Từng có rất nhiều gia tộc "soán ngôi đoạt vị", tại sao người đời lại chỉ lên án dòng họ Tư Mã vì những việc đã làm với con cháu Tào Tháo?

Khánh An | 27-09-2021 - 19:22 PM

(Tổ Quốc) - Gia tộc Tư Mã soán ngôi nhà Ngụy, lập nên nhà Tấn. Việc tương tự cũng đã từng nhiều lần xảy ra trong lịch sử Trung Quốc, vậy tại sao họ Tư Mã lại bị chỉ trích gay gắt hơn cả?

"Pho sử" Trung Quốc nghìn năm, trải qua biết bao biến cố thăng trầm, mỗi vương triều phong kiến  xuất hiện những nhân vật "soán ngôi đoạt vị" nhưng ít người bị chỉ trích nặng nề. Thậm chí có những trường hợp, có thể kể đến như Lý Thế Dân còn được lịch sử đánh giá rất cao.

Vậy tại sao cùng là soán ngôi đoạt vị, gia tộc Tư Mã lại phải hứng chịu những lời phê phán gay gắt tới vậy?

Thậm chí sau nay khi Lưu Dụ, tức Tống Vũ Đế xây dựng chính quyền Lưu Tống, giết chết không ít người trong gia tộc Tư Mã, người dân đều coi hành động của Lưu Dụ thật "anh hùng". Rõ ràng, đây là một sự bất công lớn đối với gia tộc Tư Mã.

Vậy rốt cục, nguyên nhân tạo ra sự bất công này đến từ đâu? Sở dĩ gia tộc này phải chịu sự đối đãi bất công, xuất phát từ một vài nguyên nhân chính dưới đây:

Ở GÓC ĐỘ ĐỘNG CƠ: MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA GIA TỘC TƯ MÃ LÀ CƯỚP NGÔI ĐOẠT VỊ

Nhìn lại lịch sử, có rất nhiều người mưu đồ cướp ngôi đoạt vị. Nhiều người trong số họ do tình thế đưa đẩy, bất đắc dĩ làm như vậy.

Năm xưa, Vương Mãng soán ngôi nhà Hán. Lúc bấy giờ nhà Tây Hán đã đi đến những giai đoạn cuối cùng của triều đại, thiên hạ suy tàn, chính quyền thối nát, hoàng đế nhu nhược, hoang dâm. Chính vì thế, thiên hạ thực sự cần một vị đại thần có năng lực, đứng ra dẹp loạn, cứu vớt lê dân.

Từng có rất nhiều gia tộc soán ngôi đoạt vị, tại sao người đời lại chỉ lên án dòng họ Tư Mã vì những việc đã làm với con cháu Tào Tháo? - Ảnh 2.

Tranh chân dung Vương Mãng.

Giữa tình thế đó, Vương Mãng chính là ngọn núi cao sừng sững để mọi người trông cậy cả vào. Cho nên mặc dù sau cùng, Vương Mãng cũng không thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả, lại khiến đất nước thêm phần rối ren nhưng vào thời điểm ban đầu khi lên ngôi ông được dân chúng hết mực ủng hộ.

Ngoài ra, phải kể tới sự kiện Tào Tháo lên nắm quyền khi Đông Hán bước vào giai đoạn mục ruỗng khó lòng cứu vãn.

Tào Tháo tuy rằng "khống chế thiên tử" nhưng ông thực sự đã đóng góp công sức không nhỏ vào sự nghiệp cứu giúp bách tính lê dân. Không những thế, lúc sinh thời, Tào Tháo cũng chưa từng có ý nghĩ soán ngôi vị. 

Vì thế mà sau này khi hậu duệ - Tào Phi soán Hán, bất kể do Tào Phi ép buộc hay Lưu Hiệp tức Hán Hiến Đế tự nguyện thoái vị, thì bước chuyển giao quyền lực này vẫn hết sức suôn sẻ, yên ổn, không khiến bách tính rơi vào cảnh lầm than.

Ngay cả Lưu Hiệp sau khi thoái vị, vẫn nhận được sự đãi ngộ tốt từ chính quyền Tào Phi.

Vậy nhưng gia tộc Tư Mã lại không như vậy. Khi nói về gia tộc Tư Mã, người ta hay nhắc tới Tư Mã Ý gắn liền với tướng mạo "lang cố" thận trọng đa nghi, lòng dạ mưu mô.

Hay Tư Mã Chiêu với câu "Lòng dạ Tư Mã Chiêu, người đi đường đều biết", ngụ ý chí hướng của gia tộc Tư Mã nằm ở ngôi báu, chứ không phải ở việc dẹp loạn, bình định thiên hạ, cứu giúp bách tính muôn dân. 

Động cơ của họ ngay từ ban đầu đã không hề trong sáng, bởi vì khi đó Tào Ngụy đoạt chính quyền, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của triều đình và nhân dân.

Từng có rất nhiều gia tộc soán ngôi đoạt vị, tại sao người đời lại chỉ lên án dòng họ Tư Mã vì những việc đã làm với con cháu Tào Tháo? - Ảnh 4.

Hình ảnh nhân vật Tư Mã Ý trên phim.

Hơn nữa, hậu duệ của Tào gia số mệnh ngắn ngủi, hoàng đế tuy rằng không giỏi giang nhưng cũng không có ai hoang dâm, loạn chính. Vì thế, có thể nói, hành động cướp ngôi đoạt vị của gia tộc Tư Mã không xuất phát từ sự chính nghĩa mà từ dã tâm tư lợi, do đó mới vấp phải sự lên án gay gắt của người đời.

Ở GÓC ĐỘ QUÁ TRÌNH: GIA TỘC TƯ MÃ SÁT HẠI VÔ SỐ NGƯỜI VÔ TỘI

Hành trình đi đến ngôi báu của gia tộc Tư Mã nhuốm màu máu. Trên mỗi bước đường tranh ngôi đoạt vị, họ đều đạp lên xương máu của không biết bao nhiêu nhiêu người.

Tư Mã Ý phát động chính biến lăng Cao Bình, giết sạch gia tộc Tào Sảng và toàn bộ phe cánh. Sau đó, tiếp tục thanh trừng Tư không Vương Lăng và đồng đảng. Có thể nói một nửa triều thần lúc bấy giờ bị chết trong tay Tư Mã Ý. Chưa dừng lại ở đó, Tư Mã Ý mượn chuyện giết Vương Lăng, giam lỏng gia quyến Tào Ngụy tại Nghiệp Thành, sai người ngày đêm canh giữ. 

Khi Tư Mã Sư chấp chính, tiếp tục sát hại và tru di tam tộc đối với những vị triều thần tỏ ý không phục như Trung thư lệnh Lý Phong, Thái thường Hạ Hầu Huyền, Quang lộc đại phu Trương Tập. Có thể nói đây là lần thảm sát thứ 3 gia tộc Tư Mã nhắm vào các vị triều thần. Sau đó lại thẳng tay phế truất Hoàng đế Tào Phương.

Tư Mã Chiêu khi còn đương quyền không những sát hại đại thần còn chỉ thị thuộc hạ, tùy ý giết hại Tào Mao, tức Ngụy Thiếu đế. Đến thời Tư Mã Viêm, phế truất Tào Hoán, vị vua cuối cùng nhà Tào Ngụy, tự đưa mình lên làm hoàng đế.

Từng có rất nhiều gia tộc soán ngôi đoạt vị, tại sao người đời lại chỉ lên án dòng họ Tư Mã vì những việc đã làm với con cháu Tào Tháo? - Ảnh 6.

Trong suốt quá trình tranh giành hoàng vị, nhà Tư Mã đã phế truất 2 đời hoàng đế, giết hại một vị vua. Ngoài ra, bàn tay còn nhuốm máu của không biết bao nhiêu vị đại thần tiền triều. Với thủ đoạn bạo lực độc ác như vậy, gia tộc Tư Mã không khỏi vấp phải sự chỉ trích gay găt của người đời.

Ở GÓC ĐỘ KẾT QUẢ: GIA TỘC TƯ MÃ ĐÃ MỞ RA MỘT GIAI ĐOẠN LOẠN LẠC TIẾP THEO CHO DÂN CHÚNG VÀ LỊCH SỬ

Nếu như gia tộc Tư Mã đoạt ngôi, xây dựng đất nước giàu đẹp thì hậu thế chắc chắn người đời sẽ không dành cho họ những cái nhìn đầy phản cảm đến như vậy.

Năm đó, Lý Thế Dân giết huynh đệ, đoạt hoàng vị mà phụ thân để lại. Nhưng trong suốt sự nghiệp trị quốc của mình, Lý Thế Dân đã thực hiện các quốc sách nằm trong "Trinh Quán chi trị", mở ra mộ thời kì thịnh vượng cho Đại Đường. Vì thế, hậu thế đều hết mực ca ngợi công lao và tài trí của ông. Thậm chí các nhà sử học còn cho rằng "nước đi" của ông là hết sức thỏa đáng.

Hay như, Triệu Khuông Dận đoạt giang sơn từ tay nhà Hậu Chu. Từ đó về sau, Triệu Khuông Dận xây dựng lên triều đại Bắc Tống, đồng thời thống nhất đất nước. Không những thế, nhà Tống do ông lập ra có nền kinh tế văn hóa hết sức phát triển, mặc dù chính sách ngoại giao có phần kém cỏi. Vì thế, hậu thế cũng dành cho Triệu Khuông Dận không ít những lời có cánh.

Nhưng gia tộc Tư Mã thì khác. Sau khi lên nắm quyền, nhà Tư Mã chỉ chăm chăm lo sợ kẻ ngoại tộc chiếm đoạt quyền lực, nên phân đất phong hầu cho những người trong gia tộc một cách trắng trợn, nhằm giữ quyền lực trong tay dòng họ mình.

Năm xưa, Hán triều đã từng mất rất nhiều công sức mới loại bỏ được chế độ phiên vương này. Vậy mà vì tư lợi cá nhân, Tư Mã gia lại không ngần ngại sử dụng "con dao hai lưỡi đó". Kết cục dẫn tới "loạn Bát Vương", rồi từ đây kéo theo "loạn Ngũ Hồ", khiến Trung Hoa phải trải qua hàng trăm năm loạn lạc chia ly.

Từ đây có thể thấy,chính những bi kịch mà dòng họ Tư Mã để lại trong lịch sử Trung Quốc đã lý giải rõ ràng tại sao hậu thế có cái nhìn không thiện cảm, cũng như chỉ trích sâu sắc đến thế đối với gia tộc này.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM