Mới đây, chuyên gia sức khỏe toàn cầu gốc Ấn Độ Anil Soni vừa được bổ nhiệm là CEO đầu tiên của quỹ tài chính mới thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí này từ ngày 1/1/2021.
Đây không phải là lần đầu tiên người gốc Ấn Độ nắm giữ vai trò lãnh đạo tại các công ty và tổ chức lớn trên toàn cầu. Tháng 2/2020, IBM cũng đã chọn ông Arvind Krishna cho vị trí CEO, còn WeWork cũng bổ nhiệm Sandeep Mathrani vào vị trí tương tự. Năm 2019, Gita Gopinath đã trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức kinh tế trưởng của IMF, và bà cũng là một người gốc Ấn Độ.
Ngoài ra, không thể không kể đến những gương mặt nổi trội khác như CEO Google Sundar Pichai, CEO Adobe Shantanu Narayen, CEO Microsoft Satya Nadella, CEO Nokia Rajeev Suri, CEO Deloitte Punit Renjen, CEO Mastercard Ajaypal "Ajay" Singh Banga,...
Trong số này, có người thực sự sinh ra tại Ấn Độ, có người chỉ là thế hệ hai của các gia đình nhập cư gốc Ấn. Tuy nhiên, họ vẫn thừa hưởng phần nào thói quen và tính cách mang đậm văn hóa Ấn Độ từ cha mẹ mình. Đây chính là một yếu tố quan trọng giúp những người này thành công trong lĩnh vực của mình.
Nữ kinh tế trưởng đầu tiên của IMF Gita Gopinath
1. Chấp nhận sự thay đổi, sẵn sàng đối mặt với giai đoạn bất ổn
Công ty nào rồi cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn và bất ổn. Tuy nhiên, cuộc sống ở Ấn Độ đã trang bị cho họ một tinh thần kiên cường để đối mặt với thách thức.
Quốc gia này có hơn 1 tỷ dân, với hàng tá ngôn ngữ khác nhau, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng đều. Mỗi ngã rẽ đều tiềm ẩn sự hoài nghi, chẳng hạn như sáng nay nước có chảy ra từ vòi để đánh răng không.
Nhờ vậy, người Ấn sở hữu tính kiên trì đáng nể, cũng như sẵn sàng chấp nhận mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Điều đó giúp họ thích nghi và kiên nhẫn khi phải đối mặt với các đổi mới và thách thức trong quá trình điều hành doanh nghiệp, tổ chức.
2. Khả năng quan sát bao quát
Khả năng dự đoán các yếu tố định hình thị trường là điều cần thiết ở mỗi nhà lãnh đạo. Người gốc Ấn được trang bị sẵn kỹ năng này, nhờ việc thu thập dữ liệu và liên tục (hoặc vô thức) lập kế hoạch dự phòng (như trong trường hợp nước không chảy ra từ vòi).
Khi xem xét tương lai của các trung tâm thương mại tại Mỹ, Mathrani - CEO mới của WeWork - phát biểu: “Bạn ngồi xuống và tự hỏi: Nếu có 1.100 trung tâm thương mại trên cả nước, ngành kinh tế này sẽ đi tới đâu về lâu dài? Nếu con số đó là 800, vậy bao nhiêu % trong số đó bạn muốn sở hữu. Do đó, tôi có thể thấy rằng những trung tâm thương mại tốt sẽ tiếp tục làm tốt, còn những nơi chất lượng thấp sẽ sớm biến mất”.
Rõ ràng, những chiến lược tốt cần kết hợp giữa dữ liệu và điều kiện thị trường hiện tại và tầm nhìn tương lai dài hạn của người lãnh đạo.
3. Khả năng tính toán số liệu
Dĩ nhiên, không phải người Ấn Độ nào cũng giỏi toán. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận vấn đề theo một cách khách.
Nếu bạn lớn lên tại một đất nước có hơn tỷ dân, mọi thứ đều mang tính xác suất. Xác suất để được đi học mẫu giáo, tới trường ngữ pháp, sau đó vào đại học. Xác suất để đạt được địa vị và thứ hạng trong lớp. Xác suất để tối ưu hóa điểm số nhằm học cao lên. Xác suất thi tuyển công chức vào các vị trí trong nhà nước. Xác suất để trúng visa ra nước ngoài.
Người gốc Ấn thường xuyên phải xem xét số liệu và thống kê mọi thứ để nắm chắc cơ hội của mình. Đây cũng là kỹ năng cần thiết mà các CEO cần phải có để điều hành doanh nghiệp, tổ chức.
Trong số các CEO được liệt kê ở trên, Pichai và Krishna đều là những sinh viên tốt nghiệp của Học viện Công nghệ Ấn Độ danh tiếng - một nhóm các trường đại học kỹ thuật có xác xuất trúng tuyển là 2%.
4. Học tập bằng phương pháp giáo dục STEM
Dân nhập cư gốc Ấn thuộc nhóm người có trình độ học vấn cao nhất nước Mỹ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2016, 77,5% số người gốc Ấn tại Mỹ có bằng cử nhân hoặc cao hơn - chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nước nhập cư. Trong khi đó, chỉ có 36,6% số người Mỹ bản địa làm được điều tương tự.
Ở trình độ sau đại học, lượng sinh viên gốc nhập cư hoặc đến từ nước ngoài đã lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực kỹ thuật và khoa học máy tính mà người Mỹ để lại, dù mức độ tăng trưởng đang chậm lại. Đây không chỉ là những kỹ năng giúp bạn lọt vào mắt xanh của các công ty công nghệ hàng đầu, mà còn hỗ trợ bạn trong nhiều lĩnh vực khác.
5. Văn hóa làm việc gia đình, với sự kèm cặp của “cha mẹ trực thăng”
“Cha mẹ trực thăng” là thuật ngữ dùng để chỉ kiểu cha mẹ luôn giám sát, bao bọc con như những chiếc trực thăng lượn trên đầu.
Khi Indra Nooyi được bổ nhiệm làm CEO của tập đoàn PepsiCo, nhiều người đã tới nhà mẹ đẻ của bà tại Ấn Độ để chúc mừng. Việc này đã khiến bà nảy ra một ý tưởng: viết thiệp cảm ơn và gửi tới cha mẹ của các nhân viên xuất sắc nhất tại Pepsi.
“Tôi được như ngày hôm nay nhờ sự nuôi dạy của cha mẹ”, bà nói. “Tôi chợt nhận ra, mình chưa từng cảm ơn cha mẹ của các nhân viên, bởi họ đã đem đến một món quà quý giá cho PepsiCo”.
Ngày nay, cha mẹ của thế hệ millennial can thiệp vào sự nghiệp của con cái nhiều hơn trước đây. Có lẽ, không ai có thể tưởng tượng được phản ứng của họ khi nhận được những lá thư cảm ơn như thế này.
Các công ty tại Ấn Độ - nơi từ lâu đã phục vụ trà trong phòng nghỉ, hoặc mời đồng nghiệp đến tham dự đám cưới chị gái sếp - đã đi trước một bước so với phương Tây trong việc xóa nhòa khoảng cách giữa công việc và gia đình.
6. Tính đa dạng trong môi trường làm việc
Lực lượng lao động và ban lãnh đạo đa dạng chưa bao giờ lại quan trọng đối với các công ty như lúc này.
Theo một khảo sát tiền hành bởi Deloitte (nơi cũng có CEO gốc Ấn), 69% số nhân viên nói rằng ban lãnh đạo đa dạng sẽ khiến môi trường làm việc năng động và truyền cảm hứng hơn. Điều này ngược hẳn với 43% số người cho rằng ban lãnh đạo không cần đa dạng.
Các CEO gốc Ấn kể trên chỉ là ngoại lệ. Tại các tập đoàn công nghệ, nhân viên gốc Á khá nhiều, nhưng không phải ai cũng có cơ hội nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, sự thành công của người Mỹ gốc Á một phần là nhờ người Mỹ da trắng cho họ nhiều cơ hội hơn, chấm dứt các hành vi phân biệt đối xử, trả lương công bằng và đối xử tôn trọng với họ.
CEO Microsoft Satya Nadella
8. Phong cách lãnh đạo đích thực và khả năng thích nghi
Trong thời đại ngày nay, chúng ta càng chú trọng vào phẩm chất và tính cách của một người thay vì sự thu hút của họ. Bà Indra Nooyi cũng nổi tiếng là một người sở hữu phong cách lãnh đạo đích thực.
Khi mới đến Mỹ vào năm 1978, cựu CEO của Pepsi rất nhớ môn thể thao cricket ở quê nhà. Vì vậy, bà đành phải khỏa lấp nỗi buồn này bằng cách… xem đội bóng chày Yankees thi đấu.
“Tôi đã khám phá ra điều đó trong lúc làm việc. Ngôn ngữ của công việc chính là thể thao”, nữ doanh nhân trả lời. “Mọi người ở công ty thích ngồi phân tích các trận đấu. Nếu không tham gia, chúng tôi sẽ cảm thấy lẻ loi. Vì thế, tôi đã kết hợp bộ môn thể thao này với ngôn ngữ công việc. Mọi thứ hóa ra rất hợp nhau”.
8. Quý trọng thời gian
Người Ấn Độ có khái niệm khá hay về thời gian đồng bộ và áp dụng nó tại nơi làm việc.
Thông thường, người Mỹ sẽ làm việc một cách tuần tự; công việc là công việc, cuộc sống là cuộc sống. Tuy nhiên, người Ấn lại suy nghĩ khác: “Khái niệm ‘thời gian’ được hiểu là cách chúng ta nhìn nhận dòng chảy của thời gian. Đó là một chuỗi những sự kiện diễn ra tuần tự, hãy xảy ra đồng bộ, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai đều liên quan tới nhau?”.
Lý thuyết này cũng phù hợp với cách tiếp cận công việc của CEO Microsoft Satya Nadella, giúp ông định nghĩa lại sự cân bằng. “Điều tôi đang cố gắng làm là dung hòa giữa sở thích và công việc”, ông nói. “Tôi con Microsoft là nền tảng để mình theo đuổi đam mê của bản thân. Điều đó đem lại cho tôi rất nhiều ý nghĩa, và với tôi, đó là hình thức thư giãn cơ bản nhất”.
9. Tin tưởng vào chế độ “trọng dụng nhân tài”
Việc một người nhập cư trở thành CEO của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 là điều hiếm có, nhưng hoàn toàn khả thi ở Mỹ. Các nhà đầu tư, các nhân viên và ngay cả các CEO đều tin rằng “nhân tài sẽ được trọng dụng”.
“Tôi thấy vinh dự khi được trao rất nhiều cơ hội và may mắn”, CEO WeWork Mathrani nói. “Giấc mơ Mỹ là có thực”.
Tuy nhiên, chính những người gốc Ấn như ông mới giúp điều đó trở thành hiện thực.
(Theo CNN)