Chi tiêu tiết kiệm hơn trong đại dịch
Đại dịch Covid đã khiến nhiều người rơi vào trạng thái tài chính bấp bênh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp xảy ra trên toàn thế giới trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng chính trong khoảng thời gian “u ám” này, nhiều người ý thức hơn về tầm quan trọng của tài chính cá nhân.
Theo báo cáo ở Mỹ, vào tháng 3 năm 2021, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân - phản ánh tỷ lệ giữa tổng tiết kiệm cá nhân trừ thu nhập khả dụng - tăng lên 26,6%. Trong khi tiết kiệm tăng lên, chi tiêu tiêu dùng ít đi trong ngắn hạn, khi mọi người giữ nhiều tiền hơn. Lần cuối cùng tỷ lệ tiết kiệm đạt mức cao như vậy là vào tháng 4 năm 2020, khi nó chạm mức 33%. Mặc dù nó đã giảm dần trong 12 tháng, tỷ lệ này vẫn ở trên 12%, cao hơn so với mức trước đại dịch là dưới 10%.
Theo YouGov - công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế, 28% người tiêu dùng Việt Nam đã tăng mức tiết kiệm trong thời gian xảy ra đại dịch. Bên cạnh đó, hơn 53% người tiêu dùng Việt Nam cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hơn thế nữa, báo cáo về Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam năm 2021 thực hiện bởi Deloitte cho thấy người Việt đang có xu hướng dành nhiều ưu tiên chi tiêu vào các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, điều này đã phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong thời điểm bất ổn như dịch Covid.
Khi vừa bắt đầu dịch Covid, khi nhận thấy sự ảnh hưởng từ dịch Covid đến tài chính cá nhân, nhiều bạn trẻ đã tự hứa sẽ quan tâm và có những hành động thực tế đến chi tiêu của bản thân. Chẳng hạn, Nguyễn Mai Phương (26 tuổi), đang làm chuyên viên PR tại một công ty phần mềm ở Hà Nội đã chia sẻ vào năm 2020 rằng: "Bình thường mình chi tiêu từ 40 - 60% lương tháng. Từ khi có dịch, mọi hoạt động chi tiêu của mình đều giảm, do gần như đã không mua sắm những thứ như quần áo, giày dép, không đi chơi được đâu xa... Mình cũng chuyển từ chuyện hay đi ăn ngoài sang tự nấu nướng, tự pha cafe... nên chi phí cho việc ăn uống giảm đáng kể. Hai tháng mùa dịch, số tiền mình chi tiêu đã giảm chỉ còn khoảng 30% lương".
Tuy nhiên, khi trời nắng đẹp, người ta lại quên mất lời hứa trong giông bão
Dù đã nhận thức được tầm quan trọng khi trải qua những “đêm tối” khi vật giá leo thang, thu nhập bấp bênh do ảnh hưởng từ dịch, đến khi Covid ổn định, mở cửa trở lại, người ta dường như quên đi lời hứa của mình. Không khó để đọc những mẩu tin như người người đổ ra đường vào ngày đầu tiên hàng quán mở cửa trở lại. Thậm chí đến năm nay, dù chưa vào mùa du lịch cao điểm, sân bay cũng đã tấp nập, đông người ngay trong khi bão giá đang diễn ra.
Mai Ngọc, 23 tuổi, làm trong 1 công ty kiểm toán chia sẻ: “Trong 2 tháng vừa qua, mình đã chi tiêu gần 50 triệu đồng để đi du lịch. Động lực một phần từ việc đã có 2 năm bó chân ở nhà, một lý do khác là nhìn người khác đăng ảnh đi chơi, mình ở nhà không chịu được. Thế là mình đi không biết mệt mỏi, đến khi quay về thì thấy bản thân đã tiêu gần hết 4 tháng lương”.
Hay như vừa gần đây, Thượng Hải mở cửa trở lại, không khó để bắt gặp những cảnh tượng hàng dài người đứng xếp hàng vào trung tâm thương mại và các quán ăn. Yilian Fengyue Xian, để “phục thù” khoảng thời gian bí bách ở nhà không được vui chơi, cô đã chọn mua 4 cốc trà sữa, dù rõ ràng 1 người có thể không thưởng thức hết từng đó trà sữa trong 1 ngày.
Mọi người thường có những hành vi thay đổi đáng kể bởi cảm xúc bất ổn do Covid-19 gây ra, đặc biệt trong câu chuyện chi tiêu. Chẳng hạn, hành vi mua sắm trong cơn hoảng loạn được minh chứng bởi những người tiêu dùng dự trữ vô số các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như giấy vệ sinh và thực phẩm đóng hộp vì nỗi sợ hãi gây ra bởi sự không chắc chắn về việc khi nào đại dịch sẽ kết thúc vào năm 2020.
Bên cạnh đó, sau những ngày giãn cách mệt mỏi, nhiều người có xu hướng chi tiêu trả thù và mạnh tay mua những món đồ không cần thiết để giải tỏa cảm xúc bị đè nén và tiêu cực, kể cả mặt hàng xa xỉ. Những người không thể chi tiền cho việc đi du lịch, ăn uống hoặc mua sắm với quy mô như trước khi bùng phát Covid-19 đã phải chi tiêu mạnh tay để trả thù khi có cơ hội.
Tại sao bạn cảm thấy thôi thúc chi tiêu quá mức sau Covid-19?
Chi tiêu trả thù là một thuật ngữ được sử dụng để giải thích sự thôi thúc mọi người phải chi tiền để bù đắp cho 'thời gian đã mất'. "Xu hướng này thường diễn ra sau một sự kiện chưa từng có, chẳng hạn như đại dịch toàn cầu”, Ola Majekodunmi, người sáng lập All Things Money, chia sẻ với HelloGiggles. "Chúng ta làm điều đó vì muốn “tự thưởng” bản thân sau một năm khó khăn gần như không thể làm gì."
Theo Majekodunmi, thời gian qua đã tạo ra điều kiện hoàn hảo cho việc chi tiêu trả thù. “Covid đã ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau. Một mặt, mọi người cảm thấy chi tiêu của họ là hợp lý, ‘Chúng tôi đã cố gắng tiết kiệm trong một năm - chắc chắn chúng tôi có thể chi tiêu thêm một chút để bù đắp thời gian đã mất và điều trị cho bản thân.’ Mặt khác, chấn thương của đại dịch có thể tạo ra một loại bất cẩn với tiền bạc. ‘Chúng tôi đã thấy sự tàn phá mà đại dịch đã gây ra,’. Mọi người dần chấp nhận lập trường cuộc sống quá ngắn ngủi để sống tiết kiệm từng đồng”.
Thêm vào đó, tiêu tiền có thể giúp tâm trạng phấn chấn tạm thời nhưng có tác động đáng kể. Sau một giai đoạn đau thương, đại dịch kéo dài hàng năm và sự bế tắc trong tâm lý, nhiều người trong chúng ta khao khát cảm giác mãn nguyện. Theo Psychology Today, việc mua sắm kích hoạt đáng kể dopamine trong não của chúng ta. Cảm giác thực sự rất tốt khi mua sắm, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người sẵn sàng chi mạnh tay hơn sau một khoảng thời gian dài khó khăn như vậy.
Chi tiêu thêm một chút tiền sau đại dịch là điều tự nhiên và quan trọng để giúp nền kinh tế đi lên, vì hầu hết các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Song, đối với người tiêu dùng, điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa “vung tay” thêm một chút và chi tiêu tất cả tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn.
Nếu đang lo lắng về thói quen chi tiêu gần đây của mình, bạn nên xem xét mức chi tiêu so sánh của mình từ năm này sang năm khác. Bạn có thể biết liệu mình có trở thành nạn nhân của việc trả thù chi tiêu hay không nếu mức chi tiêu tăng lên đáng kể so với thói quen chi tiêu thông thường trước đại dịch.
Một dấu hiệu khác của thói quen tiêu tiền trả thù đang phát triển là bạn đang tiêu tiền vào những thứ không cần thiết mà bạn chưa từng mua trước đây. Bạn có đang đi chơi quá nhiều để gặp gỡ bạn bè hay bạn đang đặt nhiều đơn hàng hơn trên trang thương mại điện tử theo các đề xuất của nền tảng MXH?
Việc tâm lý bị ảnh hưởng, tác động 1 phần từ sự đẹp đẽ mà mỗi người thể hiện trên MXH đang khiến cho nhiều người quên đi những khó khăn bản thân đã phải trải qua khi nền tảng tài chính bị phá vỡ. Họ như đang bước lại 1 vòng lặp, tiếp tục đưa bản thân vào thế khó nếu 1 đại dịch tiếp theo xảy ra. Không phải là ngừng chi tiêu, chiều chuộng bản thân một chút không sao, nhưng đừng đánh đổi cả tương lai. Hãy học cách cẩn thận hơn với tài chính của bản thân.