Hơn một tháng sau khi Met Gala 2022 kết thúc, câu chuyện về Kim Kardashian và chiếc váy của huyền thoại Marilyn Monroe vẫn còn giữ được tính thời sự. Đấy là bởi chỉ mới vài hôm trước, cư dân mạng vẫn bàn tán, truyền tay nhau hình ảnh về những thiệt hại mà cô đào này đã gây ra, khi cố ních thân hình vào chiếc váy vốn chẳng sinh ra để dành cho mình.
Để tạo ra một khoảnh khắc để đời cũng như thu về hàng vạn lượt likes, hàng triệu lượt chia sẻ và tương tác từ mọi nền tảng mạng xã hội, giúp hâm nóng tên tuổi vốn dĩ đã được ủ ấm bằng một cơ số chiêu trò, Kim Kardashian bất chấp những rủi ro có thể xảy đến với chiếc váy mà lẽ ra phải ngủ yên trong lồng kính. Trong câu chuyện này, một sản phẩm lưu trữ đã bị xem nhẹ về giá trị vật chất và cả giá trị tinh thần.
Vậy thời trang lưu trữ là gì?
Danh từ "Archive" trong ngành thời trang được xem là "thời trang có giá trị lưu trữ". Hiểu một cách nôm na, Archive là các thiết kế tiêu biểu, đặc sắc đến từ những nhà mốt trên thế giới, được coi là tiêu điểm trong những bộ sưu tập mà họ từg trình làng. Đó có thể là những thiết kế góp phần kiến tạo xu hướng mới, soi đường chỉ lối cho ngành thời trang trong tương lai gần, mở ra phạm vi sáng tạo mới mẻ về mặt thời trang lẫn nghệ thuật...
Áo khoác Scuba, cài áo hình hoa trà, trang phục từ vải tweed... từ thập niên 80 - 90 là những món đồ vô giá trong kho lưu trữ của Chanel
Những thiết kế này có thể được lấy cảm hứng từ các trường phái hội hoạ, âm nhạc, có thể là màn hợp tác độc nhất vô nhị với những nghệ nhân hàng đầu của thế giới. Chính tuổi đời, tuổi thọ và giá trị nghệ thuật của món đồ lưu trữ sẽ khiến chính nó đắt giá dần theo thời gian.
Ẩn trong mỗi món đồ lưu trữ là lịch sử và câu chuyện quý giá mang tầm di sản, ảnh hưởng sâu rộng đến tư duy và tầm nhìn của hậu thế. ''Cha đẻ'' của những món đồ archive này sẽ là những cái tên có bộ não đi trước thời đại như Helmut Lang, Martin Margiela... Vẻ đẹp của sự tạo hình vải vóc cũng là một phạm trù nghệ thuật đương đại mới mẻ, khiến cho những sáng tạo vô giá này được công chúng thời hiện đại quan tâm.
Năm 2021, Ariana Grande có cơ hội diện chiếc váy thuộc bộ sưu tập Versace Xuân - Hè 2003, hiện vẫn đang nằm trong kho lưu trữ của hãng
Bella Hadid cũng từng gây sốt khi diện lại mẫu váy nằm trong bộ sưu tập Xuân-Hè 2002 của nhà Jean Paul Gaultier
Được định hình phong cách bởi stylist Law Roach, Zendaya đã nhận giải Black Essence Black Woman viết thiết kế từ năm 1982 của thương hiệu YSL
Thiết kế trong bộ sưu tập Aria của Gucci (ảnh trái), được nhà tạo mốt Alessandro Michele lấy ý tưởng từ chính mẫu suit đỏ trong bộ sưu tập Thu - Đông 1996 của hãng
Nếu không có lần phá hỏng chiếc váy của Marilyn Monroe, thì Kim Kardashian sẽ vẫn khiến người ta trầm trồ mỗi khi cô mặc đồ lưu trữ, tương tự như lần cô diện thiết kế trong bộ sưu tập Xuân - Hè 1995 của D&G
Giá trị của thời trang lưu trữ
Những món đồ với số lượng cực kỳ giới hạn có tuổi đời lên tới hàng chục năm, lại là một mắt xích trong tiến trình phát triển của thời trang, đương nhiên sẽ có có giá trị khó mà ước lượng bằng tiền bạc. Nhiều thương hiệu lớn nhận thức được giá trị của các trang phục vintage, nên đã không ngại ngần bỏ ra hàng chục ngàn đô la một năm nhằm bảo quản các sản phẩm trong kho lưu trữ.
Điều kiện để lưu trữ một bộ trang phục là 18-20 độ C, độ ẩm 45 - 50% và không ánh sáng trực tiếp. Để duy trì tính toàn vẹn, sản phẩm không được giặt mà được đặt trong hộp hoặc khoang chứa đồ, bao phủ xung quanh là vải muslin hoặc nylon chống bụi. Cách này giúp ngăn ngừa các nếp gấp trên trang phục, trong khi vải muslin bảo vệ nó khỏi ánh sáng, độ ẩm và các chất gây ô nhiễm môi trường.
Cardi B diện chiếc váy ''The Birth of Venus'' từ nhà mốt Thierry Mugler. Sản phẩm đã có tuổi đời gần 30 năm
Thời trang lưu trữ là thước đo giá trị và tính vượt thời gian của một thiết kế, cũng như sức ảnh hưởng của nó đến thời trang và văn hóa. Nó cũng là cái tôi độc nhất của nhà thiết kế khi được tự do bay bổng sáng tạo mà không cần chịu sự ảnh hưởng từ bất kì công ty mẹ nào. Bởi vậy, giá trị của ''Archive'', dù được hiểu theo nghĩa nào, cũng là vô giá và cần được trân trọng.
Thời trang lưu trữ là những quy ước vô cùng tinh tế mà chỉ có những người biết rõ về những giai đoạn lịch sử của nhà mốt, hiểu được sức nặng của những tên tuổi của gạo cội trong làng thời trang, cũng như nhận rõ được vị trí của bộ đồ.
Kho phải đạt các tiêu chuẩn bảo quản nghiêm ngặt trước khi đi vào hoạt động
Trở lại với câu chuyện của Kim Kardashian và chiếc váy xuyên thấu. Mẫu váy mà cố minh tinh Marilyn Monroe diện khi dự sinh nhật cựu Tổng thống John F. Kennedy năm 1962, bị cô làm sờn rách ở phần khuy cài phía sau. Tiến sĩ Justine De Young, giáo sư lịch sử thời trang của Học viện Công nghệ Thời trang, cho rằng sự lựa chọn của cô đào này là "vô trách nhiệm và không cần thiết".
Cara Varnell, nhà bảo tồn nghệ thuật chuyên về trang phục lịch sử, nói: "Bạn có một chiếc đầm cổ của Charles James treo trong tủ và muốn mặc nó thì không sao. Nhưng với một thứ đã được lưu trữ, có nghĩa là nó có đủ tầm quan trọng về mặt văn hóa, thì không! Chiếc váy của Marilyn Monroe đại diện cho điều gì đó rất quan trọng - đó là một phần di sản văn hóa chung của chúng ta".
Mẫu váy trước và sau khi ''được'' Kim Kardashian làm hỏng
So sánh ảnh trước và sau được cô Kim diện lên, người ta càng thấy thương thay cho chiếc váy mang tính huyền thoại này
Việc sử dụng mối quan hệ để mượn một sản phẩm KHÔNG ĐƯỢC PHÉP MẶC của Kim là hành động bôi bác, cố ý phá hoại một hiện vật lịch sử. Việc Kim chật vật khi ních tấm thân vào chiếc váy quá nhỏ so với mình, là lời báo hiệu đanh thép rằng cô - Kim Kardashian, vốn dĩ đã chẳng sinh ra để mặc vừa tấm váy này, dù hiểu theo nghĩa bóng hay nghĩa đen đi chăng nữa.
Ảnh: Tổng hợp