UAV tấn công "giá rẻ" lên ngôi, tướng Mỹ nghĩ gì về tương lai của xe tăng?

Bảo Lam | 08-11-2020 - 22:40 PM

(Tổ Quốc) - Nhìn từ cuộc xung đột giữa Azerbaijan-Armenia, giới quân sự Mỹ đang lo ngại về một tương lai ảm đạm của xe tăng, thứ vũ khí đắt đỏ và dễ bị tổn thương trên chiến trường.

Cùng với tình hình chiến sự ngày càng nóng ở Nagorno-Karabakh, nhiều chuyên gia quân sự đang đặt ra câu hỏi liệu xe tăng có phải là thứ vũ khí đắt đỏ, chậm chạp và dễ bị tổn thương, cũng như việc nó còn chỗ đứng trong chiến tranh hiện đại?

Câu hỏi trên được đưa ra dựa trên cách máy bay tấn công không người lái (UAV) Azerbaijan vô hiệu hóa tuyến phòng thủ của Armenia, tiêu diệt hàng chục hoặc lên đến hàng trăm phương tiện chiến tranh của đối phương chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó các đơn vị xe tăng Armenia là mục tiêu bị UAV Azerbaijan săn đuổi nhiều nhất.

Nói một cách khác, ở chiến trường Nagorno-Karabakh, xe tăng không khác gì một "con mồi" còn "kẻ đi săn" là UAV.

Tuy nhiên, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Đại tướng James C. McConville lại không nghĩ như vậy, ông cho rằng cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh cho chúng ta thấy rõ những điểm yếu của xe tăng trong chiến tranh hiện đại, nhưng đồng thời cũng mang đến cách hóa giải các mối đe dọa.

UAV tấn công giá rẻ lên ngôi, tướng Mỹ nghĩ gì về tương lai của xe tăng? - Ảnh 1.

Xe tăng Armenia bị UAV Azerbaijan ngay trên đường hành quân. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan.

Trả lời phỏng vấn tờ Army Times, tướng McConville cho rằng những gì đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh đã củng cố thêm cho một số nhận định trước đây về những mối đe dọa mà Quân đội Mỹ phải đối mặt trên chiến trường trong tương lai.

Cũng theo tướng McConville, các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực như M1 Abrams hay xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong môi trường chiến tranh hiện đại, bởi rõ ràng không có phương tiện chiến đấu nào đủ tốt bằng xe tăng để bảo vệ hay hỗ trợ bộ binh trên chiến trường.

Theo ý kiến của tướng McConville, bộ binh phụ thuộc vào các đơn vị thiết giáp để tấn công cũng như phòng thủ và ngược lại. Tăng cường khả năng phòng không, đẩy nhanh thời gian chia sẻ dữ liệu và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng là các duy nhất để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ các loại vũ khí công nghệ cao như UAV.

Hiện tại, Quân đội Mỹ đang phát triển các hệ thống phòng không tầm thấp thế hệ mới trên nền tảng xe thiết giáp Stryker có tên mã là "SHORAD". Chương trình này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ các đơn vị thiết giáp trên chiến trường trước các cuộc tấn công bằng UAV.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia quân sự của tờ Gazeta, một số mẫu UAV tấn công cảm tử trên thị trường có giá chỉ từ vài trăm USD, còn giá thành của tên lửa phòng không dẫn đường, thậm chí tầm ngắn đã có mức giá vài chục nghìn USD (theo những đánh giá khiêm tốt nhất).

Bởi vậy việc sử dụng các hệ thống phòng không thông thường để đối phó với các mối đe dọa từ UAV có thể khiến phe phòng thủ sớm kiệt quệ và ngành công nghiệp quốc gia của họ sụp đổ (nếu chiến sự kéo dài).

Cho nên việc trang bị các tên lửa phòng không tầm ngắn Stinger trên những xe chiến đấu Stryker, điều mà tướng James C. McConville đã đề cập không phải cách thức tối ưu trong cuộc chiến chống lại UAV.

Cũng theo các chuyên gia của Gazeta, phương tiện hiệu quả nhất  để chống lại tất cả những loại UAV đó là sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử. Chính phương tiện chiến tranh điện tử nhiều khả năng sẽ vô hiệu hoá được tất cả những khả năng chiến đấu của UAV, bởi vì mọi loại UAV đều phải sử dụng tín hiệu vô tuyến để định vị và triển khai vũ khí.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM