Từ câu chuyện của 2 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nhìn rõ 3 'trụ cột' giảm nhẹ nỗi khổ tinh thần khi mắc ung thư

BS.TS. Phạm Nguyên Quý | 09-10-2021 - 16:55 PM

(Tổ Quốc) - Bệnh ung thư gây ra nhiều khổ đau cho bệnh nhân, đặc biệt là những thống khổ trong tâm hồn.

Con người lúc cực khổ quá sẽ có xu hướng muốn bỏ đi tất cả, vất hết những thứ xung quanh mình. Tuy nhiên, vẫn có những người không từ bỏ và cố gắng sống. Sự khác nhau nằm ở đâu?

Một bác sĩ người Nhật tên là Ozawa Taketoshi đã viết rằng có ba "cột trụ" giúp chúng ta có sự bình tâm để sống tiếp. Đó là Thời gian, Sự tự chủ và Quan hệ. Đó là vì có thời gian thực hiện các mục tiêu trong tương lai, có mối quan hệ tốt với ai đó và được tự do quyết định việc của mình thì con người mới tồn tại an nhiên. Nếu ba cột trụ này vững chãi thì tâm hồn sẽ sớm thấy bình yên khi gặp những trắc trở trong cuộc sống.

Trong bệnh ung thư, những trụ cột này sẽ bị suy yếu và gãy mất.

Mất đi cột trụ Thời gian là mất đi ước mơ tương lai. Ai trong chúng ta cũng có những ước mơ và những mục tiêu để cố gắng sống. Mất đi mục tiêu, con người ta có thể không còn muốn sống nữa. Mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư là một trong những lý do chính làm giảm thời gian sống và làm ước mơ tan tành.

Nếu bác sĩ nói rằng "Anh/chị chỉ còn sống độ một năm nữa", chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy nghẹn ngào ngạt thở rồi. Trên thực tế, "Có sống tiếp nữa cũng vô nghĩa", "Tôi đã mất hết hi vọng",… là những cảm xúc mà nhiều bệnh nhân ung thư bày tỏ. Gãy mất chân trụ thời gian, mất đi ước mơ tương lai là một nỗi đau tinh thần.

Mất đi cột trụ Tự chủ là mất đi quyền kiểm soát và quyết định những công việc của mình. Điều này cũng liên quan tới sự Tự do vì người bệnh thường bị hạn chế đủ thứ, từ lựa chọn công việc, tiếp tục hoạt động yêu thích cho đến việc chọn lựa bạn đời. Khi bệnh tiến triển, người bệnh còn có thể bị mất tự do đi lại, mất khả năng tự chăm sóc bản thân và trở nên phụ thuộc vào người xung quanh. Đôi khi, người bệnh nghĩ rằng "Mình thật là vô dụng!", vì bản thân không còn làm được những điều đã từng làm. Khi mất đi sự tự chủ và tự do, nhiều người cảm thấy đau khổ tột cùng vì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Mất tự chủ là một nỗi đau tinh thần khó chữa.

Mất đi cột trụ Quan hệ là mất đi mối liên kết với những người thân yêu xung quanh. Chúng ta tồn tại được cho tới ngày hôm nay, thật ra là nhờ vào rất nhiều mối quan hệ mà đôi khi chỉ nhận ra sự quan trọng của chúng khi sắp mất. Bệnh ung thư và điều trị ung thư thường làm giảm thời gian và cơ hội giao du với bạn bè và cảm giác kinh khủng nhất có lẽ là khi phải chia tay những người mình yêu thương. Người ở lại buồn phiền mà người ra đi cũng đau khổ. Mất đi trụ cột quan hệ cũng là một nỗi đau tinh thần chính yếu.

Nỗi đau tâm hồn do đời sống ngắn ngủi thường xảy ra, nặng nề hơn khi 3 cột trụ này bị nứt gãy.

Đối với những bệnh nhân có thể trạng yếu ớt, việc khích lệ "Hãy cố gắng lên! Rồi sẽ khỏe lại thôi!" thường không có tác dụng và ngày càng khó nói. Nhiều bác sĩ ngại nói chuyện với bệnh nhân và gia đình do không kiếm được cách nào để đối mặt với sự suy sụp tinh thần này.

Thay vì khích lệ một cách sáo rỗng, hãy tập trung sửa chữa những cột trụ để làm cái bàn vững hơn. Cần lưu ý rằng không có công thức chung cho tất cả mọi người và mỗi bệnh nhân sẽ cần một kiểu hỗ trợ khác nhau. Một cách tốt cho người này có thể không phù hợp với người khác và cần phải lắng nghe tìm hiểu kỹ lưỡng từ người bệnh mới mong tìm ra cách xử trí thích hợp.

Xin kể thêm hai câu chuyện dưới đây để cùng suy ngẫm.

Câu chuyện số 1: Xem trọng hiện tại và tình thương con người

Một bệnh nhân 62 tuổi bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn và bác sĩ đã nói rằng khó mà điều trị tích cực được nữa. Ông đã bị sốc nặng, không tin vào sự thật đó và trải qua nhiều cung bật cảm xúc khác nhau. Sau những ngày đó, ông dần dần chấp nhận thực tại và nhận ra mình không còn là mình như trước đây nữa.

Cũng là cảnh vật đó, con đường quen thuộc đó nhưng mọi thứ lại trở nên đặc biệt hơn đối với ông. Mỗi khi đi ra ngoài, thay vì đi hối hả cho nhanh, giờ ông chỉ muốn đi chậm lại để cảm nhận cuộc sống nhiều hơn.

Nhờ đó, ông mới để ý tới những cây con bé xíu bên vệ đường, dù chen giữa sỏi đá vẫn vươn mình nở hoa rực rỡ. Mỗi một bông hoa có vẻ đẹp riêng mà trước đây khi còn khỏe ông sẽ chẳng bao giờ ngó tới. Những điệu nhạc, lời ca trước giờ ông chỉ nghe lướt qua nhưng hiện tại thấy hay hơn, có khi làm ông bật khóc.

Ông cũng nhận ra việc gặp gỡ, chung sống với gia đình này là một điều kỳ diệu, và cần phải coi trọng từng giây phút này. Cùng ngồi ăn tối, cùng xem đá bóng, cùng ngủ với nhau, cùng cười và cùng khóc với nhau…

Những thứ có vẻ như hiển nhiên đấy lại thật quan trọng và ý nghĩa! Ông bắt đầu biết cảm ơn cuộc sống, cảm ơn những hạnh phúc "tầm thường" mà trước giờ ông không hề xem trọng. Việc ở đấu đá ở công ty hay cạnh tranh bán hàng nhằm mưu cầu danh lợi trở thành nhảm nhí phù du. Đối với ông, tình yêu thương giữa con người với nhau trở thành chuyện ưu tiên nhất.

Rốt cuộc, thời gian sống có thể hữu hạn, nhưng việc cùng với gia đình và bè bạn trải qua những khoảnh khắc ý nghĩa, xem trọng hiện tại mới là điều ông nhận ra là cần làm nhất. Nghĩ được như vậy, ông không còn thấy bất an lo lắng nữa. Ông đã có sự tĩnh tại trong tâm hồn mà trước đây chưa bao giờ có. Những đau khổ tâm hồn đã được giảm nhẹ nhờ xây cột trụ quan hệ to hơn và mạnh hơn.

Ví dụ thứ 2: Phía bên kia vẫn có tương lai

Một bệnh nhân nữ đã làm đủ mọi cách để tiếp tục chữa trị. Đã có những lúc khối u nhỏ đi và bà đã có thể quay lại công việc và đi du lịch với gia đình. Tuy nhiên, bệnh dần nặng thêm và một ngày nọ, bà nhận thấy mình không thể sinh hoạt ở nhà được nữa.

Bà vào khoa chăm sóc giảm nhẹ và ngày nào người nhà cũng vào thăm. Dần dà việc ăn uống khó hơn, đến một ngày bà không còn nuốt được nữa và thời gian còn lại có lẽ chỉ tính bằng tuần.

Tuy nhiên, bà vẫn tin rằng dù chết đi mình vẫn tiếp tục kết nối với gia đình thương yêu. Bằng việc tin rằng việc gặp và cưới chồng, việc sinh con và sống cùng con trong cõi đời này là một lương duyên, bà nghĩ rằng những mối quan hệ đó sẽ là vĩnh viễn.

Bà nghĩ rằng chết không phải là hết mà chỉ là tới một thế giới khác để từ đó bảo vệ gia đình này theo cách khác thôi. Nhờ đó mà tâm trí bà trở nên thanh thản ngay cả những lúc cơ thể suy yếu. Nhờ tin rằng bên kia thế giới vẫn còn có tương lai, bà đã tự sửa được chân trụ thời gian bị gãy của mình .

Tóm lại, con người cần được nâng đỡ để tồn tại an nhiên. Nhiều bác sĩ ung thư và chăm sóc giảm nhẹ cùng nhận định rằng trong 3 cột trụ thì Thời gian và Sự Tự chủ sẽ lần lượt gãy mất đi nhưng Quan hệ là thứ còn lại cuối cùng với người bệnh. Hãy thương yêu quan tâm người bệnh vì đây là cột trụ cuối cùng để nâng đỡ và giúp họ vượt qua những ngày gian khó.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM