

Startup nửa tỷ USD bán mọi thứ với giá 3 USD do SoftBank hậu thuẫn đột ngột đóng cửa, từ chối đơn hàng và sa thải tới 90% nhân viên - Ảnh 1.

Một số sản phẩm của Brandless.

Brandless từng là một trong những "con cưng" của SoftBank với tham vọng bán sản phẩm thiết yếu với giá thấp hơn so với thương hiệu tên tuổi và cạnh tranh với Amazon, Walmart.

Theo một số báo cáo của The Information, Brandless đã đốt khá nhiều tiền vào khâu vận chuyển (có chi phí cao) và bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về chất lượng. Được biết, họ đã cố gắng tăng giá lên 9 USD để bù đắp chi phí hoạt động nhưng như vậy là không đủ. Cuối cùng, kết cục là họ buộc phải dừng hoạt động trước khi kết quả tồi tệ hơn xảy ra.

Trong khi đó, không ít công ty được SoftBank rót vốn cũng đang phải đối mặt với việc sa thải nhân viên và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Brandless là công ty đầu tiên ngừng hoàn toàn hoạt động.

Đầu tháng 1, startup làm pizza bằng robot Zume do SoftBank hậu thuẫn đã sa thải một nửa nhân viên, ngừng hoạt động giao hàng và tuyên bố tập trung trở lại vào lĩnh vực bao bì đóng gói cùng mảng sản xuất và phân phối thực phẩm. Nhiều công ty khác cũng đang cân nhắc thay đổi mô hình kinh doanh để không rơi vào tình cảnh thảm hại như WeWork.

Theo đánh giá của chuyên gia, SoftBank đã thúc đẩy những công ty công nghệ mà họ đầu tư mở rộng rất nhanh để rồi sau đó hầu hết phải đối mặt với hạn chế của phương pháp này. Bản thân quỹ Vision của SoftBank cũng đang tỏ ra bối rối khi các giám đốc điều hành quan trọng lần lượt rời công ty và mục tiêu thành lập quỹ Vision thứ 2 trị giá 108 tỷ USD của SoftBank xem chừng còn khá lâu nữa mới thành hiện thực.

theo BI, Protocol

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.