UNICEF cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phục hồi sau bão Yagi

Quang Vũ | 16-09-2024 - 17:00 PM

Với sự tàn phá nghiêm trọng từ cơn bão Yagi, UNICEF đã nhanh chóng tham gia hỗ trợ khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ về sự phối hợp quốc tế và những giải pháp ưu tiên giúp Việt Nam vượt qua thiên tai này.

Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng ngừa và dự báo thiên tai, cũng như các chiến lược đã được thực hiện để giảm thiểu thiệt hại gần đây?

Trước tiên, thay mặt UNICEF, tôi xin chia buồn sâu sắc với nhân dân Việt Nam về những thiệt hại do bão Yagi gây ra. Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sơ tán kịp thời, huy động lực lượng ứng phó, bảo vệ đê điều và cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây là một minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân. UNICEF đã hợp tác với chính phủ trong việc truyền tải các thông điệp phòng ngừa đến cộng đồng, tập trung vào trẻ em và phụ nữ.

UNICEF cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phục hồi sau bão Yagi - Ảnh 1.

Đại diện UNICEF Silvia Danailov (giữa) và Phó đại diện Chương trình Michaela Bauer (trái) trao đổi về vật tư phục vụ công tác cứu trợ sau bão. Ảnh: UNICEF

Khi bão xảy ra, chính phủ đã nhanh chóng thực hiện đánh giá thiệt hại và phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNICEF để ứng phó. Việc kích hoạt Nhóm Đối tác Phòng chống Rủi ro và Ứng phó Thiên tai đã thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn.

Bà có thể chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch hỗ trợ của UNICEF cho Việt Nam không? Điểm trọng tâm sẽ là gì?

UNICEF sẽ hỗ trợ chính phủ trong nỗ lực ứng phó khẩn cấp, làm việc chặt chẽ với các đối tác để cung cấp cứu trợ và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài. Chúng tôi đã cung cấp vật tư cứu trợ cho các bệnh viện và trung tâm y tế tại Lào Cai và Thái Nguyên. Trong thời gian tới, UNICEF sẽ cung cấp thêm viên lọc nước, bể chứa, bộ lọc gốm và dung dịch rửa tay cho các gia đình, trường học, và cơ sở y tế tại Yên Bái và Lào Cai.

Các can thiệp của UNICEF tập trung vào việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh, dinh dưỡng, y tế và giáo dục cho trẻ em, đồng thời hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình dễ bị tổn thương. Chúng tôi cam kết giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của thiên tai qua việc cung cấp giải pháp xử lý nước, vật tư y tế khẩn cấp, và thiết lập các khu vực học tạm thời cho trẻ em.

Các ứng phó của chúng tôi bao gồm: Cung cấp các giải pháp xử lý nước, vật tư vệ sinh và lưu trữ nước an toàn cho các hộ gia đình, cơ sở y tế và trường học. Vận chuyển các vật tư y tế khẩn cấp, bao gồm vắc xin, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng, viên bổ sung dinh dưỡng và bộ vật dụng vệ sinh cá nhân cho các trung tâm y tế ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Hỗ trợ trường học bằng việc thiết lập khu vực dạy & học tạm thời và cung cấp học phẩm, đồng thời hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cung cấp bộ vật phẩm thiết yếu – bao gồm tài liệu hỗ trợ tâm lý, dụng cụ giáo dục, vật tư vệ sinh và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cơ bản – cho trẻ em và gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là những gia đình có trẻ em và phụ nữ mang thai, giúp họ đáp ứng các nhu cầu cấp bách và phục hồi nhanh chóng hơn sau thiên tai.

Với nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong ứng phó khẩn cấp, chúng tôi sẵn sàng hành động cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc khác.

Việt Nam nên ưu tiên những biện pháp nào để giảm thiểu hậu quả của bão Yagi và chiến lược lâu dài để phục hồi sau thiên tai?

Việc đánh giá toàn diện sau bão là ưu tiên trước mắt để hiểu rõ nhu cầu của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em. Hơn 20 trẻ em đã thiệt mạng và UNICEF lo ngại con số này có thể tăng lên. Ước tính có 5,5 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, trong đó 1,2 triệu trẻ dưới năm tuổi sống ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. UNICEF sẽ cung cấp vật phẩm xử lý nước và dụng cụ lưu trữ nước cho ít nhất 400.000 hộ gia đình để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước.

Việc đảm bảo trẻ em có thể trở lại trường học và tiếp tục tiêm chủng là những ưu tiên khác mà UNICEF đang phối hợp với chính phủ để thực hiện.

UNICEF cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phục hồi sau bão Yagi - Ảnh 2.

Nơi ở, sinh hoạt của nhiều trẻ em và cộng đồng bị tàn phá bởi siêu bão Yagi và lũ lụt ở Thái Nguyên. Ảnh: UNICEF

Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nào để giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng ngừa và dự báo thiên tai?

Việt Nam đã thể hiện khả năng quản lý thiên tai hiệu quả thông qua việc huy động ứng phó cấp cao và kêu gọi hỗ trợ từ các cơ quan như UNICEF. Quốc tế đã nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào các kế hoạch phòng ngừa và ứng phó tập trung vào trẻ em, đặc biệt là những sáng kiến nhạy cảm về giới và những dịch vụ bao trùm, dễ tiếp cận và bền vững. UNICEF sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho các thiên tai trong tương lai.

Bạn đọc có thể hỗ trợ UNICEF tại:
https://www.unicef.org/vietnam/vi/unicef-ho-tro-khan-cap-bao-yagi-viet-nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM