Các bé gái tuổi teen cần được quan tâm hơn đến cơn đau ngày ấy
Lydia Lê là một trong rất nhiều phụ nữ, bé gái vị thành niên đang phải chịu đựng căn bệnh phụ nữ phổ biến mang tên lạc nội mạc tử cung (LNMTC). Đây là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung (nội mạc tử cung) không nằm tại vị trí bình thường, mà nằm ở ngoài buồng tử cung, chủ yếu tại vị trí vùng chậu người phụ nữ (chung quanh tử cung, 2 buồng trứng, trong vách âm đạo - trực tràng hay âm đạo - bàng quang…). LNMTC gây đau ở các mức độ khác nhau và nguy hiểm hơn là có thể gây vô sinh.
Những cơn đau bụng kinh nguyệt hàng tháng của các bé gái đã không được quan tâm đúng mức, dẫn đến nguy cơ tiến triển bệnh LNMTC kéo dài qua nhiều năm.
Ở Việt Nam, theo Hướng dẫn quốc gia năm 2019, ước tính cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị lạc nội mạc tử cung. Các chuyên gia đã ghi nhận một tỷ lệ người bệnh có biểu hiện lâm sàng ngay từ tuổi vị thành niên. Đây là căn bệnh thầm lặng, có thể khởi phát từ rất sớm nhưng thường bị chẩn đoán trễ. Có một thực tế là, những cơn đau bụng kinh nguyệt hàng tháng của các bé gái đã không được quan tâm đúng mức, dẫn đến nguy cơ tiến triển bệnh LNMTC kéo dài qua nhiều năm.
Đừng để rơi vào tình trạng "toilet là nhà" mỗi kỳ đèn đỏ
Lydia Lê đã phải đến rất nhiều bệnh viện chữa trị và có lần còn phải nhập viện cấp cứu vì quá đau. Sau khi thăm khám ở 5 bệnh viện, cô mới được chẩn đoán là bị LNMTC. Suốt 9 năm chung sống và điều trị căn bệnh mãn tính LNMTC, Lydia Lê đối mặt với rất nhiều vấn đề rắc rối đi kèm. LNMTC ảnh hưởng đến cuộc sống, trong công việc, sinh hoạt và các mối quan hệ. Lydia Lê chia sẻ, mỗi khi đến kỳ đèn đỏ, cô bạn gần như "dọn cả phòng ngủ vào nhà vệ sinh".
Lydia Lê nói, cô đã từng trải qua cảm giác mọi người không thấu hiểu và đã bị stress rất nhiều. Do đó, khi biết có những cộng đồng các chị em quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình, cùng nhau chia sẻ cơn đau và nâng đỡ tinh thần, Lydia trở thành một thành viên hoạt động tích cực. "Lydia hi vọng các chị em đang trải qua những cơn đau bụng đến tháng hoặc biết rằng có những bé gái vào tuổi kinh nguyệt đang chịu cơn đau, hãy đưa bé đi khám bệnh. Có thể bạn không bị LNMTC nhưng cũng có thể là một vấn đề sức khỏe khác. Hiểu về sức khỏe của bản thân là việc rất quan trọng". Cô nói.
Chia sẻ từ Lydia Lê - một bệnh nhân lạc nội mạc tử cung
Phát hiện càng sớm, chị em càng đỡ "khổ sở" vì LNMTC
Theo BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Tâm Anh, LNMTC là căn bệnh mãn tính, đến nay, dù chưa có phương pháp nào được xem là triệt để chữa khỏi bệnh nhưng vẫn có các phương pháp điều trị hỗ trợ người bệnh đương đầu với các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng của bệnh LNMTC không giống nhau giữa các bệnh nhân, có thể bao gồm đau bụng kinh, đau vùng chậu không theo chu kỳ, đau khi giao hợp, khó tiểu, táo bón, mệt mỏi và giảm khả năng sinh sản…
Những cơn đau có thể tái phát dai dẳng, dữ dội khiến người bệnh căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể thuyên giảm nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị liệu pháp phù hợp lâu dài. Để phát hiện sớm căn bệnh, người bệnh có kiến thức về sức khỏe sinh sản để chủ động thăm khám bác sĩ và điều trị. Khi nhận thấy các cơn đau bụng khi hành kinh không thoáng qua mà là kéo dài và có khuynh hướng nặng dần, hoặc đau bụng dưới liên tục không nhất thiết phải liên quan kỳ kinh, chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa sớm. Các bà, các mẹ có thể hỗ trợ cho các bé gái tầm soát sớm căn bệnh dựa trên một bảng câu hỏi, có thể tải bảng câu hỏi từ link này.
BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Tâm Anh chia sẻ tại hội thảo khoa học chủ đề "Thực tiễn lâm sàng trong việc sử dụng Progestin điều trị cường kinh, LNMTC" do Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ phối hợp Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức
Kiên nhẫn điều trị và kiểm soát cơn đau LNMTC
Theo bác sĩ Nhi, các phương pháp điều trị tập trung vào mục đích giảm đau, làm chậm sự phát triển của bệnh, cải thiện khả năng sinh sản (nhất là ở nhóm phụ nữ trẻ chưa có con) và ngăn ngừa tái phát. Trong đó, ưu tiên sử dụng các biện pháp điều trị bằng thuốc, và hạn chế tối đa các điều trị bằng phẫu thuật vì nguy cơ mãn kinh sớm, gỉam dự trữ buồng trứng khiến người phụ nữ mất cơ hội có thai bằng chính chất liêu di truyền của minh, và tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cao.
Người bệnh cần chủ động nắm bắt kiến thức cơ bản về bệnh để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc trong chẩn đoán và điều trị, cần xem xét thận trọng trước khi tự ý chuyển đổi điều trị hoặc bỏ điều trị, cũng như thay đổi quá nhiều cơ sở khám bệnh mà không có lý do, trong khi đang được theo dõi điều trị tốt tại một cơ sở y tế có chuyên khoa. Việc sử dụng một số các sản phẩm hay thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ cần được cân nhắc về lợi ích và nguy cơ.
"Người phụ nữ bị LNMTC có thể cảm thấy rất cô đơn và đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần, rất cần được sự quan tâm, cảm thông và hỗ trợ của gia đình và mọi người xung quanh. Bệnh nhân cũng cần thường xuyên chia sẻ với bác sĩ để có thể được hỗ trợ, hướng dẫn xử trí các tác dụng ngoại ý có thể xảy ra và an tâm điều trị. "- Bác sĩ Nhi nhắn nhủ.
Đi đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ với cam kết đặt người bệnh làm trọng tâm, nhiều năm qua Công ty Bayer luôn nỗ lực đồng hành cùng các đối tác chiến lược nhằm hỗ trợ phụ nữ Việt Nam nâng cao nhận thức về bệnh, tiếp cận các kiến thức cập nhật và giải pháp y khoa tiên tiến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ việc kiểm soát các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, mụn nội tiết tố, giải pháp ngừa thai, dinh dưỡng thai kỳ, đến chăm sóc sức khỏe giai đoạn mãn kinh, chẩn đoán và điều trị các bệnh phụ khoa bao gồm lạc nội mạc tử cung.