Nhìn lại lịch sử Trung Hoa, không khó để nhận thấy mặc dù xã hội phong kiến tại nước này từng đặt nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, thế nhưng vẫn có không ít những người phụ nữ lại sở hữu quyền khuynh thiên hạ.
Trong số đó, không thể không nhắc tới tên tuổi của Từ Hi - vị Thái hậu từng nắm giữ quyền lực tối cao của vương triều Đại Thanh trong xấp xỉ nửa thế kỷ.
Sinh thời, Từ Hi là một người sở hữu năng lực và thủ đoạn hết sức cao minh. Đây là sự thật mà ít ai có thể phủ nhận được. Thế nhưng vị Thái hậu ấy cũng đã lưu lại không ít điều tiếng trong lịch sử.
Nhìn lại cuộc đời cầm quyền của Từ Hi, có thể thấy khi còn sống bà đã từng phạm phải không ít sai lầm trong việc hành xử, trị quốc. Trong số đó, có những chuyện mà cho tới ngày nay vẫn bị người đời không ngừng lên án.
Tiêu biểu phải kể tới sự kiện khi liên quân 8 nước đánh vào thành Bắc Kinh, Từ Hi đã bỏ lại tất cả để âm thầm trốn chạy.
Ở vào thời điểm vận nước nguy nan, một người nắm trong tay vận mệnh quốc gia và số mệnh của muôn vàn con dân như bà lại lựa chọn con đường ấy, quả thực khiến người ta không thể không chê trách.
Thế nhưng điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, vào thời điểm bỏ trốn, Từ Hi không mang theo thị vệ bên người, tuy nhiên bà lại không bị bất kỳ thế lực nào trừ khử.
Liệu rằng đâu là lý do mà Từ Hi có thể bảo toàn mạng sống trong một hoàn cảnh đặc biệt tới vậy?
Lợi dụng phong trào quần chúng để đấu đá với phương Tây, Từ Hi tự "lấy đá ghè chân mình"
Tranh chân dung Từ Hi Thái hậu.
Vào cuối thế kỷ thứ 19, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổi dậy và nhanh chóng trở thành một lực lượng không thể coi nhẹ.
Lúc đó, có không ít người đã gia nhập Nghĩa Hòa Đoàn, một mặt là bởi tổ chức này luôn đề cao công phu quyền cước của mình để thu hút quần chúng, mặt khác là bởi ngầm có được sự cho phép hoạt động của Từ Hi.
Theo Qulishi, trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, phàm là người phạm pháp thì chỉ cần nói rằng mình gia nhập Nghĩa Hòa Đoàn, nếu tội không quá nặng thì sẽ nhanh chóng được nha môn phóng thích.
Thế nhưng trên thực tế, sau sự thất bại của cải cách Mậu Tuất, các cường quốc lớn bắt đầu can thiệp vào ngày càng nhiều quyết định của nhà Thanh.
Những thế lực này muốn nâng đỡ và mua chuộc vua Quang Tự. Tuy nhiên điều đó lại đụng chạm tới lợi ích của vị Thái hậu nắm quyền khi đó là Từ Hi.
Trùng hợp là Nghĩa Hòa Đoàn lại phát triển lớn mạnh vào đúng lúc này, vì thế Từ Hi đã ngầm cho phép phong trào hoạt động để làm phân tán sự chú ý của các cường quốc.
Thế nhưng khi hết thảy mâu thuẫn đều bị đẩy tới cao trào, liên quân tám nước đã chính thức xâm lăng Trung Hoa. Và Nghĩa Hòa Đoàn chính là một trong những cái cớ để họ thực hiện hành động này.
Vào thời điểm người Tây phương chuẩn bị đánh tới kinh thành, Từ Hi là người hay tin dữ trước tiên, sau đó liền lập tức âm thầm đưa nhà vua chạy trốn.
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Căn cứ vào những ghi chép lịch sử, cuộc trốn chạy ấy vội vàng tới nỗi Thái hậu còn không kịp mang theo thị vệ.
Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, các thế lực thù địch đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một ấy một cách ngoạn mục, từ đó để Từ Hi có cơ hội bảo toàn mạng sống để vượt qua kiếp nạn này.
Nguyên nhân khiến Từ Hi thoát chết một cách ngoạn mục trên đường đào tẩu dù không mang theo thị vệ
Theo giải thích của Qulishi, nguyên nhân khiến cho Từ Hi không bị bất kỳ thế lực nào tranh thủ ám sát trong hoàn cảnh như vậy thực chất lại tương đối dễ hiểu.
Đầu tiên, sở dĩ Từ Hi chạy trốn mà không mang theo thị vệ là bởi vì muốn bảo mật tung tích, không để cho kẻ khác biết.
Hơn nữa hoàn cảnh lúc ấy quả thực quá mức hỗn loạn, Từ Hi vì cẩn thận nên mới chọn cách lặng lẽ rời đi.
Cho nên cuộc đào tẩu khỏi kinh thành lần ấy về cơ bản không mấy ai biết tới. Vì thế người muốn giết Từ Hi cũng khó nắm được hành tung của bà.
Điều dễ hiểu còn nằm ở chỗ, Từ Hi dẫu sao cũng là người thống trị đứng đầu Đại Thanh. Vì vậy dù không mang theo thị vệ thì rất có thể bên cạnh bà vẫn còn một vài cao thủ ẩn mình luôn âm thầm đi theo bảo vệ.
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Ngoại trừ những nguyên nhân nói trên, còn có một lý do hết sức dễ hiểu. Đó là Từ Hi dù không mang theo thị vệ chạy trốn, nhưng số lượng người đi cùng bà cũng không hề ít ỏi.
Chưa kể phía sau đoàn người của Từ Hi còn có lực lượng do em trai bà đi theo. Do đó dù là chuyện gì xảy ra thì Thái hậu vẫn sẽ có lực lượng tiếp viện tức thời.
Thông qua những phân tích trên đây, có thể thấy việc Từ Hi đào tẩu là chuyện không có mấy ai biết ở vào thời điểm bấy giờ, vì thế các thế lực thù địch mới bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này.
Thế nhưng dù cho có nắm được hành tung của Thái hậu và có đủ can đảm để ra tay thì sự thực là tỉ lệ hạ sát Từ Hi thành công cũng vẫn gần như là không thể.
*Dịch từ tư liệu nước ngoài