Là một bác sĩ luôn luôn nghĩ tới cộng đồng, bác sĩ Trần Quốc Khánh, hiện đang công tác tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, luôn đem những trải nghiệm của mình để cảnh báo mọi người về ý thức giữ gìn sức khoẻ. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bác sĩ "triệu like" cũng đã "rút ruột" chia sẻ với mọi người về thói quen đi kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, tránh để xảy ra những trường hợp sức khoẻ xấu mới đi khám bệnh vì khi ấy khó có bác sĩ nào có thể giúp chúng ta được nữa.
"Viết cho ngày truyền thống 27/2!
"Từ bé đến giờ đây mới là lần đầu tiên tôi đi viện…", nào ai biết, chuyến đi này cũng là lần đi cuối…
Trong tuần qua, tôi thăm khám rất nhiều bệnh nhân, tuy nhiên ám ảnh nhất đó là ba trường hợp hơn 50 tuổi, anh chị ạ. Bệnh nhân đến viện vì đau lưng, tuy nhiên sau khi thăm khám chụp chiếu cho thấy cột sống đã bị những tế bào u di căn phá huỷ đa tầng, tổn thương còn xâm lấn tới xương cùng, cánh chậu và các xương sườn.
Với những tổn thương như vậy gần như các bác sĩ còn rất ít cơ hội để can thiệp hiệu quả và triệt để. Ưu tiên bây giờ là điều trị triệu chứng - giảm đau, nâng cao thể trạng. Tiên lượng vô cùng kém.
"Từ bé đến giờ đây mới là lần đầu tiên tôi đi viện" hay "Tôi thấy trong người bình thường nên không đi khám" là những lời tôi vẫn thường được nghe trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân cũng như mọi người. Đây chính là những câu nói làm bác sĩ buồn và ít nhiều cảm thấy "bất lực", anh chị ạ.
Ai cũng biết rằng cuộc đời mỗi chúng ta là những chuỗi ngày "sinh-lão-bệnh-tử", nghĩa là không có gì tồn tại mãi mãi. Một cỗ máy siêu việt cũng chỉ có thể vận hành trong một quãng thời gian nhất định, con người không thể thoát ra ngoài những quy luật đó của tạo hoá.
Mỗi người, dù có chăm lo ăn uống hay thể dục thể thao tốt đến cỡ nào thì theo thời gian, các cơ quan bộ phận trong cơ thể cũng sẽ lão hoá tăng dần, hệ miễn dịch cùng sức đề kháng giảm đi, nguy cơ "hỏng hóc" hoặc bị các tế bào lạ, các vi sinh vật gây bệnh xuất hiện trong cơ thể theo đó mà tăng lên dẫn đến bệnh tật xuất hiện.
Khi để bệnh tật "nhắc nhở" bằng những triệu chứng như chán ăn, thiếu máu, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm… đồng nghĩa với sự thật rằng chúng ta đã đi đến khúc cuối của con đường bệnh tật. Ở đó, người thầy thuốc có giỏi đến đâu, công nghệ y học có phát triển đến cỡ nào thì cơ hội chiến thắng cũng không còn nằm trong tay chúng ta nữa.
Xã hội càng phát triển, con người càng hiểu biết đồng nghĩa với "chủ động dự phòng bệnh tật và xây dựng thói quen kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng năm" sẽ là trọng tâm trong chính sách nâng cao sức khoẻ con người ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ gia đình nào. Đó chính là "chìa khoá" thông minh nhất để chúng ta mở cánh cửa tìm đến sức khoẻ vững bền trọn vẹn.
Những ai nhận thức được quy luật này sẽ chủ động phòng ngừa bằng chính lối sống lành mạnh, thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống điều độ, sống cho đi nhiều hơn để nhận lại những nụ cười cùng sự thanh thản trong tâm hồn. Thêm nữa, xây dựng cho gia đình mình một "quỹ sức khoẻ hàng năm" và cứ đến ngày cả nhà sẽ cùng nhau đi kiểm tra sức khoẻ chính là lời khuyên bác sĩ "mỏi mòn" gửi đến anh chị.
Tôi "cầu xin" anh chị hãy biến nó thành hiện thực sau khi đọc những dòng chữ này, anh chị nhé! Còn nỗi buồn nào hơn khi bệnh nhân đến khám và không cho bác sĩ bất cứ một cơ hội nào chiến thắng trong chữa trị vì bệnh tình đã để quá muộn. Lòng người quặn đau khi chứng kiến khuôn mặt thẫn thờ của bệnh nhân hay những giọt nước mắt của người thân mỗi khi ánh chiều về…"