Các quốc gia EU buộc phải sử dụng khí đốt dự trữ
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu, lần đầu tiên sau hai tháng, tình trạng sụt giảm khí đốt dự trữ đã xảy ra ở Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của Tập đoàn dịch vụ tài chính ING Groep (Hà Lan), nói với hãng tin RT rằng, điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường.
Mức sụt giảm khí đốt dự trữ, vốn được sử dụng vào mùa cao điểm mùa đông, diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo cắt giảm nguồn cung khí đốt cho các khách hàng ở Ý, Đức, Pháp và Áo những ngày qua.
Vào ngày 14/6, doanh nghiệp Nga cho biết họ đang giảm việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream sau khi nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy của Đức không thể đưa các thiết bị bơm khí trở lại trạm nén khí đúng hạn.
Phía Nga cũng đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tới Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, Orsted của Đan Mạch, công ty GasTerra của Hà Lan và các hợp đồng liên quan tới Đức của tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell vì những khách hàng này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Sản lượng khí đốt của Nga đến các khu vực khác của châu Âu thông qua đường ống Nord Stream đã giảm khoảng 60% trong tuần này, khiến giá nhiên liệu ở lục địa già tăng vọt.
Một nhà máy sản xuất khí đốt ở Nga. Ảnh: Getty
TT Putin đánh giá kinh tế Nga
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) ngày 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm kinh tế của khối này.
"Chỉ riêng thiệt hại trực tiếp từ cơn sốt trừng phạt có thể vượt quá 400 tỷ USD rong một năm," ông nói và cho biết thêm rằng các công dân EU sẽ phải gánh chịu cái giá này.
Theo ông Putin, EU sẽ mất khả năng cạnh tranh toàn cầu do các lệnh trừng phạt trong nhiều năm tới. Ông chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế trên toàn EU đang chậm lại, với lạm phát đạt mức cao kỷ lục.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết những dự đoán về sự sụp đổ của đồng rúp và nền kinh tế Nga sẽ không trở thành sự thật vì đây là một phần của cuộc chiến thông tin chống lại Moscow, nhằm "gây bất ổn tâm lý cho xã hội Nga và giới kinh doanh trong nước".
Ông Putin ca ngợi chính phủ đã nỗ lực để ổn định nền kinh tế một cách chuyên nghiệp.
"Đầu tiên, chúng tôi ổn định thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và mạng lưới thương mại, sau đó chúng tôi bắt đầu bão hòa nền kinh tế bằng thanh khoản và vốn lưu động để duy trì sự ổn định của các doanh nghiệp và công ty...", Tổng thống Nga nói.
Theo RT, ông cũng thừa nhận mức lạm phát của Nga hiện tại ở mức 16,7% là cao nhưng nhấn mạnh con số đang giảm dần.
Gần 250 công ty nước ngoài hoạt động bình thường ở Nga
Gần 250 công ty quốc tế tiếp tục hoạt động tại Nga, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp EU, theo danh sách do Viện lãnh đạo giám đốc điều hành thuộc Đại học Yale tổng hợp.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2, viện đã theo dõi phản ứng của hơn 1.200 công ty.
"Hơn 1.000 công ty thông báo công họ tự nguyện cắt giảm hoạt động ở Nga ở một mức độ nào đó vượt quá mức tối thiểu hợp pháp mà các lệnh trừng phạt quốc tế yêu cầu - nhưng một số công ty khác vẫn bình tĩnh tiếp tục hoạt động ở Nga", báo cáo viết.
Trong số 247 công ty quốc tế tiếp tục hoạt động tại Nga, 116 công ty thuộc các nước EU, bao gồm các thương hiệu nổi bật như Benetton, Diesel, Giorgio Armani, Lacoste và Raiffeisen Bank. Một số tên tuổi của Mỹ, như Hard Rock Café, Tom Ford và TGI Fridays, cũng có tên trong danh sách các công ty "vẫn đang tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường ở Nga".
Sản lượng dầu Ấn Độ nhập từ Nga tăng 31 lần trong 20 ngày tính đến 15/6, so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Valerii Kadniko
Ấn Độ tăng cường mua dầu của Nga
Theo Reuters, sản lượng than Ấn Độ nhập khẩu từ Nga nhiều gấp 6 lần trong 20 ngày tính đến 15/6, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng khoảng thời gian đó, nhập khẩu dầu của New Delhi từ Nga đã tăng hơn 31 lần. Mức tăng này diễn ra bất chấp việc Mỹ thúc giục Ấn Độ không tăng cường mua các nguồn tài nguyên của Nga.
Các số liệu mới nhất đánh dấu sự tiếp tục của một xu hướng đang diễn ra kể từ khi phương Tây từ bỏ nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga sau xung đột Ukraine. Trong khi Mỹ và Anh ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga và EU công bố lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với than của Nga và xóa bỏ sự phụ thuộc vào dầu Nga, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Ấn Độ vào tháng 5, vượt qua Ả Rập Xê-út.
Theo nguồn tin của Reuters, lượng than nhập khẩu tăng gấp 6 lần của Ấn Độ đưa kim ngạch thương mại của nước này với Nga lên 331,17 triệu USD. Tương tự, lượng dầu nhập khẩu tăng hơn 31 lần với kim ngạch thương mại là 2,22 tỷ USD.
Lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đạt trung bình 110,86 triệu USD/ngày trong 20 ngày, cao hơn gấp ba lần so với 31,16 triệu USD mà New Delhi đã chi trong suốt 3 tháng trước đó.
Hãng tin Anh cho biết, các thương nhân Nga đã đưa ra mức chiết khấu "hấp dẫn" cho người mua Ấn Độ và chấp nhận thanh toán bằng đồng rupee của Ấn Độ và đồng Dirham của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.