Sau khi chiến dịch đặc biệt của Nga bắt đầu, không ai biết cuộc xung đột hiện tại sẽ kéo dài bao lâu hoặc làn sóng ảnh hưởng qua châu Âu hoặc phần còn lại của thế giới sẽ sâu đến mức nào.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến bước sang tháng thứ 3, hậu quả kinh tế từ cuộc xung đột ngày càng rõ ràng và triển vọng có vẻ không khả quan.
Trong bối cảnh vốn đã phức tạp của lạm phát toàn cầu cũng như giá lương thực và năng lượng tăng cao kèm theo hiện tượng chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau đại dịch Covid-19, cuộc chiến do Nga phát động đang làm trầm trọng thêm căng thẳng cung cầu, gây tổn hại đến tâm lý người tiêu dùng và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thị trường căng thẳng
Các thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục xoay quanh cuộc chiến khi nó bước sang giai đoạn thứ 2. Các nhà phân tích cho rằng "trận chiến giành Donbas" có thể quyết định kết quả của cả chiến dịch.
Các nhà đầu tư đang bối rối bởi lạm phát tăng vọt và tác động lớn của nó đối với tăng trưởng toàn cầu - Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ đạt 7,7% trong năm nay và 5,3% ở khu vực đồng euro. Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các đợt tăng lãi suất tích cực hơn để kiểm soát việc tăng giá, một động thái cũng có thể thúc đẩy bán tháo nhiều hơn ở các thị trường thế giới - theo IMF.
Tăng trưởng toàn cầu chịu ảnh hưởng
Dù điều gì xảy ra trên chiến tuyến trong vài ngày và vài tuần tới, những làn sóng ảnh hưởng từ cuộc xung đột sẽ tiếp tục đổ xuống toàn cầu. Cả Ngân hàng Thế giới và IMF đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu của họ.
IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023 vào hôm 20/4, nói rằng tác động kinh tế từ chiến dịch của Nga sẽ "lan tỏa sâu rộng, làm tăng thêm áp lực giá cả và làm trầm trọng thêm các thách thức chính sách".
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 gần một điểm phần trăm, từ 4,1% xuống 3,2%, với lý do áp lực mà chiến dịch của Nga áp lên nền kinh tế toàn cầu.
Cả hai tổ chức đều cho biết việc hạ dự báo của họ đã được đưa ra vì có những dự đoán rằng các cú sốc về nguồn cung sẽ gia tăng và giá hàng hóa - trong đó Nga và Ukraine là các nhà cung cấp chính - sẽ tăng đáng kể.
IMF cho biết: "Nga là nhà cung cấp dầu, khí đốt và kim loại chính, cùng với Ukraine, lúa mì và ngô. Nguồn cung các mặt hàng này giảm đã khiến giá của chúng tăng mạnh".
Jari Stehn, nhà kinh tế châu Âu tại Goldman Sachs, nói với CNBC rằng tác động của cuộc chiến đã và đang kìm hãm nền kinh tế châu Âu.
"Bức tranh toàn cảnh ở đây là nền kinh tế khu vực đồng euro đang chậm lại khá nhanh bởi vì chúng ta có lạm phát cao hơn nhiều, điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng, và giá năng lượng đang đè nặng lên các nhà sản xuất."
Thực phẩm tăng giá
Daniel Aminetzah, người đứng đầu Bộ phận Nông nghiệp và Hóa chất Thực hành của McKinsey, và Nicolas Denis, một đối tác của công ty này, đánh giá:
Khu vực Ukraine-Nga được coi là một trong số ít các "giỏ bánh mì" (hay các nhà sản xuất lương thực lớn) và đóng một vai trò quan trọng trên toàn thế giới. Hai nước này không chỉ là nhà xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa mì, mà còn là một trong những nhà cung cấp phân bón lớn toàn cầu.
"Có 6 vùng 'giỏ bánh mì' cung cấp khoảng 60% đến 70% hàng hóa nông nghiệp toàn cầu. Khu vực Ukraine-Nga chiếm khoảng 30% xuất khẩu lúa mì và 65% hướng dương toàn cầu. Do các thị trường ngày càng kết nối chặt chẽ với nhau, việc gián đoạn nguồn cung sẽ tạo ra một số tác động đến giá cả," ông Denis lưu ý.
"Nhìn xa hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, chúng tôi thấy rõ ràng cuộc xung đột này đã làm rung chuyển các trụ cột quan trọng của hệ thống lương thực trong bối cảnh vốn đã rất phức tạp" - Aminetzah nói.
"Trong hệ thống lương thực toàn cầu, các kịch bản cung - cầu trước đây hầu hết được xây dựng xung quanh thời tiết và các sự kiện liên quan đến nguồn cung khác... Nhưng giờ đây, chúng ta đang ở trong một tình huống không thể tưởng tượng được: một cuộc chiến quy mô như thế này ở châu Âu, tại một nguồn cung cấp lương thực quan trọng như vậy tại trung tâm - đặc biệt khi nói đến lúa mì và phân bón - như Biển Đen," ông nói thêm.
Sự bất ổn này sẽ bắt đầu tạo ra cái mà ông mô tả là "hiệu ứng đột ngột" trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Ông Aminetzah nói rằng rất khó để dự đoán đầy đủ các tác động, nhưng "cuộc khủng hoảng này sẽ có những ảnh hưởng thứ cấp rõ ràng đến các nước giỏ bánh mì khác, ví dụ như Brazil."
IMF cho biết giá lương thực tăng có thể gây ra một tác động đáng lo ngại khác. Quỹ này cảnh báo rằng "việc tăng giá lương thực và nhiên liệu cũng có thể làm tăng đáng kể viễn cảnh bất ổn xã hội ở các nước nghèo hơn."
"Ngay sau cuộc chiến, các điều kiện tài chính được thắt chặt đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Một số rủi ro về tài chính vẫn còn, làm tăng nguy cơ thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính toàn cầu cũng như dòng vốn ra" - IMF cho biết.
Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào thời gian cuộc chiến kéo dài bao lâu, và quy mô tàn phá và hậu quả gián tiếp mà nó gây ra.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng dừng cuộc chiến, bất chấp việc bị hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ dầu khí đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt khó có thể ngăn Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện các mục tiêu của ông ở nước láng giềng.