Nguồn tin tiết lộ, 2 bên đã có cuộc thảo luận vào Chủ nhật và bàn về đề xuất của Musk, hiện đã đạt được tiến bộ nhất định. Song, thương vụ vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận.
Trước đó, Twitter được cho là sẽ từ chối đề nghị mua lại mà Musk đưa ra vào ngày 14/4 dù chưa biết ông sẽ định giá công ty như thế nào và đã thông qua cơ chế "thuốc độc", nhằm ngăn không cho Musk mua quá 15% cổ phần của công ty này. Song, sau khi giám đốc Tesla tiết lộ ông đã huy động được 46,5 tỷ USD và thị trường chứng khoán lao dốc, Twitter đã thay đổi quan điểm và sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán hôm Chủ nhật. Dự kiến, Twitter sẽ công bố kết quả kinh doanh vào thứ Năm tới và cân nhắc về mức giá mua lại của người giàu nhất thế giới.
Ngay từ đầu, Musk đã đưa ra đề nghị mua lại Twitter với 54,20 Usd/cổ phiếu và nói rằng đây là con số "tốt nhất và cuối cùng" của ông. Ông cũng nhắc lại với Chủ tịch của Twitter – Bret Taylor, rằng mức giá sẽ không thay đổi.
Một phần nguyên nhân khiến Twitter đổi ý diễn ra sau khi Musk thực hiện một cuộc gặp riêng với cổ đông của công ty này vào hôm thứ Sáu, nhằm chia sẻ về ưu điểm trong đề xuất của ông, nguồn tin thân cận cho biết. Ngoài ra, vị tỷ phú cũng cam kết sẽ giải quyết các vấn đề tự do ngôn luận mà ông cho là đang gây khó khăn cho nền tảng này và cả nước Mỹ, dù thương vụ thâu tóm có thành công hay không.
Nguồn tin tiết lộ thêm, Musk đã đưa ra đề nghị mua lại với một số cổ đông nhất định trong nhiều cuộc họp online. Ông nhắm đến các quỹ đầu tư chủ động với kỳ vọng rằng họ sẽ giúp thay đổi quyết định của công ty. Musk nói rằng ông thấy rằng ban lãnh đạo của Twitter không thể tự đẩy giá cổ phiếu công ty này lên mức mà ông đã đề nghị. Nguyên nhân là do các vấn đề trong hoạt động kinh doanh và mãi chưa thể cải thiện những điều đó.
Một số cổ đông của Twitter đã thảo luận riêng sau cuộc họp với Musk. Lauri Brunner – nhà quản lý quỹ đầu tư các cổ phiếu tăng trưởng có vốn hóa lớn Thrivent Asset Management LLC, nhận thấy Musk là một nhà lãnh đạo giỏi. Bà nhận định: "Ông ấy có thành tích đáng ghi nhận tại Tesla. Musk sẽ là chất xúc tác để giúp Twitter hoạt động hiệu quả." Thrivent nắm giữ khoảng 0,4% cổ phần Twitter, trị giá 160 triệu USD và cũng là cổ đông của Tesla.
Khi thông báo về quyết định thâu tóm Twitter, Musk nói rằng ông xem xét việc đưa ra mức giá thầu trực tiếp với các cổ đông bằng cách thực hiện thương vụ "chào mua công khai" (tender offer). Song, ngay cả khi Musk có được sự ủng hộ của các cổ đông, thì ông vẫn gặp khó khăn với cơ chế "thuốc độc" mà Twitter đã thông qua.
Kể từ khi Musk công bố về mức giá mua lại vào ngày 14/4, cổ phiếu của Twitter giao dịch dưới con số đó. Đây là một dấu hiệu cho thấy các cổ đông của công ty này dự đoán rằng thỏa thuận sẽ được tiến hành, dù đóng cửa phiên hôm thứ Sáu ở mức 48,93 USD. Musk chỉ ra rằng, nếu thương vụ thâu tóm này không thành công, ông có thể bán sạch hơn 9% cổ phần trong Twitter.
Khoản tiền Musk vừa huy động được bao gồm hơn 25 tỷ USD đi vay từ các ngân hàng đầu tư. Phần còn là 21 tỷ USD vốn tự có, được vị tỷ phú huy động bằng cách bán cổ phần hiện có trong các doanh nghiệp khác như Tesla. Tốc độ huy động vốn và việc thị trường chứng khoán bị bán tháo trong những ngày gần đây đã giúp thương vụ trở nên hấp dẫn hơn với Twitter.
Jeff Gramm – giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ phòng hộ Bandera Partners LLC, nhận định rằng HĐQT của Twitter nên "gắn bó" với Musk vì giá cổ phiếu của họ "chẳng đi đến đâu" kể từ khi niêm yết cách đây 8 năm. Công ty của ông mua cổ phiếu Twitter lần gần đây nhất vào cuối tháng 2 và nắm giữ khoảng 950.000 cổ phiếu, chiếm khoảng 11% danh mục.
Gramm cho biết Twitter không thể từ chối đề nghị của Musk nếu không tìm thấy một giải pháp thay thế mang lại giá trị cho cổ đông. Ông nói: "Tôi không họ có thể làm gì khác trừ khi tìm thấy một đề nghị có giá trị cao hơn."
Tham khảo WSJ