Từ vụ nổ "bí ẩn" trên bầu trời Aleppo tới khả năng đánh chặn KQ Thổ của MiG-29 Syria

DK | 08-06-2020 - 07:20 AM

(Tổ Quốc) - Chuỗi thông tin gắn với tiêm kích đa năng MiG-29 ở Syria và Libya cho chúng ta thấy một "kịch bản đen tối" mà Moscow quyết gửi cho "những cái đầu nóng" ở Ankara.

KQ Nga - Syria sẽ "tất tay" nếu Thổ quyết can dự vào chiến sự Idlib?

Rạng sáng 7/6, người dân địa phương ở tây bắc tỉnh Aleppo phát hiện một vụ nổ trên bầu trời. Ít giờ sau, tài khoản mạng xã hội Twitter Hussien Khattab, người tự xưng là một "nhà báo Syria tự do" cho rằng "vụ nổ do máy bay MiG-29 của Nga tiến hành".

Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kì bằng chứng nào ngoài một đoạn phim cho thấy vụ nổ xác định là kết quả của một phi vụ tác chiến không đối không cũng như khả năng MiG-29 của Nga hay Syria đã tham gia vụ việc.

Tối 7/6, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tuyên bố đã bắn rơi một máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ Bayraktar TB2 tại thành phố cảng Sirte, Libya.

Tác giả Babak Taghvaee và cũng là nhà sử học quân sự, nhà phân tích quốc phòng và nhà báo của các tờ PTISI & DIASTIMA và Air International tại Malta, Hy Lạp cho rằng đây là "tác phẩm" của MiG-29 mới bị Bộ tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM) "tố" vào sáng cùng ngày.

Nếu "chắp nối" 2 giả thuyết của Hussien Khattab, Babak Taghvaee về các hoạt động của MiG-29 có thể đây là thông điệp cứng rắn nhất dành cho Ankara nếu họ quyết vượt "lằn ranh đỏ" của Moscow, Benghazi và Damascus.

Đoạn phim ghi lại cảnh cháy nổ do UAV rơi tại Sirte tối 7/6.

Thứ gì đã phát nổ trên bầu trời Aleppo?

Trong ngày 7/6, tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh dẫn nguồn tin địa phương cho biết lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành pháo kích vào làng Harbel do người Kurd kiểm soát thuộc khu vực Al-Shahba ở phía bắc Aleppo.

Cuộc pháo kích diễn ra sau một tuần "tương đối yên ắng" trong khu vực, trùng hợp với sự gia tăng hoạt động của máy bay không người lái (UAV) không xác định trên khu vực.

Tây bắc Syria là nơi hoạt động "nhộn nhịp" của các loại UAV của Mỹ, Thổ, Nga, Iran và Syria, đặc biệt là ở vùng giáp ranh giữa tây bắc Aleppo và Afrin là nơi UAV của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên hoạt động.

Bản thân al-Shahba cũng là một khu vực vô cùng nhạy cảm, nó giáp với Afrin do phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía tây và giáp thành phố Aleppo do Quân đội Arab Syria (SAA) kiểm soát ở phía đông.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Syria vào năm 2011, al-Shahba nằm dưới sự kiểm soát của dân quân Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (NDF) trung thành với chính phủ Damascus và cũng là khu vực hoạt động của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) sau thất bại ở Afrin năm 2018.

Từ al-Shahba, các nhóm YPG thường xuyên tiến hành xâm nhập vào Afrin để tiến hành phục kích hoặc đặt bom nhằm vào SNA và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và việc UAV Thổ tiến hành trinh sát vị trí của YPG để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh là điều rất dễ hiểu.

Từ vụ nổ bí ẩn trên bầu trời Aleppo tới khả năng đánh chặn KQ Thổ của MiG-29 Syria - Ảnh 2.

UAV Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tiến hành trinh sát các vị trí của YPG và NDF tại khu vực al-Shahba ở tây bắc Aleppo (vòng tròn đỏ).

Vụ nổ trên bầu trời Aleppo sáng 7/6 có nhiều dấu hiệu cho thấy một vật thể bay bị một vật thể bay khác bắn rơi do không thấy các vệt sáng tên lửa phòng không.

Ngoài ra, việc vụ nổ diễn ra ở độ cao khá thấp trên bầu trời Aleppo dẫn tới suy đoán rằng đây có thể là một chiếc UAV bay ở tầm thấp.

Kết nối vụ pháo kích tại al-Shahba và vụ nổ ở tây Aleppo, chúng ta có thể nhận ra một kịch bản UAV trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập khu vực do SAA kiểm soát và bị tiêm kích Syria - căn cứ vào thông tin về việc sẵn sàng chiến đấu ngày 4/6, nhiều khả năng là MiG-29.

Đoạn phim được người dân ghi lại tại Tây Aleppo cho thấy tiêm kích MiG-29SMT rất có thể đã tham gia không chiến và bắn rơi UAV Thổ Nhĩ Kỳ.

MiG-29 hoạt động tại miền bắc Syria như thế nào?

Trưa ngày 4/6, trang AMN dẫn nguồn tin quân sự Syria cho biết kể từ đầu tháng 6/2020, các phi công Syria đã đưa MiG-29 mới được Nga bàn giao vào vận hành.

Nguồn tin nói thêm rằng MiG-29 mới được cho là biến thể hiện đại hóa MiG-29SMT hiệu quả hơn những chiếc hiện đang có trong trang bị của SyAAF và chúng đã "thực hiện các chuyến bay từ căn cứ Khmeimim đến các căn cứ quân sự khác trong Syria".

Theo AMN, Nga sẽ tiếp tục bàn giao những chiếc MiG-29 khác trong năm 2020 và cũng lên kế hoạch nâng cấp những chiếc có trong trang bị của SyAAF lên MiG-29SMT.

Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Damascus cũng đã xác nhận việc SyAAF đã sử dụng MiG-29SMT "trong các hoạt động chống lại đối phương ở tây bắc Syria".

Từ vụ nổ bí ẩn trên bầu trời Aleppo tới khả năng đánh chặn KQ Thổ của MiG-29 Syria - Ảnh 5.

2 chiếc MiG-29SMT và 2 chiếc Su-24M2 tại Khmeimim trong lễ bàn giao.

Tuy nhiên, dựa vào hình ảnh về lễ bàn giao được cho là đã diễn ra vào ngày 30/5, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chỉ có 2 chiếc MiG-29SMT bên cạnh 2 chiếc cường kích Su-24M2 tại căn cứ Khmeimim.

Điều đáng chú ý hơn là số lượng phi công và quan chức quân sự trong lễ bàn giao, chỉ có 4 phi công Syria trong những bức ảnh cho thấy số lượng tiêm kích và cường kích là có giới hạn.

Căn cứ vào vụ rơi MiG-29 SyAAF vào tháng 3/2020, không loại trừ khả năng những chiếc MiG-29S/SM "cũ kỹ" cất cánh từ căn cứ không quân Shairat ở tỉnh Homs vẫn tiếp tục tiến hành các chuyến xuất kích về hướng tây Aleppo.

Đường bay từ Shraytat tới Aleppo (khoảng 160 km) được cho là xa hơn so với từ Khmeimim (khoảng 140 km).

Với tốc độ tối đa ở độ cao lớn là 2.400 km/giờ, dự đoán một chiếc MiG-29SMT (được cho là ở Khmeimim) có thể tiếp cận mục tiêu nhanh hơn ít phút so với MiG-29S/SM (được cho là ở Shraytat). Đây là một lợi thế đáng kể nếu tiêm kích thực hiện một phi vụ đánh chặn.

Nhưng không thể loại trừ khả năng người Nga đã đưa tới Syria nhiều hơn số lượng 8 chiếc MiG-29 họ đã bàn giao cho SyAAF và LNA, và cũng có thể vụ việc đánh chặn sáng 7/6 là do những chiếc tiêm kích hiện đại hơn như Su-35 thực hiện.

Có lẽ chỉ khi có những bằng chứng mới được công bố, chúng ta mới biết rõ chân tướng sự việc.

Từ vụ nổ bí ẩn trên bầu trời Aleppo tới khả năng đánh chặn KQ Thổ của MiG-29 Syria - Ảnh 7.

Hành trình của những chiếc MiG-29 Syria tới Aleppo từ Khmeimim và Shraytat.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM