Xung đột biên giới Ấn-Trung: Bắc Kinh sẽ tung ra "bom chất lỏng"?

Hoài Giang | 11-11-2020 - 13:17 PM

(Tổ Quốc) - Sau khi các hành động quân sự đối với Ấn Độ ở vùng Ladakh, Trung Quốc giờ đây có thể gây thiệt hại cho quốc gia Nam Á này bằng loại vũ khí mới.

Mới đây, tờ The EurAsian Times đăng tải bài viết nhan đề: "China Threatens India With ‘Liquid Bomb’ That Could Be Much More Dangerous Than Ladakh & Doklam" (tạm dịch: Trung Quốc uy hiếp Ấn Độ bằng 'Bom chất lỏng', thứ có thể nguy hiểm hơn nhiều so với Ladakh & Doklam) của nhà phân tích Younis Dar.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là liên quan tới tranh chấp biên giới vẫn đang tiếp diễn giữa New Delhi và Bắc Kinh, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Trung Quốc đã sở hữu "bom chất lỏng" từ thời cổ đại?

Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng họ đã "tiên thủ vi cường" bằng việc xây dựng các đập lớn ở hạ lưu của Yarlung Tsangpo, chảy từ Tây Tạng vào đông bắc Ấn Độ.

Việc Bắc Kinh kiểm soát lưu lượng của các con sông quan trọng chảy vào Ấn Độ tạo cho nước này một vị thế quan trọng - đó là có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Ấn Độ, làm tê liệt các lợi ích của New Delhi ở khu vực đông bắc Ấn.

Tuyến biên giới Ấn Độ bị uy hiếp: Trung Quốc sẽ tung ra bom chất lỏng cực hiểm độc? - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh cho thấy biên giới của Trung Quốc và các nước phía nam Himalaya (Robert Simmon/Đài quan sát Trái đất của NASA)

Tây Tạng thường được gọi là "Cực thứ ba" (bên cạnh Bắc Cực và Nam Cực) là do có nguồn nước ngọt và các khối băng lớn, mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng chiến lược trong cuộc đối đầu với Ấn Độ.

Các con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng rất quan trọng đối với khoảng 9 quốc gia láng giềng trong khu vực và những tranh chấp về việc phân chia nguồn nước đã kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Căng thẳng với Trung Quốc được giải thích là do tranh chấp ở khu vực Ladakh đã trở nên tồi tệ đối với Ấn Độ khi ít nhất 20 binh sĩ của họ thiệt mạng khi đụng độ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) - trong khi con số thương vong của phía Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà phân tích của tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đã tỏ ra quan ngại về việc Bắc Kinh có thể sử dụng các con đập và cơ sở hạ tầng nguồn nước khác như một công cụ chiến lược để mở rộng quyền kiểm soát của mình đối với khu vực.

Tuyến biên giới Ấn Độ bị uy hiếp: Trung Quốc sẽ tung ra bom chất lỏng cực hiểm độc? - Ảnh 2.

Hình minh họa (Nguồn: Daily Express).

Khả năng uy hiếp toàn tuyến biên giới với Ấn Độ?

Từ năm 2010, Trung Quốc đã lên kế hoạch cho các dự án thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo/Nhã Lỗ Tạng Bố Giang (ở Ấn Độ được gọi là Brahmaputra) để khai thác năng lượng ở khu vực trung lưu của sông.

Hiện Bắc Kinh đang tập trung vào vùng hạ lưu của con sông, gần với biên giới Ấn Độ hơn, điều này có thể tạo ra những thách thức đối với phần sông nằm trong lãnh thổ Ấn Độ.

Theo SCMP, ít nhất 11 dự án thủy điện dọc sông đã hoạt động hoặc đang được lên kế hoạch bởi Trung Quốc trong thập kỷ qua. Dự án lớn nhất trong số 3 dự án được công khai là đang hoạt động là Zangmu, đã bắt đầu hoạt động hoàn chỉnh vào năm 2015.

Các nhà máy thủy điện khác ở các thị trấn Bayu, Jiexi, Langta, Dakpa, Nang, Demo, Namcha và Metok ở Tây Tạng đều đã nằm trên bảng vẽ hoặc đang được xây dựng.

Tuyến biên giới Ấn Độ bị uy hiếp: Trung Quốc sẽ tung ra bom chất lỏng cực hiểm độc? - Ảnh 3.

Nhà máy thủy điện lớn đầu tiên trên Yarlung Tsangpo (Brahmaputra) ở Tây Tạng đi vào hoạt động vào năm 2014 (Nguồn: The EurAsian Times/Twitter/News.cn).

Phần giữa của lưu vực sông Yarlung Tsangpo nằm gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) - giới tuyến trên thực tế dài 3,488 km nơi Trung Quốc và Ấn Độ đã nhiều thập kỷ đối đầu.

Các kế hoạch mới của Bắc Kinh nhằm khai thác vùng hạ lưu có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của con sông, dẫn đến thách thức đáng kể đối với nhu cầu về nước của người Ấn Độ.

SCMP trích lời Jagannath Panda, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar tại New Delhi:

"Những (dự án) này đã gây ra những lo lắng ở Ấn Độ khi Trung Quốc xây dựng các đập gần LAC, xen lẫn với tranh chấp ranh giới giữa hai nước. Đây được cho là mang ý đồ chiến lược để tạo ra tình thế cô lập giữa Ấn Độ và các con sông ở Himalaya".

Ông Jagannath Panda cũng lưu ý tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận Arunachal Pradesh thuộc chủ quyền Ấn Độ là một dấu hiệu đáng báo động rằng Trung Quốc có thể sử dụng các con đập và cơ sở hạ tầng nước khác như "một công cụ chiến lược để mở rộng quyền kiểm soát đối với khu vực".

Theo Viện Lowy tại Australia (Úc), khi các cuộc đụng độ gần đây ở biên giới Trung-Ấn trở nên rõ ràng, Ấn Độ cần đánh giá xem liệu Trung Quốc có thể "vũ khí hóa" lợi thế này ra sao đối với các nước ở hạ nguồn.

Tuyến biên giới Ấn Độ bị uy hiếp: Trung Quốc sẽ tung ra bom chất lỏng cực hiểm độc? - Ảnh 4.

Hình minh họa (Nguồn: SCMP).

Kết luận

Trung Quốc và Ấn Độ đã ký hiệp ước chia sẻ dữ liệu vào năm 2008 cho các con sông Sutlej và Brahmaputra nhằm quản lý tốt hơn các nguồn nước chung.

Các thỏa thuận như trên có thể có tác động tích cực đến việc quản lý nước bằng cách giúp chuẩn bị và kiểm soát lũ lụt, nhưng vì Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu, họ có thể sử dụng sự phụ thuộc này để khai thác Ấn Độ bằng cách giữ lại dữ liệu thủy văn đó.

Khi hai nước xung đột ở Doklam vào năm 2017, Trung Quốc đã từ chối tiết lộ dữ liệu thủy văn quan trọng của 2 con sông, việc được cho là dẫn đến lũ lụt ở các bang Assam và Uttar Pradesh.

Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm gây ra việc tích nước vào năm 2004 trên sông Parechu, một phụ lưu của sông Sutlej, có nguy cơ gây ra lũ lụt ở vùng hạ lưu thung lũng Sutlej của Ấn Độ.

Trung Quốc cũng từ chối yêu cầu của Ấn Độ cử các nhà khoa học và kỹ sư đến địa điểm này, và người ta nghi ngờ rằng Trung Quốc cố tình tạo ra một "quả bom chất lỏng", một hồ nước nhân tạo được tung ra nhằm mục đích tàn phá các khu vực hạ lưu.

Tuyến biên giới Ấn Độ bị uy hiếp: Trung Quốc sẽ tung ra bom chất lỏng cực hiểm độc? - Ảnh 6.

Các ảnh vệ tinh từ Rajfortyseven và Planetlabs cho thấy việc xây dựng đập trên sông Yarlung Tsangpo đã ảnh hưởng lớn tới lưu lượng nước vào năm 2018.

Những lo ngại về việc Trung Quốc tạo ra một "bom chất lỏng" để vũ khí hóa vùng nước của hồ Parechu một lần nữa lại dấy lên vào tháng 6/2020, khi nước sông dâng cao từ 12 đến 14 mét.

Các chuyên gia đang quan ngại về việc thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp được hai bên đồng thuận để tránh những viễn cảnh như vậy - điều khiến Ấn Độ ở vào thế yếu.

Viện Lowy cũng đưa ra một giải pháp khả thi cho Ấn Độ, dẫn đầu một liên minh bao gồm các quốc gia có chung các con sông xuyên biên giới và thiết lập một thể chế chung để quản lý chúng tốt hơn.

Tuy nhiên, cho đến khi quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Bắc Kinh được cải thiện và đạt được một thỏa thuận tại khu vực căng thẳng biên giới Ladakh, thì giải pháp nào cho khả năng sử dụng "bom chất lỏng" trong xung đột biên giới giữa hai nước khó có thể xuất hiện.

Hai nước gần đây đã tổ chức vòng đàm phán quân sự thứ 8 để làm giảm căng thẳng ở biên giới, tuy nhiên có rất ít dấu hiệu cho thấy họ đã tìm ra cách để giải quyết vĩnh viễn tranh chấp biên giới.

Tuyến biên giới Ấn Độ bị uy hiếp: Trung Quốc sẽ tung ra bom chất lỏng cực hiểm độc? - Ảnh 8.

Một chiếc xe tải của Quân đội Ấn Độ băng qua đèo Chang La gần Hồ Pangong ở vùng Ladakh của Ấn Độ vào năm 2018 (Nguồn: Cbc.ca).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM