Từ 'bài học đắt giá' ở BV Bạch Mai: Một loạt bệnh viện đã dựng “vành đai” chống dịch xâm nhập như thế nào?

Ngọc Minh | 09-04-2020 - 17:24 PM

(Tổ Quốc) - Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến mới rất phức tạp, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám, chữa bệnh và ngược lại.

"Bài học đắt giá"

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có các ổ dịch như ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai khiến bệnh viện phải tạm đóng cửa.

Một số bệnh viện khác như: Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Việt Pháp, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Bệnh viện đa khoa Hà Nam... nhân viên y tế đã phải cách ly do có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh Covid-19.

Khi một bệnh viện đóng cửa nhân viên y tế phải cách ly thì rất nguy hiểm vì nhiều bệnh nhân có các bệnh nguy cấp khác có thể không được cứu chữa kịp thời và có thể bị tử vong. Đặc biệt các bác sĩ giỏi có thể bị cách ly không thực hiện được chức năng của mình. Việc ngăn ngừa dịch Covid-19 thâm nhập vào cơ sở y tế là việc cực kỳ quan trọng để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế.

Từ bài học đắt giá ở BV Bạch Mai: Một loạt bệnh viện đã dựng “vành đai” chống dịch xâm nhập như thế nào? - Ảnh 1.

Các bệnh viện đồng loạt nâng cấp phòng ngừa dịch xâm nhập, ảnh minh hoạ.

ThS BS. Âu Thanh Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Tại thời điểm hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã có trong cộng đồng yếu tố dịch tễ khó xác nhận. Bản thân người bệnh tới điều trị tại cơ sở y tế họ cũng không hề biết có mắc bệnh hay không.

Vì vậy tại các cơ sở y tế nếu không sàng lọc tốt sẽ xuất hiện các ca bệnh và lây nhiễm chéo. Bài học đắt giá từ Bệnh viện Bạch Mai là lời cảnh báo cho các cơ sở y tế cần phải sàng lọc thật kỹ bệnh nhân khi tới khám".

Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 thâm nhập vào cơ sở y tế, Đại học Y Dược TP.HCM đã có nhiều biện pháp nâng cấp hơn so với giai đoạn trước.

"Việc nâng cấp các biện pháp y tế trong bệnh viện là rất cần thiết để việc phòng chống dịch bệnh được hiệu quả. Đối với các cơ sở y tế sẽ tạo được vành đai bảo vệ cơ sở y tế, bảo vệ bệnh nhân đang điều trị", bác sĩ Tùng nói.

Theo đó, bệnh viện quy định một bệnh nhân nằm nội trú chỉ có một người chăm nuôi. Người chăm nuôi bệnh nhân được sàng lọc và điều tra dịch tễ. Trong trường hợp người chăm nuôi bệnh nhân thay đổi, bệnh viện sẽ thực hiện sàng lọc loại trừ nguy cơ. Thời điểm này bệnh viện cũng khuyến cáo người thân không vào thăm bệnh nhân trong bệnh viện.

Tại mỗi buồng bệnh, bệnh viện đã thực hiện giãn cách giường nằm của mỗi bệnh nhân điều trị là 2m. Các nhân sự của khoa phòng được bố trí luân phiên làm việc để dự phòng tình huống xấu có ca bệnh, khoa vẫn còn bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh viện đã có thêm khu vực dành riêng cho những bệnh nhân không có yếu tố nghi ngờ, nhưng có triệu chứng của đường hô hấp trên hoặc hô hấp dưới mà chưa loại trừ được tác nhân gây bệnh. Khu vực này các nhân viên y tế được trang bị biện pháp phòng cá nhân đúng quy định và người bệnh sẽ được xét nghiệm.

Bác sĩ Thanh Tùng cho hay: "Tất cả các trường hợp người bệnh đến bệnh viện tại thời điểm này nếu đến đều được xét nghiệm sàng . Sau 4-5 tiếng có kết quả các trường hợp âm tính sẽ chuyển tới chuyên khoa các ca dương tính chuyển bệnh viện nhiệt đới".

Khoa phòng nào ở khoa phòng đó

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) nơi đã từng tiếp nhận bệnh 237 (người Thụy Điển) mắc Covid-19. Sau khi bệnh nhân số 237 có kết quả dương tính, bệnh viện đã rà soát có18 thầy thuốc của bệnh viện có tiếp xúc gần với bệnh nhân 237 người Thụy Điển đều cho kết quả 2 lần xét nghiệm âm tính với Virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19.

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, hiện bệnh viện đã nâng cấp mức độ sàng lọc bệnh nhân Covid-19. Tất cả các bệnh nhân và người nhà sẽ được cặp đo nhiệt độ ngày từ cổng vào của bệnh viện. Các trường hợp bệnh nhân người nhà khi tới bệnh viện đều phải thực hiện khai báo y tế; nhân viên y tế sẽ khuyến cáo người bệnh và người nhà tới khám bệnh ngồi cách xa trên 2m.

Bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc đặt lịch khám như hẹn ngày, hẹn giờ cho bệnh nhân tới khám để giảm lưu lượng bệnh nhân dồn tới viện cũng một lúc.

"Khuyến cáo bệnh nhân nội trú và người nhà không tới thăm, chơi. Người nuôi bệnh nhân được hạn chế tối đa. Bệnh viện đang có 200 bệnh nhân nội trú thì chỉ có 160 bệnh nhân có người nhà chăm sóc. Các bệnh nhân còn lại sẽ được nhân viên y tế chăm sóc.

Các bệnh nhân khi tới bệnh viện sẽ ăn 100% tại bệnh viện, khuyến cáo nhận bệnh nhân không mang đồ ăn từ nhà. Bệnh viện đã chỉ đạo khoa dinh dưỡng vào cuộc để bảo chất lượng bữa ăn, an toàn vệ sinh cho bệnh nhân", ông Thường nói.

Các khoa phòng hiện nay của bệnh viện đã thực hiện đóng cửa ra vào theo phương châm khoa nào ở khoa đó. Các nhân viên tại các khoa cũng hạn chế sang các khoa khác.

Ông Thường cho hay: "Nhân viên trong 1 khoa được chia thành tua để đi làm giả sử có bệnh nhân dương tính trong khoa sẽ chỉ mất 1 tua phải cách ly. Việc này đảm bảo được hoạt động của khoa và bệnh viện".

Tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội nơi bệnh nhân 243 (tại Mê Linh, Hà Nội) đã từng đến và có tiếp xúc gần với nhân viên y tế của bệnh viện. Sau khi sự việc trên xảy ra Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã nâng cấp các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Hẹn lịch khám dưới nhiều hình thức: Gọi điện thoại đến tổng đài 1900- 6922; Đặt khám qua website; Tải app đặt khám của bệnh viện.

Tất cả bệnh nhân và người nhà khi tới khám đều phải khai báo trung thực các yếu tố dịch tễ; ​Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh khi đến quầy tiếp đón; ​Chấp hành nghiêm túc đo nhiệt độ tại cửa sàng lọc…

Trước nguy cơ bệnh Covid-19 có thể thâm nhập vào các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã gửi công văn hỏa tốc số 1898/CĐ-BCĐQG : Về việc tiếp tục tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó các cơ sở y tế phải nghiêm túc thực hiện 6 hướng dẫn sau:

1. Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.

2. Khẩn trương rà soát việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19 theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 1385/CV-BCĐQG ngày 19/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc "rút kinh nghiệm tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp…".

Tập huấn và triển khai việc sàng lọc người nghi nhiễm cẩn thận. Bảo đảm tất cả người bệnh, người nhà người bệnh đều phải được mang khẩu trang và vệ sinh tay đúng quy định ngay từ nơi tiếp nhận.

3. Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm Covid-19.4.

Dựa trên tình hình thực tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí các phòng khám theo nguyên tắc ở khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú; phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm vào các khu bên trong.

5. Các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh. Giãn, hoãn việc mổ phiên các trường hợp trì hoãn được.

6. Rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh trong giai đoạn chống dịch hiện nay và nếu có diễn biến tăng lên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM