Từ vụ nữ sinh lớp 10 bị bạn trai sát hại: Khắp nơi dạy học sinh giỏi, có nơi nào dạy trẻ cách nhìn người, làm sao để con nghe và tin bố mẹ hơn tin người yêu?

GiangC | 25-02-2021 - 17:03 PM

(Tổ Quốc) - Là một người mẹ của hai cô con gái cũng đang ở độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, chị Thu Hà - một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, cũng là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết" đã có những chia sẻ rất hữu ích về cách làm sao để dạy con yêu đúng cách.

Theo lời khai ban đầu tại cơ quan Công an, H. và nạn nhân V. yêu nhau, V. sinh năm 2005, đêm 23/2 H. đón V. về nhà ngủ. Đến trưa 24/2 khi biết gia đình đi tìm, vì lo sợ, H. và V. thống nhất cùng tự tử; H dùng tay bóp cổ V. đến tử vong và nhảy xuống ao cạnh nhà tự tử nhưng không thành, sau đó đi ra cầu Thái Hà tiếp tục tự tử thì bị bắt giữ. => Xem chi tiết vụ việc TẠI ĐÂY

Với quan điểm: "Mình không cấm con yêu, mình chỉ đồng hành. Đồng hành cả khi con tỏ tình, khi con yêu, và khi con chia tay hay từ chối", chị Thu Hà cho biết "Nói thật, mình không sợ con gái mình thi trượt hay sợ thực phẩm thiếu an toàn bằng việc con mình bước vào yêu, mình sợ những nguy hiểm từ cách con yêu, từ người con chọn yêu và chọn để tin".

Từ vụ nữ sinh lớp 10 bị bạn trai sát hại: Khắp nơi dạy học sinh giỏi, có nơi nào dạy trẻ cách nhìn người, làm sao để con nghe và tin bố mẹ hơn tin người yêu?  - Ảnh 1.

Chị Thu Hà được rất nhiều bậc phụ huynh yêu thích bởi những bài viết đơn giản, thú vị và sâu sắc mang đầy trải nghiệm về cách nuôi dạy con, tìm hiểu tâm lý của con.

Bài viết của chị Hà đã nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh khác:

Trời ơi, 16 tuổi trăng rằm. Tại sao con lại chọn người đó, tại sao con tới tận nhà người ta và ở lại? Tại sao lại sợ bố mẹ tới mức thà chọn cái chết chứ ko dám về nhà?...

Nói thật là mình không sợ con gái mình thi trượt hay sợ thực phẩm thiếu an toàn bằng việc con mình bước vào yêu, mình sợ những nguy hiểm từ cách con yêu, từ người con chọn yêu và chọn để tin.

Khi phỏng vấn công an, họ nói khi tiếp xúc với 1 vụ án mạng bao giờ cũng đặt ra câu hỏi đầu tiên: "Nạn nhân yêu ai? Nạn nhân có quan hệ với những người nào?". Vì theo thống kê của công an, hơn 50% các vụ án mạng có nguyên nhân là tình cảm.

Từ vụ nữ sinh lớp 10 bị bạn trai sát hại: Khắp nơi dạy học sinh giỏi, có nơi nào dạy trẻ cách nhìn người, làm sao để con nghe và tin bố mẹ hơn tin người yêu?  - Ảnh 2.

Làm sao để dạy con yêu!

Khắp nơi cũng chỉ dạy toán lý hóa, tiếng Việt, tiếng Anh... Chẳng có nơi nào dạy con trẻ con cách nhìn người, để nó biết được người đó có tử tế không. Làm sao để nó nghe và tin mẹ hơn tin người yêu?

Cấm thì rõ là không cấm được rồi đó. Trong chuyện này, theo lời khai ban đầu, cũng vì 2 đứa sợ ba mẹ phạt nên cùng tìm tới cái chết.

Lâu nay ba mẹ và thầy cô dạy trẻ khá kỹ về cách phòng tránh, đề phòng người lạ. Những cẩm nang phòng tránh lạm dụng xâm hại cũng vậy, quy tắc bàn tay cũng dặn trẻ cần phòng tránh người lạ....

Nhưng con chúng ta đã, đang và sẽ chết vì người con chọn yêu nhiều nhất!

Người lạ cướp giật có thể chỉ cướp được 1 cái điện thoại, nhưng người yêu có thể làm con mất cả cuộc đời.

Người lạ chỉ chiếm có 7% số thủ phạm của nạn lạm dụng xâm hại tình dục thôi, còn 93% là người thân quen.

Ai cũng có thể dễ dàng rời xa, chống lại người lạ nếu họ gây hại, nhưng rất khó khăn để chống đỡ lại người yêu, cho dù có nhìn thấy họ đang huỷ hoại mình.

Nhà báo Thu Hà

Mình nghĩ, chả có truờng nào, chỉ có cha mẹ. Chỉ còn cách đồng hành, để ngay từ nhỏ con tin tưởng cho ba mẹ biết hành trình của con, có khúc cua gấp nào thì bố mẹ xi nhan kịp thời.

Ngay từ nhỏ, bằng bàn tay ôm con, bằng ánh mắt, bằng những lời âu yếm nâng niu... để con hiểu rằng con quý giá, con có đủ yêu thương ngay trong nhà mình, con không đói khát tới mức tự chui đầu vào thòng lọng.

Ngay từ nhỏ, mỗi ngày, mỗi lần đi đâu gặp ai, cũng trò chuyện để con nhận ra đâu là những tín hiệu của 1 người đáng tin cậy, đâu là kẻ hèn nhát và giả dối, đâu là người có ảnh hưởng tiêu cực, mối quan hệ nào đang nhiễm độc.

Ngay từ nhỏ, hãy cho con sức mạnh để con biết chịu trách nhiệm với chính mình và các mối quan hệ. Con hiểu con có quyền thiết kế và biên tập cuộc đời mình. Con bước vào được thì bước ra được, nâng lên được thì sẽ hạ xuống được, ngã được thì sẽ đứng dậy được.

Ngay từ nhỏ, ba mẹ đành phải làm gương bằng lối sống, để con biết rằng thực ra các ranh giới là để bảo vệ con, và các kỷ luật cũng là để giúp cho con tự do.

Ngay từ nhỏ, con phải hiểu rằng: con có quyền sai lầm, và có quyền sửa chữa, đừng trốn tránh ba mẹ...

Làm ở báo teen gần 20 năm, mình hiểu: không có tuyệt chiêu nào, cũng không có hình phạt nào hiệu quả với tuổi teen bằng hành trình nhiều năm làm người bạn đồng hành cùng con, để con tin mẹ hơn tin người khác.

Sinh ra 1 đứa con là không có ngày nào mẹ ngừng nỗ lực và hồi hộp.

Vài nét về tác giả:

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của mẹ Xu Sim TẠI ĐÂY.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.