Từ Libya, Syria tới Karabakh: Nga-Thổ thẳng tiến tới bờ vực chiến tranh?

QS | 02-11-2020 - 07:20 AM

(Tổ Quốc) - Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên căng thẳng sau một loạt cuộc đối đầu tại Trung Đông, Bắc Phi và nay là Caucasus.

Nga-Thổ xung đột lợi ích trên nhiều khu vực

Ngày 26/10, Nga được cho là đã tiến hành cuộc không kích nhằm vào một trại huấn luyện của lực lượng do Thổ hậu thuẫn tại Idlib đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Theo nhà phân tích Omer Ozkizilcik tại Ankara, cuộc không kích này nhằm phá vỡ ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Phản ứng trước vụ tấn công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo: "Cuộc không kích của Nga nhằm vào trung tâm huấn luyện của Quân đội Quốc gia Syria (SNA) là dấu hiệu cho thấy họ không muốn có hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực này".

Ngay ngày hôm sau, lực lượng phiến quân do Thổ hậu thuẫn, dưới sự bảo trợ của tổ chức Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NFL), đã phóng rocket và pháo kích vào các vị trí do quân chính phủ Syria nắm giữ nhằm trả đũa cuộc không kích chết người của Nga.

Theo nhà phân tích Andrew Leonard trên tờ EurAsian Times, sự gia tăng bạo lực gần đây được cho là sẽ gây nguy hiểm cho lệnh ngừng bắn chung Nga-Thổ. Lệnh ngừng bắn này từng bị phá vỡ vào hồi tháng Ba năm nay, khiến chiến dịch của quân chính phủ Syria, do Moscow hậu thuẫn, nhằm tái chiếm Idlib phải tạm ngưng.

Động thái gần đây của Moscow có thể thúc đẩy quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại các mối đe dọa ghi nhận ở biên giới phía nam của họ.

Nếu những gì diễn ra trong quá khứ cho thấy xu hướng trong tương lai thì Ankara có thể sẽ lặp lại Chiến dịch Lá chắn Mùa xuân và mang đạn dược, vũ khí hạng nặng cùng binh lính tràn vào bắc Syria.

Các cuộc tấn công liên tục sẽ buộc Moscow phải có bước đi liều lĩnh hơn ở Levant [thuật từ mô tả một khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải], nơi họ triển khai các khí tài quân sự trong hơn 5 năm qua.

Khả năng tính toán sai lầm gia tăng

Cuộc xung đột gần đây giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh đã kéo theo Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã đem sức nặng chính trị-quân sự đặt sau Azerbaijan và công khai ủng hộ Baku.

Với các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, Azerbaijan đã giành được ưu thế trong cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Cho đến nay, 3 thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 27/9.

Ngay sau thỏa thuận ngừng bắn ban đầu do Nga làm trung gian vào ngày 10/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố kêu gọi Armenia rút hoàn toàn khỏi khu vực Nagorno-Karabakh như một điều kiện tiên quyết các cuộc đàm phán hòa bình.

Lập trường này làm phức tạp thêm nỗ lực hòa giải do Nga dẫn đầu, không chỉ bởi nó ủng hộ việc loại bỏ triệt để hiện trạng đã được duy trì tại Nagorno-Karabakh trong 30 năm qua, mà còn nêu bật lập trường không khoan nhượng của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột.

Việc Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lên nắm quyền đã làm nhiễu tính toán của Nga trong việc quay trở lại quỹ đạo của quốc gia vệ tinh, mặc dù Moscow đã đạt được thành công nhỏ trong việc kiềm chế các chính sách nghiêng về phương Tây của ông Pashinyan. Xích mích giữa Moscow và Yerevan đã xuất hiện.

Nga tỏ ra kín tiếng với việc hỗ trợ Armenia trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Cho tới khi nào cuộc xung đột này chưa lan sâu vào trong lãnh thổ Armenia thì Điện Kremlin có vẻ không sẵn lòng dấn vào một cuộc xung đột ủy nhiệm khác với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì một khu vực có ít giá trị chiến lược đối với họ.

Cuộc can thiệp vũ trang nhằm thay mặt Armenia có thể sẽ buộc Moscow phải dàn mỏng trang bị khí tài hiện đang triển khai tại Syria, Libya và Ukraine. Tương tự, điều đó cũng khiến các đợt triển khai lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, Libya và đông Địa Trung Hải có nguy cơ gia tăng.

Ông Leonard nhận định, cách tiếp cận chặt chẽ của Nga đối với xung đột Nagorno-Karabakh có thể cho phép họ linh hoạt hơn trong việc vượt qua sự hậu thuẫn của Ankara đối với Baku trên các đấu trường khác.

Cuộc không kích gần đây nhằm vào lực lượng ủy nhiệm của Thổ ở bắc Syria dường như là một lời cảnh báo rằng Ankara nên giảm bớt sự hỗ trợ của họ đối với chiến dịch tấn công của Azerbaijan.

Tuy nhiên, Thổ cũng có thể kiểm soát chiến dịch tấn công Idlib của Moscow bằng cách tăng cường viện trợ quân sự cho Baku, khiến thế trận nghiêng hơn nữa về phía Azerbaijan, trong khi thúc đẩy bẩn ổn trong khu vực.

Và khi các lợi ích của Nga và Thổ xung đột trên các mặt trận chung, khả năng xảy ra những tính toán sai lầm về quân sự giữa hai đối thủ nặng ký sẽ tăng lên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM