Tuyệt vọng vì tiền, các gia đình Afghanistan phải gả bán con gái nhỏ để tránh cả nhà chết đói

Linh Anh | 22-11-2021 - 19:54 PM

(Tổ Quốc) - "Người ta đến, gỡ tay nó khỏi tôi và nói: Bây giờ, nó là của họ", một người cha tuyệt vọng kể về cuộc giao dịch chớp nhoáng cô con gái nhỏ chưa đầy 8 tuổi của mình.

Thảm cảnh của những cô dâu 8 tuổi

Benazir, cô gái với những lọn tóc dài màu nâu rỉ được nhuộm bằng một loại lá cây, đang chơi ném sỏi khi cuộc hôn nhân của mình được định đoạt. Cô bé nhìn xuống đất, vùi đầu vào đầu gối khi được hỏi liệu cô bé có biết mình được hứa gả cho một gia đình khác để làm vợ một trong những người con trai của họ hay không?

Cha của cô bé nói rằng ông sẽ nhận được 2.000 USD cho việc bán con. Tuy nhiên, ông không giải thích rõ những chuyện sắp xảy ra cho con gái. Ông nói rằng cô bé còn có nhỏ để hiểu được những điều đó. Benazir mới chỉ 8 tuổi.

Truyền thống ở Afghanistan là nhà trai sẽ trả một khoản tiền làm của hồi môn cho nhà giá khi kết hôn. Tuy nhiên, việc sắp xếp hôn lễ cho một cô gái nhỏ là điều cực kỳ khó hiểu. Thực tế, nền kinh tế sụp đổ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước đã buộc các gia đình, vốn vô cùng nghèo khó, phải đưa ra những lựa chọn tuyệt vọng.

Thường ngày, những đứa trẻ như Benazir và các chị em của mình phải ăn xin trên đường phố hoặc nhặt rác để sưởi ấm cho ngôi nhà đơn sơ, được làm từ bùn, của gia đình mình. Họ không có tiền để mua củi sưởi ấm. Cha của cô bé, ông Murad Khan, làm thuê hàng ngày nhưng không thể kiếm đủ tiền để nuôi 8 đứa con. Người đàn ông ấy nhìn già hơn rất nhiều so với tuổi 55.

Khuôn mặt hằn sâu vẻ lo lắng, ông Khan quyết định cho con kết hôn khi mới 8 tuổi. "Gia đình chúng tôi có 10 người. Tôi đang cố giữ 10 người sống sót bằng cách hy sinh một người", Murad Khan nói.

Khan cho biết thỏa thuận là để Benazir kết hôn với một gia đình từ Iran khi cô bé đến tuổi dậy thì. Khan chưa nhận được khoản tiền làm của hồi môn cho cô bé nhưng ông ta nói rằng, ngay khi khoản tiền được trao tay, Benazir sẽ được người đàn ông đến mua cô bé đưa đi.

"Tôi nói với những người chủ cửa hàng rằng tôi đã bán con gái. Khi tôi nhận được tiền, tôi sẽ trả cho họ. Vì thế, họ cho tôi mượn một ít thức ăn như một khoản vay", Khan nói.

Tuyệt vọng vì tiền, các gia đình Afghanistan phải gả bán con gái nhỏ để tránh cả nhà chết đói - Ảnh 1.

Những đứa trẻ quay quắt trong nạn đói ở Afghanistan.

Hạn hán nghiêm trọng khiến sản lượng gia súc sụt giảm và nông dân Afghanistan cũng không thể tiếp cận các khoản viện trợ nước ngoài do nhiều nước không công nhận chính quyền mới của Taliban. Điều này đẩy những gia đình nghèo rơi vào bờ vực của sự tuyệt vọng. Việc cho con gái kết hôn sớm để đổi lại những khoản hồi môn được xem như cứu cánh của nhiều gia đình khỏi thảm cảnh chết đói.

Điều này khiến Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phải lên tiếng rằng họ "quan ngại sâu sắc" bởi tình trạng tảo hôn đang gia tăng mạnh mẽ tại Afghanistan. Henrietta Fore, giám đốc điều hành của UNICEF, cho biết: "Chúng tôi có những báo cáo đáng tin cậy cho biết về việc các gia đình, hứa hôn những đứa con gái từ 20 ngày tuổi trở lên để đổi lấy của hồi môn".

Benazir không phải cái tên duy nhất. Saliha, cô bạn thân 7 tuổi của cô bé, đã bị bán để làm cô dâu nhí với giá 2.000 USD cho một gia đình ở tỉnh Faryab, phía bắc Syria. Hai cô bé vẫn thường đến nhà thờ trong làng để lấy nước trên những chiếc bình khổng lồ. Ở đây nước rất hiếm. Và cơ hội họ được gặp lại nhau còn hiếm hơn thế rất nhiều.

Ở nhà, giống Benazir, Saliha cũng phải lao động để kiếm tiền. Tuy nhiên, cô bé chỉ kiếm được 1 USD trong 4 ngày lao động vất vả. Gia đình họ thì đang nợ nần chồng chất. Không còn cách nào khác, bố của Saliha đã phải vay mượn từ các chủ cửa hàng trong thị trấn. Số tiền từ việc bán con sẽ giúp trả các khoản nợ và nuôi những đứa trẻ còn lại. Đó là lý do đằng sau những quyết định đau đớn của các ông bố tuyệt vọng.

"Người ta đến, gỡ tay nó khỏi tôi và nói: Bây giờ, nó là của họ. Các con cũng chính là khúc ruột của mình. Nếu không lâm vào đường cùng, tại sao tôi có thể làm điều này", bố của Saliha nói trong sự đau khổ, dằn vặt.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ

Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, Afghanistan vẫn là một nước nghèo và tồn tại chủ yếu nhờ viện trợ nước ngoài. Ngân hàng Thế giới cho biết 75% tài chính công của đất nước này là những khoản viện trợ không hoàn lại từ Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên, khi Mỹ rút quân, Chính quyền Afghanistan thân phương Tây nhanh chóng bị Taliban lật đổ. Điều này khiến nguồn tiền viện trợ nước ngoài bị đóng băng. Một khủng hoảng nhân đạo đang được cảnh báo.

Và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn khi thiên tai và một loạt các vấn đề khác tàn phá quốc gia này. Hơn một nửa dân số Afghanistan phải đối mặt với nạn đói và 3,2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Đây là con số là Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc công bố.

Tuyệt vọng vì tiền, các gia đình Afghanistan phải gả bán con gái nhỏ để tránh cả nhà chết đói - Ảnh 2.

Một em bé suy dinh dưỡng nghiêm trọng đang được điều trị. Tuy nhiên, không nhiều đứa trẻ may mắn đến vậy.

Cơ quan này cho biết, họ chưa bao giờ thấy nhiều người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực với mức độ khẩn cấp như tại Afghanistan. Toàn bộ 34 tỉnh của quốc gia này đều bị ảnh hưởng. Ở tỉnh Herat, một nơi được coi là tương đối giàu tại Afghanistan, tình trạng này cũng không mấy khả quan hơn.

Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đang điều hành một cơ sở chuyên chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng tại vùng Herat. Họ có những bé gái 8 tháng tuổi nhưng chỉ nặng chưa tới 3kg. Có 75 em bé suy dinh dưỡng như thế đang được chăm sóc tại đây.

"Những gì chúng tôi thấy ở đây là những đứa trẻ rất nhỏ, không được bú sữa mẹ bởi chính mẹ chúng cũng suy dinh dưỡng đến mức không thể có đủ sữa để nuôi con", Gaia Giletta, y tá trưởng khoa Nhi tại trung tâm điều trị của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới, cho biết.

Giletta cho biết sự gián đoạn trong hoạt động của hệ thống y tế cùng với sự thiếu hụt đột ngột của viện trợ nước ngoài khiến rất nhiều trẻ em không được chăm sóc kịp thời. Nhiều đứa trẻ đã chết khi các bác sĩ tiếp cận được. Trẻ em chết vì suy dinh dưỡng xảy ra hàng ngày.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

My First Diamond - Món quà tưởng thưởng cho những bước tiến trong năm 2024

Sau 365 ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, đã đến lúc bạn chậm lại một phút, nhìn lại chặng đường đã qua với niềm tự hào và trân trọng. Một món quà trang sức ý nghĩa tự thưởng cho bản thân, không chỉ giúp nâng tầm diện mạo mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cùng bạn viết tiếp những câu chuyện thành công trong năm 2025.