Đang có sự khác biệt khá lớn, thậm chí có phần tương phản giữa tuyển Thái Lan và Việt Nam ở AFF Cup 2022. Trong khi "Voi chiến" là đội sở hữu khả năng tấn công mạnh nhất với 14 bàn thắng sau 6 trận (gồm 4 trận vòng bảng và 2 lượt trận bán kết) thì tuyển Việt Nam lại là đội có hàng phòng ngự chắc chắn nhất với việc chưa để thủng lưới một lần nào suốt từ đầu giải.
Với Thái Lan, họ tiến vào chung kết bằng hình ảnh là một tập thể đi theo triết lý bóng đá tấn công. Tuyển Thái Lan tuy vắng nhiều ngôi sao sáng nhất như Chanathip, Supachok, Thitipan… nhưng lối đá của họ vẫn rất nhuần nhuyễn và tương đối đẹp mắt.
Giống như "đặc sản" từ nhiều năm trước đây thì tuyển Thái Lan hiện tại vẫn rất mạnh ở khả năng kiểm soát bóng và phát động tấn công. Họ có thể tấn công biên, đánh trung lộ với nhiều phương án khác nhau và nhiều cầu thủ đều có thể băng lên dứt điểm, đặc biệt là những cú sút từ tuyến hai. Ngay những chuyên gia phòng ngự như Bunmathan vẫn cho thấy khả năng tấn công rất điêu luyện khi hầu hết các đợt lên bóng của Thái Lan đều qua chân cầu thủ này.
Trong khi đó, trên hàng tiền đạo, chân sút kỳ cựu là Teerasil Dangda vẫn duy trì phong độ rất cao, đang tạm dẫn dầu danh sách ghi bàn (6 bàn) còn Adisak Kraisorn cũng phần nào thể hiện được sự nguy hiểm của mình.
Về cơ bản, Thái Lan vẫn là đội sở hữu thứ bóng đá hoa mỹ nhất trong số các đội dự AFF Cup. Với những khán giả trung lập yêu bóng đá đẹp mắt, giàu sức tấn công, rất có thể họ sẽ coi Thái Lan là ứng viên số một cho chức vô địch.
So với Thái Lan, tuyển Việt Nam đến với trận chung kết bằng hình ảnh rất khác. Thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu không quá hoa mỹ, không kiểm soát bóng quá vượt trội và ban bật đẹp mắt như Thái Lan nhưng điều quan trọng nhất đó là tính hiệu quả thì lại hết sức tối ưu. So với Thái Lan, lối đá của tuyển Việt Nam thực dụng hơn.
Với tuyển Việt Nam, hệ thống phòng ngự mới là vũ khí mạnh nhất chứ không phải khả năng tấn công. Những hảo thủ như Văn Hậu, Quế Ngọc Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Tấn Tài… vẫn thi đấu quá xuất sắc, chưa kể sau họ còn có thủ thành Đặng Văn Lâm chơi cực kỳ ổn định.
Đối đầu với một hàng phòng ngự cực kỳ chắc chắn của tuyển Việt Nam, nhiệm vụ ghi bàn vào lưới Đặng Văn Lâm sẽ trở nên rất khó khăn với tuyển Thái Lan. Chắc chắn, mục tiêu chọc thủng lưới tuyển Việt Nam vào lúc này khó hơn nhiều so với Malaysia hay các đối thủ mà Thái Lan đã chạm trán từ vòng bảng.
Thái Lan có lợi thế nhất định khi họ được đá trận chung kết lượt về trên sân nhà. Bất kể trận lượt đi có kết quả ra sao thì nhiều khả năng trận lượt về mới là lúc mà Thái Lan dốc toàn lực để thi đấu với một phong cách tấn công áp đặt. Trên sân nhà, Thái Lan có thể áp đảo về tỷ lệ kiểm soát bóng nhưng chính trong bối cảnh đó, sở trường đá phòng ngự phản công của tuyển Việt Nam cũng là lúc trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Trong suốt 5 năm qua, HLV Park Hang-seo ghi dấu ấn với bóng đá Việt Nam nhờ triết lý bóng đá thực dụng, chú trọng vào hiệu quả. Tuyển Việt Nam có thể có những thời điểm chơi theo kiểu "chịu trận" trước đối thủ nhưng điều quan trọng là vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra.
Dưới trướng của thầy Park, sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự luôn được ưu tiên hàng đầu. Sự lì lợm, bản lĩnh mà HLV Park tôi rèn cho các cầu thủ giúp toàn đội không ít lần làm nản lòng những đối thủ trong khu vực và châu lục. Giờ đây, những sở trường mà HLV Park thể hiện cùng tuyển Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát huy tác dụng khi đối đầu với Thái Lan.
Hai trận đấu gặp Thái Lan cũng là lần cuối cùng HLV Park dẫn dắt tuyển Việt Nam sau hơn 5 năm gắn bó. Hy vọng rằng HLV Park cùng các học trò sẽ thể hiện được những phẩm chất tốt nhất, qua đó vượt qua Thái Lan và đoạt chức vô địch. Đó cũng là món quà chia tay không thể tuyệt vời hơn của vị thầy người Hàn Quốc.