Ván cược thành công của Nga: Báo Đức thừa nhận ông Putin đã rất "sáng suốt" khi làm điều này

Hồng Anh | 24-08-2020 - 21:51 PM

(Tổ Quốc) - "Nếu Tổng thống Vladimir Putin là chủ một quỹ đầu tư, thì hiện tại ông ấy đã trở thành người hùng trong giới này", báo Deutsche Welle (Đức) bình luận.

Báo Đức Deutsche Welle (DW) hôm 22/8 vừa qua đã đăng tải bài viết thừa nhận một chiến lược đúng đắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng sâu sắc, hãng thông tấn Sputnik (Nga) đưa tin.

Cụ thể, DW dẫn lời chuyên gia Holger Zschäpitz, chủ mục kinh tế của Die Welt - một trong những tờ báo hàng đầu của Đức, cho biết việc ông Putin theo đuổi chiến lược không ngừng gia tăng dự trữ vàng của đất nước hóa ra lại là điều đúng đắn nhất trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng kinh tế.

Mở đầu bài viết, DW bình luận:

"Nếu ông Vladimir Putin là chủ một quỹ đầu tư, thì hiện tại ông ấy đã trở thành người hùng trong giới này, bởi các nhà đầu tư đều mong muốn có thể dự đoán trước xu hướng. Vị Tổng thống Nga đã thành công. Ông ấy đã đặt cược vào vàng, và trong thời điểm thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, vàng đã trở thành một trong những loại tài sản sinh lời nhất.

Tuy nhiên, việc ông Putin đặt cược vào vàng không chỉ mới xảy ra từ 1-2 năm trước, mà ông ấy đã làm điều này từ khoảng 15 năm trước. Kể từ đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã làm theo chỉ đạo chiến lược này, họ đã mua vàng với bất cứ giá nào. Trong thời gian này, giá vàng cũng đã có rất nhiều lần biến động..."

Năm 2015, khi giá vàng giảm sâu, tờ báo bảo thủ Die Welt của Đức đã đăng tải bài viết có nhan đề "Cơn khát vàng chết người của Vladimir Putin", trong đó bình luận rằng ông Putin mắc sai lầm chiến lược, khiến Nga "mắc kẹt" trong "cái bẫy" dự trữ vàng.

Tuy nhiên, 5 năm sau, tác giả của bài báo trên, chuyên gia Zschäpitz, đã phải đích thân lên tiếng thừa nhận rằng nhận định của ông này mới là sai lầm, sau khi chứng kiến giá vàng tăng kỷ lục trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

"Ông Putin muốn giảm sự lệ thuộc của dự trữ Nga vào đồng USD, và với khoản dự trữ vàng, ông ấy đã khéo léo đối phó với nhiệm vụ địa chính trị này. Trong lĩnh vực này, ông ấy quả thật rất sáng suốt và đã thành công. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn bị trì trệ, và một bộ phận người dân Nga vẫn phải chịu cảnh nghèo khó", ông Zschäpitz bình luận trong bài viết mới.

Tính đến ngày 13/8 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng lên 600 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục lịch sử được ghi nhận vào năm 2008. Chuyên gia Zschäpitz đã khen ngợi kỷ lục mới của Nga, đồng thời lưu ý rằng trong thời điểm giá dầu mỏ và khí đốt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, Nga vẫn tiếp tục mua vàng và "thành công trong việc tăng dự trữ ngoại hối với giá thấp nhất".

Cây bút chính luận Đức Wolfram Weimer cho rằng việc tăng dự trữ không phải là mục tiêu chính của Tổng thống Putin, mà thực chất nhà lãnh đạo Nga muốn hướng đến mục tiêu giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD. Trong chuyên mục của mình trên cổng thông tin n-TV, nhà báo Weimer đã gọi ông Putin là "nhân vật của tuần" vì chính sách dự trữ vàng-ngoại hối của nhà lãnh đạo Nga.

Trong khi đó, chuyên gia Zschäpitz tin rằng ngay cả khi giá vàng tăng cao kỷ lục, ông Putin cũng sẽ không bán vàng để rót tiền vào nền kinh tế.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Banker Gen Z và hành trình đi tìm môi trường làm việc lý tưởng

Thế hệ trẻ có xu hướng tìm kiếm môi trường làm việc hiện đại, linh hoạt, có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Hiểu được điều đó, SHB đang nỗ lực để tạo ra một môi trường làm việc “không giới hạn”, hướng tới xây dựng mô hình ngân hàng tương lai.