Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền”

Hồng Đăng - Thuỳ Anh | 29-05-2022 - 21:37 PM

(Tổ Quốc) - Hơn 1 thập kỷ trước, khi còn là 9X Sóc Trăng đi tìm vùng đất gieo hạt giống ước mơ, Lâm Thành Kim lên Sài Gòn, chấp nhận làm công việc không lương để đổi lấy cơ hội. Hiện tại ở cột mốc 30 tuổi, anh sở hữu khối tài sản đáng gờm và tiếp tục hành trình đầy đam mê với ngành mỹ phẩm Việt.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 1.

19 tuổi từ Sóc Trăng lên Sài Gòn học tập, anh đã đặt viên gạch đầu tiên trên con đường sự nghiệp của mình thế nào?

Trong người tôi chảy cả hai dòng máu nghệ thuật và kinh doanh. Tôi nghĩ đó là may mắn của mình.

Tôi đam mê nghệ thuật từ nhỏ, nhưng sống ở quê, gia đình cũng không có nhiều mối quan hệ. Điều kiện gia đình không cho phép tôi theo đuổi con đường này ngay từ đầu. Với những người mông lung về cuộc đời như tôi, quản trị kinh doanh sẽ là phương án lựa chọn ngành học an toàn nhất.

Chưa kể, tôi biết mình ham kiếm tiền. Hồi học sinh, tôi từng trốn lên phòng tin học của trường để bán hàng online. Đó chỉ là những chiếc áo thun đơn giản, không phải cái gì to tát, nhưng là tiền đề đưa tôi đến với kinh doanh.

Sau đó, tôi quyết định lên Sài Gòn, học kinh doanh tại một trường quốc tế của Anh theo dạng hợp tác với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Việt Nam. Ngoài giờ lên lớp, tôi luôn xông xáo tham gia các sự kiện của trường, đồng thời tìm kiếm việc làm thêm.

May mắn, tôi gặp được một người bạn là nghệ sĩ, qua đó có cơ hội để va chạm với những công việc nghệ thuật đầu tiên, cũng như mở rộng các mối quan hệ.

Trong suốt 1 năm đầu tiên, tôi chỉ đi theo quan sát và hỗ trợ, không hề nhận bất cứ đồng lương nào. Dần dần, tôi có cơ hội làm việc cho các sự kiện vừa và nhỏ với tư cách cộng tác viên. Đó là may mắn để tôi có thể bắt đầu thực tập công việc thực tế sớm hơn bạn bè cùng trang lứa.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 2.

Vì sao anh chọn công việc không có thu nhập khi bản thân rất ham kiếm tiền?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, khi chưa xác định được giá trị bản thân sẽ đóng góp cho công việc, mình không có quyền yêu cầu được trả lương. Nếu đặt yếu tố kiếm tiền lên và yêu cầu phải có thù lao thì bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội.

Khi ai đó chấp nhận bỏ ra một số tiền để thuê nhân lực, họ có quyền lựa chọn phương án tốt nhất. Nếu là một người không có kinh nghiệm, bạn gần như không có gì để cạnh tranh với các đối thủ khác. Đó là một trong những yếu tố giúp tôi có được cơ hội phát triển sự nghiệp.

Làm được 1 năm, tôi có cơ hội mời ca sĩ Dương Triệu Vũ đến hát cho sự kiện của mình. Vì mới về Việt Nam và chưa có nhiều cộng sự, anh Vũ đã ngỏ ý muốn tôi tham gia hỗ trợ trong giai đoạn đó.

Đây là công việc chính thức đầu tiên của tôi ở tuổi 20-21. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng số tiền tôi kiếm được từ công việc này là khoảng 10-15 triệu VND. Đối với công việc làm thêm của một sinh viên cách đây 10 năm, con số này khá lớn.

21 tuổi vẫn còn làm công ăn lương cho nghệ sĩ, bước ngoặt nào đã giúp anh thành lập công ty riêng chỉ sau 3 năm?

Thời điểm đó, thông qua Dương Triệu Vũ, tôi lại có cơ hội được anh Đàm Vĩnh Hưng mời về hợp tác chính thức cho Công ty Tiếng Hát Việt.

Khi anh Hưng hỏi về mức lương mong muốn, tôi trả lời: "Em chưa biết giá trị của bản thân là bao nhiêu, nên em sẽ làm không công trong 3 tháng để thử việc. Sau 3 tháng đó, anh có thể đánh giá và đưa ra con số phù hợp với giá trị mà em mang lại". Điều bất ngờ là anh Hưng lập tức đồng ý. Sau một khoảng thời gian, tôi nhận mức lương chính thức gần 30 triệu VND.

Có thể nói anh Hưng là một người luôn "chơi đẹp". Khi nhận thấy tiềm năng và khát khao thành công trong tôi, anh đã động viên tôi mở công ty riêng. Anh không ngại hướng dẫn, giới thiệu các mối quan hệ, thậm chí còn giới thiệu cho tôi một số hợp đồng.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 3.

Bấy giờ, anh có gì trong tay để tin rằng mình sẽ khởi nghiệp thành công?

Với tôi, tiền đề để thành công đầu tiên phải nằm ở sự hiếu thắng.

Từ nhỏ, tôi đã hiểu rằng nền tảng của gia đình mình không quá tốt, trong khi mọi người xung quanh có vô vàn lợi thế. Điều đó càng thôi thúc tôi nỗ lực để đạt được vị trí tương tự.

Ngoài ra, tôi cũng là kiểu người sẵn sàng lao đi tìm kiếm các cơ hội dù lớn hay nhỏ.

Trước M.O.I, tôi từng mở một công ty tổ chức sự kiện. Dù mang đến nguồn thu nhập đủ tốt để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nó vẫn mới chỉ tạo ra được những giá trị nhất thời. Trong khi đó, xu hướng các doanh nghiêp hiện tại đã chuyển sang in-house marketing (đội ngũ marketing nội bộ), đối thủ cạnh tranh lại toàn là các công ty nước ngoài nhiều tiềm lực.

Nếu đi theo con đường cũ, tôi vẫn có thể sống tốt, nhưng đó không phải là bức tranh khả thi trong vòng 5-10 năm nữa. Vì vậy, tôi quyết định chia tay công ty sau 3 năm hoạt động để tìm cơ hội mới.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 4.

Hồ Ngọc Hà đã cùng Lâm Thành Kim tạo nên M.O.I như thế nào?

Thực ra, từ lâu tôi đã muốn tìm một người có cùng tư duy để hợp tác. Khi ấy, chị Hà lại đang chuyên tâm cho âm nhạc nên cả hai đều không biết ý định của đối phương.

Sau này, khi có dịp trò chuyện cùng nhau sau khi kết thúc một sự kiện, chị Hà mới chia sẻ mong muốn ra mắt một bộ sưu tập son dành cho người hâm mộ. Tôi chợt nghĩ: "Tại sao chỉ là một BST thôi, trong khi chị hoàn toàn đủ khả năng để tạo ra một thương hiệu mỹ phẩm có sức ảnh hưởng dành cho người Việt?".

Bản thân tôi cũng là người đam mê thời trang và cái đẹp.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền tây, trong đầu tôi luôn trăn trở một điều khi thấy những người phụ nữ xung quanh mình hiểu sai về hai chữ "hy sinh": hết lòng vì chồng con mà không dám chăm chút cho bản thân, để rồi dần mất đi sự tự tin. Tôi muốn thay đổi tư duy này, giúp phụ nữ Việt thêm yêu bản than họ hơn, sẵn sàng bước ra xã hội để đón nhận những cơ hội mới.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 5.

Vì sao lại là Hồ Ngọc Hà, mà không phải 1 cái tên khác?

Với 15 năm kinh nghiệm làm nghệ thuật là luôn được gọi là "trendsetter" – người tạo xu hướng tại Việt Nam, Hồ Ngọc Hà chắc chắn là lựa chọn tuyệt vời nhất để tôi hợp tác cùng tạo ra một thương hiệu dành cho người Việt. Với tôi, Hồ Ngọc Hà là hình mẫu hoàn hảo về mẫu phụ nữ tự tin, biết làm đẹp và không ngừng nâng tầm giá trị bản thân.

Hơn nữa, chị Hà cũng muốn tạo ra dòng sản phẩm tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Việt, đồng thời định nghĩa lại khái niệm "trang điểm" tại Việt Nam. Trang điểm không phải hóa trang để trở thành người hoàn toàn khác, mà là để làm cho các đường nét trên gương mặt hài hòa hơn.

Nghe xong, tôi gọi luôn luật sư để thảo hợp đồng và mang đến cho chị Hà ký vào sáng hôm sau nữa. Làm luôn thay vì nói miệng là cách tốt nhất để nắm bắt cơ hội. Và thế là M.O.I cosmetics ra đời với tên gọi Thương hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

 Bấy giờ, động lực nào thôi thúc anh mở công ty về mỹ phẩm?

Có ba yếu tố thôi thúc tôi đi theo con đường này.

Thứ nhất, tôi luôn muốn gắn bó với đam mê tạo ra "cái đẹp" của mình. Nghành mỹ phẩm là nơi để tôi có thể thoả mãn được cả 2 yếu tố về kinh doanh và nghệ thuật.

Cũng là nơi tôi có thể đóng góp được nhiều hơn cho sự tự tin và tự chủ của phụ nữ Việt.

Thứ hai, thị trường mỹ phẩm Việt Nam từng được định giá khoảng 2,3 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, chỉ có 10% thị phần thuộc về các thương hiệu nội địa. Tôi cho rằng điều này là chưa hợp lý, khi gần 90% người Việt Nam đang trả tiền cho những loại mỹ phẩm không dành cho mình, tức là không được sản xuất dựa trên khí hậu và đặc tính da của người Việt.

Khi mạng xã hội phát triển, nhu cầu về sản phẩm trang điểm của người tiêu dùng là rất lớn, tuy nhiên tại thời điểm đó Việt Nam lại chưa có bất kỳ một thương hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp nào được đầu tư và xây dựng bài bản.

Thứ ba, tôi muốn thay đổi quan điểm tiêu dùng của người Việt. Làm sao có thể nói dân mình "sính ngoại", khi mà rõ ràng là chúng ta chưa có những thương hiệu mỹ phẩm dành riêng cho người Việt đủ sức cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã và cả giá thành?

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 6.

Khó khăn nhất lúc ban đầu là gì?

Thành lập công ty thì dễ, tìm kiếm nhà sản xuất mới khó.

Chúng tôi đặt ra tiêu chí: sản phẩm là của Việt Nam nhưng vẫn phải cập nhật những công nghệ và xu hướng hiện đại nhất. Các nhà máy nội địa tuy đủ nguồn nhân lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng, nhưng vẫn có độ trễ nhất định so với xu hướng thế giới. Do đó, M.O.I phải tìm đến các nhà sản xuất Hàn Quốc.

Ban đầu, nhà máy không hứng thú với đơn hàng của chúng tôi do số lượng sản phẩm quá ít. Phải tới hơn 50 chiếc email được gửi đi, họ mới gật đầu với con số hấp dẫn hơn là 100.000 thỏi son. Rốt cuộc, toàn bộ sản phẩm mà chúng tôi dự tính bán trong 3 – 6 tháng đã được dọn sạch kho chỉ sau 1 tuần ra mắt.

Điều đó đồng nghĩa với việc sau đó M.O.I không còn hàng để bán?

Chính xác. Thành công đầu tiên chính là nguy hiểm lớn nhất. Mỗi lần đặt hàng, chúng tôi phải đợi 3-6 tháng cộng với thời gian vận chuyển từ Hàn Quốc về. Chưa kể, các sản phẩm của M.O.I đều được thiết kế riêng, nên càng mất nhiều thời gian.

Trong 2-3 tháng tiếp theo, công ty hoàn toàn không có doanh thu. Khách muốn mua cũng chẳng còn hàng để bán. Điều này đã phần nào ảnh hưởng lớn đến cả quá trình hoạt động.

Đến lần thứ hai, điều tôi lo lắng không phải là không bán được hàng, mà là khách chỉ tò mò về Hồ Ngọc Hà chứ không có nhu cầu thực tế sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt. May mắn là sau đó son vẫn bán đều đều (cười).

Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi thường xuyên lắng nghe và tiếp thu kịp thời các phản hồi từ khách hàng để điều chỉnh lại cùng nhà máy. Tôi luôn mong muốn cung cấp những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 7.

Ở thời điểm bắt đầu, anh đã nhìn thấy tương lai xa hơn 5-10 năm của M.O.I chưa?

Ban đầu, tôi đặt tầm nhìn khoảng 2-3 năm. Tôi hình dung được những sản phẩm sẽ ra mắt trong tương lai, nhưng vẫn cần thêm số liệu để hoạch định chiến lược.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ. Ngay khi thấy Trung Quốc thực hiện "giãn cách xã hội", đội ngũ ban giám đốc của M.O.I đã sớm nhìn thấy nguy cơ tại Việt Nam. Nếu khách hàng phải đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài, dĩ nhiên M.O.I không thể tiếp tục đẩy mạnh các dòng sản phẩm trang điểm nữa.

Dự đoán dòng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại nhà sẽ lên ngôi, chúng tôi tập trung sản xuất mặt nạ gạo. Các founder gần như làm việc không nghỉ trong suốt mùa Tết 2020.

Rốt cuộc, M.O.I đã kịp ra mắt sản phẩm mới trước khi dịch bùng phát tại Việt Nam vào tháng 4/2020. Chúng tôi đã bán được 98.000 chiếc mặt nạ chỉ trong tháng đầu tiên. Đây cũng là sản phẩm "bò sữa" của công ty trong suốt 2 năm qua.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 8.

Sau 4 năm đồng hành, những con số mà M.O.I thu về có khiến anh hài lòng không?

Từ lúc bắt đầu, tôi và đội ngũ của mình đã tin tưởng vào con đường và mục tiêu mình theo đuổi. Trong năm đầu tiên, doanh thu của công ty đã đạt được 30 tỷ VNĐ. Tuy nhiên, tôi và chị Hà đều thống nhất rằng không đặt lợi nhuận mà đặt giá trị thương hiệu lên cao nhất. Chúng tôi đầu tư cho khâu tiếp thị rất nhiều, chiếm gần 30% doanh thu năm đầu tiên. Và điều đó đã đúng khi 2 năm sau đó M.O.I đều đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 3 chữ số.

Năm 2021, ngoại trừ 6 tháng đóng cửa hoàn toàn vì giãn cách xã hội, còn lại chúng tôi đều hoàn thành chỉ tiêu mà công ty đề ra, chỉ số tăng trưởng cũng rất tốt.

Trong quá trình đó, anh thấy đâu là điều khó nhất khi thay đổi tư duy của người tiêu dùng Việt Nam?

Tôi thấy rằng người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm nội địa, nhưng chúng phải khác biệt và xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra. Chúng ta không thể trông chờ người tiêu dùng chi trả cho một sản phẩm nào đó chỉ vì tinh thần dân tộc.

Vì thế, ngay từ đầu, tôi đã tạo ra sự khác biệt bằng cách đem đến một dòng mỹ phẩm dành riêng cho người Việt Nam. M.O.I cũng chú trọng xây dựng câu chuyện sau mỗi sản phẩm, thiết kế bao bì để gây ấn tượng với khách hàng.

Từ cậu sinh viên đi làm không lương cho Mr Đàm tới CEO M.O.I, Lâm Thành Kim khẳng định: “Tôi mê kiếm tiền” - Ảnh 9.

Sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài có giá phải chăng hơn có tạo áp lực lên anh và các cộng sự không?

Thực chất, cạnh tranh mới là yếu tố thúc đẩy M.O.I liên tục lắng nghe và sáng tạo.

Với tôi, việc dẫn dắt đội ngũ, hoạch định chiến lược và tiếp cận khách hàng để tạo ra sản phẩm phù hợp nhất còn đáng lo hơn nhiều.

Là "đầu tàu", tôi mang rất nhiều trọng trách và phải nâng cấp bản thân mình thường xuyên: vừa bắt kịp xu hướng, vừa giữ vững tinh thần của thương hiệu, vừa mở rộng tệp khách hàng để đảm bảo doanh số.

Đã 11 năm trôi qua kể từ ngày anh "tay trắng" lên Sài Gòn lập nghiệp. Là một người theo đuổi thành công đam mê của mình, anh có lời nhắn nhủ nào đến những bạn trẻ đang ở hoàn cảnh tương tự không?

Điều đầu tiên là phải thực tế với bản thân. Đương nhiên, bạn cần tự tin vào khả năng của chính mình, nhưng đồng thời cũng phải biết chấp nhận những điểm yếu của bản thân.

Ngoài ra, sự liều lĩnh phải đi đôi với trách nhiệm. Bạn cần sự liều lĩnh và ngông cuồng để tạo nên sự khác biệt, nhưng cũng phải biết chịu trách nhiệm để làm hài lòng những đối tác của mình. Nếu không, bạn sẽ chẳng thể có nổi cơ hội tiếp theo.

Bên cạnh đó, đầu tư cho bản thân cũng là việc rất quan trọng. Sau một thời gian dài tập trung hết sức cho công việc, bạn nên dành thời gian để học hỏi và "nâng cấp" bản thân trở thành phiên bản tự tin nhất của chính mình.

Còn tôi đang cố gắng cập nhật và nâng cấp "phần mềm lẫn phần cứng" của mình thường xuyên và vẫn nhắc nhở bản thân "mình phải làm giàu" mỗi ngày (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Hồng Đăng - Thuỳ Anh
Hải An
Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Có một nơi chốn lưu giữ hàng triệu nụ cười Việt Nam!

Nụ cười giòn tan bên bạn bè, nụ cười e ấp của buổi hẹn hò đầu tiên, ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ được mẹ đưa đi khu vui chơi hay nụ cười đoàn viên của các gia đình bên nhau - Bao nhiêu ký ức rực rỡ của chúng ta đã được lưu giữ trọn vẹn ở Vincom suốt 20 năm qua...