Cuộc chiến trên mặt trận... ngôn từ
Các nhà lãnh đạo phương Tây cảnh báo họ chưa thấy bằng chứng về việc rút quân của Nga, thông tin mà người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này đưa ra trong cuộc họp báo một ngày trước đó.
Về phần mình, Chính phủ Nga cũng đã công bố đoạn video cho thấy các đơn vị trở lại doanh trại sau khi hoàn thành các cuộc tập trận. Giới chức Nga thông báo rằng các binh sĩ đang tham gia tập trận ở Belarus, phía bắc Ukraine, cũng sẽ trở về căn cứ thường trực của họ vào ngày 20/2. Tuy nhiên, phương Tây tiếp tục bày tỏ nghi ngờ với tuyên bố của Nga.
Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ gặp nhau tại Brussels, Bỉ vào ngày 16/2 để thảo luận về điều mà liên minh quân sự này gọi là "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt ở châu Âu sau nhiều thập kỷ".
Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết "vẫn phải xem xét liệu Nga có thực sự rút quân hay không".
"Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất cứ động thái giảm leo thang căng thẳng nào trên thực địa. Ngược lại, có vẻ như Nga tiếp tục triển khai quân đội của họ", ông Stoltenberg nói. Ngoài ra, vị quan chức này cũng nói rằng Nga thường xuyên đưa xe tăng và các lực lượng di chuyển nên không thể chứng minh Moscow đã rút quân.
Về phần mình, Điện Kremlin tuyên bố NATO đã "sai" khi nói rằng không có bằng chứng về việc Nga rút quân khỏi biên giới. Phía Nga cũng tiếp tục nhắc lại rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn đàm phán ngoại giao.
Sau đó, Moscow tiếp tục nhấn mạnh rằng quân đội Nga đang bắt đầu trở lại nơi triển khai thường trực. Truyền thông nhà nước Nga cũng cho biết xe tăng, xe bọc thép và các binh sĩ đã bắt đầu hành trình dài 1.000 km để trở về căn cứ của họ.
Nga tung bằng chứng rút quân, Mỹ và NATO bày tỏ nghi ngờ.
Tín hiệu nhiễu loạn
Trả lời Sky News, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng mặt dù phương Tây đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực bên phía Nga nhưng thông tin tình báo của họ vẫn cho thấy những điều đó chưa thực sự đáng khích lệ.
"Chúng tôi đã thấy những bệnh viện dã chiến của Nga gần biên giới Ukraine ở Belarus. Điều này chỉ có thể được hiểu là chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Tôi nghĩ là có rất nhiều tín hiệu nhiễu loạn vào lúc này", ông Johnson nói.
Một ngày trước đó, ông Johnson nói với các phóng viên rằng Chính phủ Anh sẽ nhắm mục tiêu vào ngân hàng và các công ty Nga với những biện pháp trừng phạt cứng rắn nếu Nga thực sự động binh. Một trong số đó là cấm các công ty Nga huy động vốn trên thị trường tài chính London.
Đáp lại lời đe dọa của ông Johnson, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow sẽ trả đũa nếu Anh áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Những tuyên bố của ông Johnson được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington vẫn chưa xác nhận việc Nga rút bất cứ đơn vị quân đội nào của mình khỏi biên giới Ukraine. Ông Biden cũng nhấn mạnh có hơn 150.000 binh sĩ Nga đang có mặt tại các tuyến biên giới với Ukraine.
Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết trong điều kiện giấu tên rằng nguy cơ Nga tấn công Ukraine vẫn ở mức cao trong phần còn lại của tháng.
Về phần mình, Nga vẫn tiếp tục khẳng định họ không có kế hoạch tấn công Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ và phương Tây đang tạo ra "sự hỗn loạn và bất định" bằng cách thổi phồng mối đe dọa mà Nga gây ra cho Ukraine.
"Trong mấy ngày qua, Mỹ đã thổi phồng mối đe dọa chiến tranh và tạo ra căng thẳng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và xã hội trong nước cũng như cuộc sống của người dân Ukraine. Đồng thời, nó cũng gây trở ngại cho việc thúc đẩy đối thoại và thương lượng", Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 16/2.
Phát biểu trước các nhà lập pháp châu Âu hôm 16/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thúc giục Điện Kremlin không để bạo lực xảy ra thêm ở châu Âu. "Hôm qua, Nga đã gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn. Một mặt, các nhà chức trác công bố rút quân. Mặt khác, Quốc hội Nga bỏ phiếu công nhận đầy đủ Donetsk và Luhansk là các nước cộng hòa độc lập".
Từng là một phần của Liên bang Xô viết, có rất nhiều người Nga sống ở Ukraine và họ tập trung chủ yếu ở miền Đông, gần biên giới nước Nga. Sau chính biến năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea, một bán đảo ở miền nam Ukraine và ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông đất nước.
Việc Duma Quốc gia Nga công nhận Donetsk và Luhansk là những nước Cộng hòa độc lập khiến mâu thuẫn với Kiev và phương Tây ngày càng được nới rộng.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh NATO cùng Ukraine cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ chấp nhận yêu cầu của Moscow trong việc cam kết không mở rộng liên minh quân sự về phía đông, đặc biệt là không kết nạp Ukraine.
Do Ukraine không phải thành viên NATO nên việc khối này can thiệp quân sự khi Moscow động binh là hoàn toàn không có khả năng. Bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine, Mỹ và đồng minh NATO tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn với Nga.