Cuộc không kích ác liệt chưa từng có tiền lệ
Trong một màn phô diễn sức mạnh chưa từng có, hôm 26/10 các máy bay chiến đấu của Không quân Nga được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công ác liệt vào một thành trì của lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria, tiêu diệt khoảng 100 tay súng.
Cuộc không kích được đánh giá là một đòn giáng trả mạnh mẽ vào các phe phái quân sự ủy nhiệm của Ankara ở Syria.
Cuộc tấn công cũng đánh dấu sự kết thúc của lệnh ngừng bắn kéo dài 7 tháng mà Nga đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì một khu vực giảm leo thang ở tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian được coi là chiếc phanh kìm hãm cuộc tấn công của Quân đội Syria nhằm đánh trả các tay súng đang cố thủ ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara đã hậu thuẫn trong suốt cuộc chiến kéo dài gần một thập kỷ ở Syria.
Nhiều thông tin cho thấy, chiến dịch tấn công là hoạt động phối hợp chung giữa các lực lượng vũ trang Syria và đồng minh Nga. Như vậy, Moscow rõ ràng đang bật đèn xanh cho Damascus tiếp tục thúc đẩy chiến dịch quân sự giành lại toàn bộ lãnh thổ từ tay phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Mục tiêu bị tập kích là trại huấn luyện chính của nhóm Hồi giáo Faylaq al Sham (Quân đoàn Sham). Các phương tiện truyền thông phương Tây gọi nhóm này là “những phần tử nổi dậy ôn hòa” nhưng trên thực tế nó lại liên minh với các chi nhánh khủng bố như Ahrar al Sham và Jaysh al Islam.
Quân đoàn Sham là nhóm Hồi giáo tiếp tay cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Idlib và qua đó kết nối với các lực lượng nổi dậy khác. Vì vậy, nó chính là một cách tay đắc lực trong các hoạt động bí mật bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Máy bay chiến đấu Không quân Nga. Ảnh: BQP Nga
Lời cảnh cáo sắc lạnh của Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ
Việc Nga và Syria tiến hành một cuộc tấn công dồn dập như vậy nhằm vào một tài sản quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể được coi là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Ankara.
Vậy Moscow muốn cảnh báo Ankara về điều gì? Có vẻ như chẳng có gì liên quan tới những hoạt động đang xảy ra ở Syria. Thay vào đó, cuộc tấn công mạnh bạo và quyết đoán dường như là cách Moscow yêu cầu Ankara ngừng gây hấn trong cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực Nam Caucasus của Nga.
Cuộc chiến tranh Armenia - Azerbaijan nổ ra vào ngày 27/9 trên vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh là một mối quan ngại an ninh đáng báo động đối với Nga.
Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người đã thiệt mạng sau 4 tuần giao tranh vừa qua trong cuộc xung đột tồi tệ nhất kể từ khi hai bên kết thúc cuộc chiến kéo dài 6 năm vào năm 1994, với số người chết lên tới khoảng 30.000 người.
Thổ Nhĩ Kỳ công khai yểm trợ cho Azerbaijan trong cuộc xung đột này. Những lời tuyên bố hiếu chiến của Ankara về việc giải phóng Nagorno-Karabakh khỏi Armenia như tiếp thêm sức mạnh cho Azerbaijan theo đuổi một giải pháp quân sự tại đây.
Các UAV do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ đã trang bị cho đồng minh Azerbaijan các loại vũ khí tiên tiến như tên lửa, máy bay không người lái (UAV) và có thông tin cho rằng còn có cả máy bay chiến đấu F-16. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là cũng đã triển khai hàng nghìn lính đánh thuê từ miền bắc Syria đến chiến đấu sát cánh cùng với các lực lượng Azerbaijan.
Chưa hết, còn xuất hiện nguồn tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động hơn 1.200 lính đặc nhiệm của mình tới vùng núi Karabakh.
Việc Ankara can dự sâu rộng vào cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh là lý do giải thích tại sao những nỗ lực về một thỏa ngừng bắn do Nga làm trung gian (sau có cả sự tham gia của Mỹ) đã thất bại bất chấp cam kết từ cả Azerbaijan và Armenia.
Một số ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách trả thù vì Nga đã tiếp tay làm thất bại các kế hoạch thay đổi chế độ Syria của Ankara bằng cách gây rắc rối cho Moscow ở khu vực lân cận phía Nam của họ.
Nếu chiến tranh Azeri-Armenia leo thang, Nga có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột vì thỏa thuận quốc phòng với Armenia. Đó là điều mà Nga không muốn vì Moscow cũng có quan hệ lịch sử hữu nghị với cả Azerbaijan.
Nga đã nhiều lần hối thúc một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh và kêu gọi các tác nhân bên ngoài lùi bước, với đối tượng ám chỉ ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho tới nay, Ankara dường như không chú ý đến thông điệp nghiêm khắc này của Nga. Họ còn đang thúc đẩy Azerbaijan thực hiện sứ mệnh giành lại Nagorno-Karabakh bằng vũ lực và với những luận điệu theo chủ nghĩa cực đoan bác bỏ các quyền của người Armenia.
Thay vì đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Caucasus, có vẻ như Moscow đã quyết định giáng một đòn mạnh mẽ vào các lực lượng của họ ở Syria. Ankara có thể đến bây giờ mới chú ý.
Một ngày sau cuộc không kích của Nga ở Syria, ông Erdogan đã ngay lập tức phải điện đàm với Tổng thống Putin “để thảo luận về Nagorno-Karabakh và Syria”.
Điện Kremlin cho biết: “Phía Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động quân sự đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh và sự tham gia ngày càng tăng của những kẻ khủng bố đến từ Trung Đông”. Có vẻ như giờ đây ông Erdogan đã hiểu được thông điệp của Nga là gì.
Các máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ tới Azerbaijan tham gia tập trận