(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết phim. Các bạn lưu ý trước khi đọc)
Dù chỉ mới ra mắt, Extracurricular (Tựa Việt: Hoạt Động Ngoại Khóa) nhanh chóng trở thành một hiện tượng khi đoạt ngôi vị quán quân của Netflix trong nhiều ngày liên tiếp. Câu chuyện về cậu học sinh Ji Soo (Kim Dong Hee) buộc phải trở thành kẻ cầm đầu đường dây mại dâm khiến nhiều người liên tưởng đến con đường làm trùm tội phạm của thầy giáo Walter White (Bryan Cranston) trong series Breaking Bad đình đám.
"Extracurricular" mang nhiều nét tương đồng với "Breaking Bad".
Khi những tâm hồn thánh thiện bị vấy bẩn
Học đường lẽ ra phải là môi trường trong sạch và chuẩn mực nhất, bởi đó là nơi nuôi dưỡng những mầm non tương lai của cả nhân loại. Ấy vậy mà cả Extracurricular và Breaking đều là những tấn bi kịch bắt đầu từ chốn thiêng liêng ấy. Một thầy giáo dạy hóa, một cậu học sinh nuôi ước mơ vào đại học lại giống nhau đến lạ. Cả hai đều bị cuộc sống đầy nghịch cảnh dồn ép đến bước đường cùng, để rồi phải bỏ đi tâm hồn thánh thiện mà trở thành những tay tội phạm đáng ghê tởm.
Walter White buộc phải thành tội phạm chỉ vì muốn lo cho gia đình sau khi qua đời.
Walter White vốn là một giáo viên hóa tâm huyết sau hàng chục năm đứng trên bục giảng. Nhưng ngay khi bước qua tuổi 50, ông phát hiện ra bản thân bị ung thư phổi giai đoạn ba và chẳng còn nhiều thời gian sống. Trong khi đó, Walter còn cả một gia đình để chăm sóc. Cậu cả Walter White Jr. (RJ Mitte) thì bị liệt não dẫn đến chứng khó nói và phải chống nạn, còn cô vợ Skyler (Anna Gunn) thì đang mang thai đứa con thứ hai.
Trách nhiệm làm chồng làm cha, gánh nặng kinh tế, nỗi lo tương lai cùng cái chết đang đến gần khiến người thầy buộc phải phạm pháp vì một lý do rất đơn giản và dễ thông cảm: kiếm một số tiền lớn cho gia đình trước khi qua đời. Và chẳng có cách nào để Walter làm giàu nhanh hơn là điều chế ma túy đá tinh chất bằng chính những kiến thức hóa học có sẵn.
Ji Soo thì muốn hoàn thành ước mơ được vào đại học.
Về phần mình, số phận của Ji Soo ít nhiều thảm thương hơn khi bị cha mẹ bỏ rơi từ năm lớp 9. Ước mơ của cậu rất nhỏ bé và bình dị, đó là có thể tốt nghiệp, vào đại học, lấy vợ, sinh con, nuôi con rồi chết đi như bao người khác. Song, để thực hiện mong muốn "nhỏ nhoi" ấy, Ji Soo phải cần đến 90 triệu Won (hơn 1.7 tỷ đồng). Số tiền khổng lồ với một học sinh cấp 3 khiến cậu chẳng còn đường nào khác là trở thành kẻ môi giới mại dâm thông qua chiếc điện thoại di động luôn bên mình.
Có thể thấy, Walter và Ji Soo đều có bản chất thiện lương. Họ chẳng mong mỏi gì hơn một cuộc sống bình thường như hàng triệu người khác. Song, chính số phận nghiệt ngã hay sự lạnh lẽo của cuộc đời đã buộc những tâm hồn thánh thiện nhất phải vấy bẩn chỉ để có thể tồn tại hay chăm lo cho người mà họ yêu thương.
Họ không hề thuộc về thế giới tội phạm khắc nghiệt và tàn nhẫn
Một điểm thành công của cả hai loạt phim đình đám chính là việc liên tục tạo ra những nghịch cảnh đến nghẹt thở để dồn ép nhân vật vào bước đường cùng. Vốn chỉ muốn điều chế ma túy trong âm thầm để cậu học trò Jesse Pinkman (Aaron Paul) đi bán, Walter White dần phải đối mặt với vô số khó khăn trong "nghề". Từ những tay đầu nậu máu lạnh, sức ép từ Skyler hay sự nghi ngờ của cậu em DEA Hank Schrader (Dean Norris) khiến ông dần lấn sâu vào tội ác.
Walter bật khóc trong ngày đầu buộc phải giết người.
Trong khi đó, Ji Soo cũng liên tục gặp phải sóng gió như bị chính người cha đã bỏ rơi cướp hết số tiền dành dụm, bị cô bạn học giàu có Bae Gyu Ri (Park Joo Hyun) ép cho tham gia đường dây hay bị Kwak Ki Tae (Nam Yoon Soo) bắt nạt. Thế nhưng, đâu đó trong đó, khán giả vẫn nhận ra sự thiện lương của họ dẫu phải thực hiện hành vi tội ác.
Walter đã suy sụp và liên tục xin lỗi khi lần đầu tiên giết người còn Ji Soo thì bỏ mặc bản thân để lo cho những cô gái trong đường dây của mình. Phải chăng chính chút lòng tốt còn sót lại ấy đã khiến họ liên tục gặp trắc trở? Nếu tàn ác và nhẫn tâm hơn, cả hai có lẻ đã sớm trở thành những ông trùm mới của thế giới ngầm một cách dễ dàng.
Ji Soo luôn muốn bảo vệ những cô gái trong đường dây của mình.
Nhưng cũng vì lòng tốt ấy mà Walter và Ji Soo mới dễ dàng khiến người xem cảm thông và đau lòng vì những lần bị dồn ép vào bước đường cùng. Chúng ta thông cảm vì họ có thể dễ dàng vứt bỏ nhân tính để đỡ phải cực nhọc hơn nhưng chẳng ai làm thế. Tất cả những gì cả hai làm đều chỉ là bất đắc dĩ mà thôi.
Cuối cùng, cả hai bộ phim đều mang đến cái kết bi thương như hàm ý rằng sau tất cả, Walter và Ji Soo đều chẳng thuộc về thế giới ngầm khắc nghiệt này. Những người tốt như họ, lẽ ra xứng đáng được nhiều hơn, lẽ ra không nên bước vào con đường không lối về này.
Liệu Extracurricular có thể sánh ngang Breaking Bad?
Dù mới chỉ ra mắt mùa phim đầu tiên nhưng Extracurricular đã cho thấy một tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, series tới từ xứ sở kim chi vẫn còn nhiều điểm thua kém so với Breaking Bad. Đầu tiên là việc bộ phim không khắc họa được quá trình chuyển đổi từ một học sinh bình thường trở thành chủ đường dây gái gọi của Ji Soo. Đây là bước chuyển biến rất quan trọng mà Breaking Bad đã làm rất tốt khi Walter White từ một thầy giáo mẫu mực dần hóa tội phạm sừng sỏ. Ngoài ra, quá trình "hành nghề" của Ji Soo và nhóm bạn cũng tương đối dễ dàng khi ít khi vấp phải những tổ chức xã hội đen lớn mạnh hoạt động cùng "ngành". Tuy nhiên, với cái kết máu me và nhiều cơ hội, Netflix dễ dàng triển khai mùa phim tiếp theo và đi sâu khai thác những vấn đề trên.
Trailer phim "Extracurricular"
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.