Series mới Inventing Anna dựa trên câu chuyện có thật về Anna Sorokin (Julia Garner), cô gái nổi tiếng với hàng loạt phi vụ lừa đảo ở New York. Anna tự nhận mình là con nhà giàu ở Đức, vay tiền bạn bè và kêu gọi lập quỹ đầu tư lên đến hàng triệu USD để thanh toán cho các khoản tiêu xài đắt đỏ.
Được sản xuất bởi nhà biên kịch nổi tiếng Shonda Rhimes, các phóng viên đã giúp vạch trần bộ mặt thật của Anna và bản thân kẻ lừa đảo nổi tiếng này, phim được nhận xét là thú vị, hài hước và rất chân thật. Nhưng dù có cố gắng đến mấy thì phim cũng không thể tránh khỏi việc bẻ lái vài sự thật để khiến cho phim trở nên kịch tính hơn. Vậy Inventing Anna đã sai ở đâu?
1. Nhân vật nữ phóng viên Vivian
Ngoài nhân vật chính Anna, Inventing Anna còn dành nhiều thời lượng cho nhân vật phóng viên Vivian, người đã giúp đưa câu chuyện tiểu thư lừa đảo ra ánh sáng. Do lo sợ mình sắp bị mất việc vì mắc một lỗi nghiêm trọng, Vivian quyết tâm theo đuổi vụ việc của Anna để giúp vực dậy sự nghiệp.
Trong series, để lấy được nhiều thông tin quý giá từ Anna, Vivian đã làm thân với cô nàng và còn tham gia vào quá trình xét xử Anna. Vivian là người đã giúp làm hồ sơ bằng chứng cho Anna, đem đồ tiếp tế cho Anna khi cô bị bắt giam và còn khuyên Anna mặc đồ màu trắng khi ra xét xử để tạo hình tượng ngây thơ, trong sáng.
Nhưng thực tế, các phóng viên không được phép can thiệp vào vụ án lẫn cuộc đời của người tham gia phỏng vấn sâu như vậy. Điều này có thể gây ra một scandal lớn trong làng báo chí lẫn sự nghiệp của người tham gia. Ngoài ra, theo lời của Anna, phóng viên phỏng vấn cô không tạo hồ sơ bằng chứng hay giúp đỡ cô trong quá trình xét xử. Quyết định mặc đồ trắng tại phiên tòa cũng là do cô nghĩ ra, chứ không có ai khuyên cả.
2. Được đối xử như V.I.P ở nhà giam Rikers
Trong series, khi bị bắt giam ở nhà giam Rikers, Anna vẫn được đối xử như một tiểu thư khi được xếp ở riêng tại một căn phòng đặc biệt và được cai ngục phục vụ trà. Trên thực tế, Anna nói rằng ở nhà giam, cô không được phục vụ trà riêng mà chỉ có máy mua hàng tự động để các tù nhân có thể mua đồ. Các phóng viên cũng không được tự ý gặp Anna mà phải xếp lịch từ trước với nhà tù.
3. Cảnh xử án
Để giúp cảnh xử án trở nên kịch tính hơn, nhà sản xuất đã thêm thắt nhiều chi tiết giả tưởng. Đầu tiên là nhân vật luật sư bào chữa cho Anna, Spodek, đã đưa ra một bài phát ngôn hùng hồn khi so sánh giấc mơ New York của cô với giấc mơ đổi đời ở New York của Frank Sinatra. Tiếp đến, khi thẩm phán cho gọi nhân chứng là một người bạn từng bị Anna lừa, Spodek đã đưa ra nhiều phát ngôn khiến cho cô này bật khóc. Tuy nhiên, khi được phỏng vấn, nhân vật bạn của Anna nói rằng thực ra trải nghiệm thật sự không “kịch tính” đến vậy.
4. Trang phục của Anna khi ra tòa
Trong series, khi bị đem ra xét xử, Anna đã biến tòa án thành một sàn diễn thời trang khi thường xuyên diện đồ hiệu và đăng tải những bức ảnh này lên tài khoản Instagram cá nhân của mình. Trên thực tế, đúng là Anna có tự chọn quần áo của mình khi ra tòa với sự giúp đỡ của stylist Anastasia Walker. Nhưng do vụ án kéo dài lâu hơn mong đợi, Anna dần hết đồ hiệu để mặc, dẫn tới quyết định mặc bộ đồ trắng để tạo hình tượng ngây thơ.
Ngoài ra, đôi lúc, khi không được mặc bộ đồ theo ý mình, Anna sẽ từ chối xuất hiện ở phòng xét xử và không mặc đồ mà tòa án đưa cho cô. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì theo các phóng viên theo sát vụ kiện, họ từng nhìn thấy những túi quần áo lớn được đưa cho Anna để cô mặc theo ý thích. Nhưng theo thẩm phán Diane Kiesel, kể cả khi bị can không có mặt vì không có bộ đồ ưng ý, thì phiên tòa vẫn có thể diễn ra bình thường.
5. Chất giọng của Anna
Giọng nói của Anna là một yếu tố then chốt để cô lừa mọi người rằng mình là một tiểu thư Đức. Lớn lên ở một thành phố cách Moscow 20 phút đi xe và chuyển đến Đức sống vào năm 15 tuổi, Anna có một chất giọng châu Âu đặc trưng. Nữ diễn viên thủ vai cô, Julia Garner, đã rất cố gắng để học được chất giọng này. Nhưng theo các phóng viên tham gia vụ án, giọng của Garner quá trau chuốt và thiên về giọng mũi khá nhiều, trong khi phát âm của Anna thật thì tự nhiên và nhẹ nhàng hơn.
Nguồn: Tổng hợp