Từng bị gắn mác là tiêu xài hoang phí, Gen Z toàn cầu ứng phó ra sao khi bị “bão giá” quật tới tấp?

Danh Nguyễn - Hoa Nguyễn | 22-06-2022 - 15:51 PM

(Tổ Quốc) - Vật giá leo thang trong những ngày vừa qua đã làm hoang mang cho mọi tầng lớp, cùng xem cách giới trẻ thế giới phản ứng ra sao trước đợt bão giá này nhé!

Gen Z vẫn thường bị các thế hệ trước gắn cho cái mác tiêu xài hoang phí vì sự dư thừa vật chất của xã hội hiện đại. Thế nhưng đây mới chính là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bão giá lần này.

Vừa chịu cảnh thất nghiệp dài hạn vì đại dịch, lại bị cơn bão giá này "quật tới tấp", nhiều bạn trẻ đã và đang trải qua những ngày nặng nề về cả tinh thần lẫn tài chính. Cùng tham khảo cách mà giới trẻ thế giới đã xoay sở để vượt qua áp lực này nhé!

Muôn vàn cách "vượt bão" trên thế giới

Đối mặt với việc sinh hoạt phí tăng vọt, giới trẻ Mỹ chọn cách tiết kiệm tại nơi làm việc. Biện pháp này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật chất là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố cũng như đòi hỏi tính kỷ luật vì hầu hết chúng ta đều dành phần lớn thời gian tại công ty.

Bên cạnh các chiến lược mới như tiết kiệm trước khi được trả lương, sử dụng tín dụng hiệu quả, tìm đến các khoản vay uy tín,... thì họ cũng có nhiều động lực hơn khi thảo luận về cách tiết kiệm cùng đồng nghiệp.

Bão giá diễn ra trên toàn cầu, Gen Z Việt nên phản ứng thế nào? - Ảnh 1.

Gen Z Mỹ đã học cách tạo những "cộng đồng" tiết kiệm cùng đồng nghiệp của mình.

Bằng cách tạo các mục tiêu tiết kiệm chung, hoặc tổ chức các thử thách chi tiêu, giới trẻ Mỹ đã tạo ra được những cộng đồng để chia sẻ và giúp nhau trong việc "vượt bão giá" ngay tại công ty.

Không giống với Mỹ, giới trẻ tại Nhật - đất nước vốn nổi tiếng với sự khiêm tốn - đã thích nghi với việc thay đổi cách thức chi tiêu ngay từ trong đại dịch. Thay vì rơi vào hoảng loạn, họ đã tận dụng được khoảng thời gian work from home để tạo được những niềm vui ngay tại nhà cũng như tìm ra những cách chi tiêu mới.

Bão giá diễn ra trên toàn cầu, Gen Z Việt nên phản ứng thế nào? - Ảnh 2.

Thế hệ trẻ của Nhật chuyển sang mua sắm online để tiết kiệm chi phí đi lại.

Bên cạnh việc suy xét nhiều hơn về việc chi tiêu, giảm mức tiêu thụ, giới trẻ Nhật cũng đã hình thành thói quen mua sắm online thay vì đi chợ hay siêu thị. Bằng cách này, họ nhiều sự lựa chọn về giá cả hơn, cũng như tiết kiệm được chi phí đi lại mỗi khi mua hàng hoá.

Giới trẻ Anh có vẻ lại là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong đợt lần này. Do khí hậu lạnh, người dân tại đất nước này có thói quen sử dụng máy sưởi - một món nội thất hoạt động bằng nhiên liệu mà hầu hết gia đình tại Anh nào cũng có.

Bão giá diễn ra trên toàn cầu, Gen Z Việt nên phản ứng thế nào? - Ảnh 3.

Gen Z Anh phải hạn chế việc sử dụng lò sưởi và tự chuẩn bị bữa trưa tại nhà.

Theo thống kê, những người dưới 30 tuổi là bộ phận chịu nhiều thiệt hại nhất tại Anh trong đợt bão giá lần này. Đối mặt với việc phải ổn định kinh tế sau đại dịch trong khi chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng chóng mặt, nhiều Gen Z Anh đã phải hạn chế đến mức tối đa việc dùng lò sưởi và tự mình học cách chuẩn bị bữa ăn tại nhà.

Còn ở Trung Quốc, người trẻ chưa kết hôn tại đất nước tỷ dân này là một thế hệ đang phải chịu chồng chéo những áp lực về việc mua nhà, mua xe, tìm việc... và cả bão giá.

Theo Cục thống kê Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,1% so với một năm trước, nguyên nhân chủ yếu bởi sự tăng vọt của giá năng lượng, dẫn đến chi phí vận chuyển cao cũng như do nhu cầu dự trữ đồ ăn tăng bởi nước này vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Do chi phí sinh hoạt tại thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải rất cao, việc có thể tồn tại và định cư tại đây đối với bộ phận giới trẻ gần như là không thể, trong đó một số thừa nhận rằng họ sẽ nhờ cha mẹ giúp đỡ nếu cần thiết: "Tôi nghĩ ít nhiều tôi sẽ cần sự hỗ trợ tài chính của bố mẹ ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Áp lực cuộc sống ở Bắc Kinh rất cao. Là một sinh viên mới tốt nghiệp, tôi không thể nào cân bằng được cả cuộc sống lẫn công việc, tại đây bạn có thể kiếm được một khoản tiền kha khá nhưng để sống một cách thoải mái hay có tích lũy lại là một vấn đề không đơn giản", một bạn trẻ cho hay.

Đối với những người làm việc ở Thâm Quyến, dưới áp lực của bão giá, "cuộc sống" dường như không có trong từ điển của họ. Làm, làm, và làm... họ làm để sống sót và để có thể trang trải được mọi chi phí khi mà giờ đây giá cả mọi thứ đều tăng cao hơn trước. Tại Thâm Quyến, tiền lương trung bình kiếm được một ngày về cơ bản chỉ đủ cho một ngày sinh hoạt, vì vậy nếu muốn mua nhà, muốn có tiền tiết kiệm thì giới trẻ sẽ cần phải “bán sức” hơn gấp vài lần nữa.

Bão giá đang ngày càng như một bàn tay vô hình "siết chặt" hơn cuộc sống của những người trẻ tại rất nhiều quốc gia, mang tới những áp lực không nhỏ về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Việc cắt giảm chi tiêu, tiêu dùng thông minh và có kế hoạch cũng là một trong những biện pháp đang được người trẻ áp dụng, tuy nhiên để "sống sót" qua thời kỳ bão giá, rất nhiều thách thức vẫn đang đợi họ ở phía trước.

Gen Z Việt phản ứng ra sao?

Có thể thấy để vượt qua đợt bão giá này, giới trẻ trên thế giới đã thay đổi không chỉ trong cách chi tiêu, mà còn cả trong các hoạt động thường ngày của mình. Vậy đối với Gen Z Việt thì đâu là chiến lược hữu hiệu nhất?

1. Thay đổi lộ trình đi làm để tiết kiệm xăng

Khi giá xăng đang leo thang với tốc độ chóng mặt thì Gen Z Việt cũng là một trong những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Họ là những người đang đi học hoặc mới ra trường, công việc có nguồn thu nhập chưa ổn định, sống một mình ở thành phố và chưa hoàn toàn có kế hoạch tài chính vững vàng... Dường như tất cả những điều đó khiến họ hoang mang hơn trong mùa bão giá.

Xăng tăng, chi phí đi lại tăng, quãng đường từ nhà đến công ty bỗng trở thành 1 bài toán mà họ phải cân nhắc tìm cách giải mỗi khi ra đường. Nhiều người cho biết, để tiết kiệm xăng một cách tối đa họ phải lên kế hoạch xem đi những đâu, đi cung đường nào, để đường đi ngắn và hiệu quả nhất, tiết kiệm cả tiền xăng lẫn thời gian. Ngoài ra, một bộ phận người trẻ cũng ưu tiên lựa chọn công việc tại những công ty có xe đưa đón và bao ăn trưa.

2. Để ý đến những thay đổi về giá cả

Trong những lúc thế này thì ít có thứ gì hấp dẫn hơn những bảng giảm giá màu vàng trong siêu thị nhỉ? Một số người cho biết họ thường xuyên mua sắm tại một siêu thị hay cửa hàng gần nhà. Như thế họ sẽ nhận thấy sớm những mặt hàng sẽ giảm giá vì gần hết hạn sử dụng và việc này thường được thực hiện theo chu kỳ từ 1 - 2 tuần đến 1 tháng.

Nếu bạn nắm bắt được chu kỳ này, bạn có thể dễ dàng đến mua những sản phẩm với giá hời, sau đó bảo quản chúng trong tủ lạnh hoặc ngăn đông để có thể sử dụng lâu hơn.

Bão giá diễn ra trên toàn cầu, Gen Z Việt nên phản ứng thế nào? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, phương pháp "vượt bão" không nên được lạm dụng vì tiêu thụ quá nhiều sản phẩm gần date sẽ gây ra nhiều tác hại về mặt sức khỏe lâu dài. Nên hãy xem xét ngừng thói quen này khi thấy mình đã ổn định tài chính nhé!

3. Nấu cơm tại nhà mang đi làm

Nhiều người nghĩ chuyện đi chợ mua nguyên liệu, sau đó chuẩn bị rồi nấu ăn thậm chí còn tốn thời gian và tiền bạc hơn cả việc ăn ngoài. Thế nhưng, bạn lại có thể dễ dàng kiểm soát chi tiêu cho mình hơn cũng như đảm bảo sức khỏe bản thân khi tự nấu ăn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy những thực đơn hay công thức theo kiểu tiết kiệm nhưng vẫn đủ ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Thế nên, vì sao không tạo cho mình một niềm vui mới trong thời bão giá bằng cách tự xuống bếp nào!

4. Bán những gì không cần thiết

Để sống cuộc sống đơn giản và tiết kiệm hơn, bạn có thể bắt đầu suy xét về việc bán đi những vật dụng không cần thiết. Cách tốt nhất để xác định rằng bạn có cần món đồ đó hay không là nghĩ về lần cuối bạn dùng nó, nếu đó là hơn một năm trước, nghĩa là đã đến lúc món đó đó phải ra đi rồi đấy.

Bão giá diễn ra trên toàn cầu, Gen Z Việt nên phản ứng thế nào? - Ảnh 5.

Có một lợi thế trong phương pháp này đó là hiện nay bạn có thể dễ dàng bán mọi thứ thông qua các nền tảng online, từ sách vở, đồ trang trí, đến những vật dụng có giá trị hơn như smartphone, hay xe cộ. Vì thế, nếu có thời gian thì bạn hãy xem xét về những vật dụng trong nhà.

Kết

Theo thống kê tại nhiều nước, hiện trạng thất nghiệp dài hạn của độ tuổi 18 - 24 đã tăng mạnh đến tận 21% sau đại dịch, trong khi giá nguyên liệu, xăng dầu cũng tăng đến mức kỷ lục. "Bão nào bằng bão giá" - có thể thấy Gen Z là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bão giá này.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có vô vàn cách "vượt bão" hiệu quả và thú vị để thử. 4 cách được đề cập phía trên chỉ là những phương pháp cấp bách nhất cho Gen Z Việt, bạn vẫn có thể tìm thấy hoặc tự tìm ra cách tiết kiệm phù hợp nhất với mình. Chỉ cần bạn sống ổn qua đợt "bão" này, có lẽ bạn sẽ thấy mình không cần nhiều vật chất đến thế, và vẫn biết được cách quản lý chi tiêu hiệu quả đấy!

Nguồn: Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,