Báo cáo của IEA viết: "Sự hưng phấn của nhà đầu tư khi vắc xin bắt đầu được tiêm chủng phần nào giải thích cho việc giá dầu tăng trong những ngày qua. Nhưng sẽ mất vài tháng để tỷ lệ lớn người dân được tiêm chủng, nhất là những người tham gia hoạt động kinh tế, khi đó thị trường dầu mỏ mới cảm nhận được tác dụng của vắc xin".
Trong khi đó, các kỳ nghỉ lễ đang tới gần, nguy cơ số ca nhiễm Covid-19 tăng lên, và có thể các nước sẽ tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.
IEA đã điều chỉnh giảm 50.000 thùng/ngày ước tính về nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, giảm 170.000 thùng/ngày trong dự báo về nhu cầu dầu trong năm 2021, do tiêu thụ trong lĩnh vực hàng không suy yếu.
Trong mức giảm sút đó, Châu Âu chiếm phần lớn, với nhu cầu của khu vực này trong quý IV/2020 dự báo sẽ thấp hơn so với quý III/2020 do các biện pháp phong tỏa / giãn cách xã hội.
IEA ca ngợi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, trong đó có Nga (OPEC ) đã nỗ lực trong việc quản lý nguồn cung một cách có hiệu quả, thông qua thỏa thuận về việc kiềm chế sản lượng dầu mỏ của OPEC .
Cùng với nhu cầu hồi phục tương đối mạnh ở Châu Á thì thỏa thuận đó đã giúp đẩy giá dầu quay trở lại trên ngưỡng 50 USD/thùng.
IEA cho b iết: "Nhu cầu dầu mỏ chắc chắn sẽ thấp trong khoảng thời gian dài hơn dự kiến, trong khi thỏa thuận về kiềm chế nguồn cung của OPEC sẽ hết hạn vào tháng 4 tới, và sản lượng của Libya đang gia tăng". Đó là lý do khiến cơ quan giám sát năng lượng quốc tế có trụ sở ở Paris này cảnh báo: "Thị trường vẫn còn mong manh và cần được điều chỉnh cẩn thận".
IEA nhận định, các kho dự trữ dầu toàn cầu, vốn tăng do tiêu thụ giảm trong đại dịch, cuối cùng sẽ trở về mức thấp như trước khi khủng hoảng (cuối năm 2019) vào tháng 7 năm tới.
Tham khảo: Reuters