Một loạt vũ khí Nga “tan xác” trước đòn tấn công kiểu bầy đàn UAV của Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự ở tỉnh Idlib, vùng Tây Bắc Syria khi triển khai một số lượng lớn quân tiếp viện tới đây để thực thi thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng ký kết với Nga ở Sochi năm 2018.
Ngay sau đó, tình thế mang tính bước ngoặt xảy ra khi vào ngày 27/2, ít nhất 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong một vụ không kích do Quân đội Chính phủ Syria tiến hành nhưng cũng xuất hiện cáo buộc có sự yểm trợ của Nga mặc dù Moscow thẳng thằng bác bỏ.
Để trả đũa, Ankara đã phát động Chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân (OSS) chống lại Quân đội Syria cùng các lực lượng đồng minh do Iran hậu thuẫn bằng cách sử dụng chiến thuật bầy đàn các máy bay không người lái (UAV) cải tiến khiến Tổng thống Assad đã phải chịu tổn khá nặng nề từ phương thức tấn công này.
Theo thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thì Syria đã thiệt hại 3.000 binh sĩ, 151 xe tăng, 8 máy bay trực thăng, 3 máy bay không người lái, 3 máy bay chiến đấu (trong đó có 2 chiếc Su-24 do Nga sản xuất).
Ngoài ra, còn có khoảng 100 xe quân sự và xe bọc thép, 8 hệ thống phòng không, 86 khẩu pháo và lựu pháo, nhiều xe tải và kho chứa đạn dược, một trụ sở chỉ huy cùng hàng loạt thiết bị và phương tiện quân sự khác bị phá hủy.
Trong ít nhất 2 sự vụ, các UAV Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã loại bỏ được các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo ở Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ công bố video không kích các mục tiêu của Quân đội Syria ở Idlib
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đây là lần đầu tiên Ankara đã chỉ huy một cuộc chiến trên không có sử dụng bầy đàn máy bay không người lái ở một khu vực rộng lớn đến như vậy.
“Đó là điều mà cho tới nay, về mặt công khai, chỉ Israel mới có thể làm được”, Charles Lister, Giám đốc Chương trình Chống Khủng bố và Chủ nghĩa Cực đoan thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông nhận xét. “Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch trên không được yểm trợ hoàn toàn bằng máy bay không người lái và hỏa lực pháo binh hạng nặng”.
Không chỉ ở Syria, ngày 16/5/2020 trên mặt trận Libya, các lực lượng quân sự của Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng tuyên bố đã sử dụng máy bay tác chiến không người lái tấn công tiêu diệt một hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 ngay khi nó vừa được triển khai tới căn cứ Al-Watiya.
GNA và Quân đội của tướng Haftar (HAF) đã cùng triển khai chiến thuật sử dụng máy bay tác chiến không (UCAV) để thực hiện các cuộc không kích lẫn nhau bằng đạn dẫn đường chính xác. GNA sử dụng các máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi HAF sử dụng UAV Wing Loong II do Trung Quốc chế tạo.
Sau những sự việc trên, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã không tiếc lời ca ngợi hiệu quả tác chiến của các UAV do Ankara sản xuất và hạ thấp vai trò của công nghệ phòng không Nga.
Trên thực tế, cũng không thể phủ nhận đây là một bước đột phá về nghệ thuật chiến tranh và nó cho thấy rõ nét ưu thế về công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường.
Máy bay không người lái Anka-S của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TAI
Tiềm lực UAV của Thổ Nhĩ Kỳ mạnh đến đâu?
Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển ngày càng nhiều các loại máy bay không người lái (UAV) vũ trang có khả năng sát thương cao, từ những UAV cỡ lớn, bay cao, chất đầy bom đến những chiếc UAV rất nhỏ, bay thấp có thể tấn công theo kiểu bầy đàn nhưng vô cùng nguy hiểm.
Các UAV vũ trang như Bayraktar TB2 và Anka-S do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã chứng tỏ được khả năng chiến đấu trong nhiều chiến dịch ở Syria, Iraq và xa hơn nữa là Libya.
Tháng 9/2020, UAV Aksungur do Tập đoàn Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm kéo dài 28 giờ.
UAV Aksungur do Turkish Aerospace Industries (TUSAS) thiết kế và chế tạo đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm kéo dài 28 giờ ngày 17/9/2020. Ảnh: TUSAS
Theo TAI, Aksungur có khả năng mang theo 12 tên lửa dẫn đường thông minh MAM-L (Smart Micro Munition) dưới cánh do chính Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo và có trọng tải lớn hơn nhiều so với những vũ khí mà Bayraktar TB2 hoặc Anka-S có thể mang theo.
Tên lửa MAM-L nặng 22 kg và có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 14 km. Chúng cũng có thể được gắn nhiều loại đầu đạn khác nhau - từ đầu đạn có sức công phá lớn cho tới đầu đạn chuyên dùng để xuyên giáp xe tăng.
Những tên lửa này đã chứng tỏ giá trị của chúng trong các chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái chống lại lực lượng mặt đất của Syria ở tỉnh Idlib. Khi đó, các UAV Bayraktar TB2 và Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt thành công một số xe tăng và các phương tiện quân sự khác của Syria.
Aksungur được cho là UAV đầu tiên mang theo bom đa năng Mark 82 gắn bộ dẫn đường Teber do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, thiết bị có thể chuyển đổi bom “ngu” thông thường thành bom “thông minh” dẫn đường chính xác.
UAV phản lực cánh quạt Bayraktar Akinci sắp ra mắt của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá lớn với sải cánh dài 65 feet (19,8m), và có thể mang theo đạn MAM-L cũng như các loại bom thông thường lớn hơn, chẳng hạn như Mark 82 và thậm chí là tên lửa hành trình tầm xa Roketsan SOM do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.
Akinci dự kiến sẽ trở thành phương tiện bay chính của Thổ Nhĩ Kỳ cho các sứ mệnh thu thập thông tin tình báo - trinh sát (ISTAR) mục tiêu và nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, liên lạc (C3) của Thổ Nhĩ Kỳ trong thập kỷ tới.
Các UAV Bayraktar Akinci có sải cánh dài 19,8m. Ảnh: ANADOLU
Nhà sản xuất vũ khí Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ đang chế tạo một tên lửa đất đối đất mới - TRGL-230 230mm. Vì vậy, các máy bay không người lái như Akinci sẽ đóng vai trò chỉ thị mục tiêu cho TRCL-230.
Bổ sung cho những UAV động cơ phản lực cỡ lớn này là những chiếc máy bay không người lái quadcopter nhỏ hơn nhiều, có khả năng gây chết người trong những chiến dịch cận chiến.
Chẳng hạn như Kargu-2, loại quadcopter với trọng lượng chỉ 15 pound (6,8 kg), được thiết kế để hoạt động theo kiểu bầy đàn 20 chiếc nhưng có thể thực hiện các đợt tấn công áp đảo và hủy diệt mục tiêu. Trong tương lai gần, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch mua 500 chiếc UAV “cảm tử” dạng này.
Cùng với Kargu-2, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển một loại UAV đánh bom cảm tử siêu nhẹ khác có tên là Alpagu. Máy bay không người lái này chỉ cần duy nhất một binh sĩ mang theo và vận hành trên chiến trường hoặc nếu nhiều hơn thì có thể sử dụng các bệ phóng gắn trên xe bọc thép.
Truyền thông Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Alpagu nổi bật với kết cấu nhẹ, tốc độ hạ cánh nhanh, tiết diện phản xạ radar thấp và khả năng phá hủy chính xác các mục tiêu quan trọng, có giá trị cao”.
Alpagu dự kiến sẽ được đưa vào biên chế cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối năm 2020 trong khi hãng sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục phát triển các phiên bản kế nhiệm có tốc độ nhanh hơn với tầm bắn xa hơn.
Với những máy bay không người lái sắp ra mắt, Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ khả năng ngày càng tinh vi hơn của mình trong lĩnh vực này và đặt ra mối đe dọa lớn đối với các đối thủ khác nhau của Ankara.