Dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata thế hệ tiếp theo của Nga có thể hoạt động theo kiểu “bầy đàn” ở biên giới châu Âu và cũng giống như những robot “sát thủ” đang được các siêu cường khác (như Trung Quốc) phát triển, chúng có khả năng hủy diệt các thành phố chỉ “trong vài phút”.
Đó là nhận định của giáo sư Noel Sharkey, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và người máy tại Đại học Sheffield, người đã tham gia vận động cho cho chiến dịch cấm robot giết người từ hơn 10 năm nay.
Theo chuyên gia Noel Sharkey, T-14 Armata có thể được điều khiển từ xa nhưng các nhà phát triển Nga đang gấp rút xây dựng nó thành cỗ máy hoàn toàn tự động.
Giáo sư Sharkey cho rằng các siêu cường trên toàn cầu đã quyết tâm phát triển hàng loạt vũ khí tự động kể từ khi Mỹ triển khai ý tưởng này vào giữa những năm 2000.
“Nga đang phát triển một siêu tăng khổng lồ - T-14 Armata thế hệ tiếp theo, đi trước bất kỳ loại xe tăng quân sự nào” Giáo sư Sharkey chia sẻ trên tờ Express của Anh.
Armata T-14 tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ tại Moscow
"Các siêu cường đang tập trung vào việc phát triển một loạt vũ khí tự động (robot sát thủ) có thể chỉ cần rất ít nhân viên điều khiển. Đó có thể là “bầy đàn siêu tăng” của Nga ở biên giới châu Âu hoặc hàng loạt máy bay chiến đấu của Trung Quốc hoặc Mỹ.
“Ở chế độ tự động, những cố máy này có thể vô tình bị kích hoạt tạo thành kiểu tấn công bầy đàn. Một khi đã bắt đầu, sẽ rất khó rút lui và nó có thể gây lãng phí và tàn phá các thành phố của chúng ta chỉ trong vài phút”.
Hải quân Mỹ có X-47B, dòng máy bay chiến đấu không người lái và một tàu chiến xuyên đại dương không người lái mang tên Sea Hunter.
Trung Quốc cũng đang phát triển các xe tăng, tàu chiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo và một máy bay chiến đấu siêu thanh tự động mang tên “Hắc Kiếm” (Dark Sword) được cho là có tốc độ lên tới 740 dặm/giờ.
Giáo sư Sharkey chỉ ra rằng, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ, Israel và Hàn Quốc nằm trong số các cường quốc quân sự đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống vũ khí tự động trên không, trên bộ và trên biển.
“Nếu không được kiểm soát, thế giới có thể bước vào một cuộc chạy đua vũ trang robot gây bất ổn. Một trong số nhiều vấn đề nảy sinh là máy móc không có khả năng phân biệt mục tiêu quân sự và dân sự”.
“Tôi đặc biệt lo ngại trước việc các nước giao phó cho các vũ khí được quyền đưa ra quyết định ngắm bắn ai và tiêu diệt ai. Tôi không tin rằng các chương trình máy tính có khả năng tuân thủ quy luật của chiến tranh trong việc lựa chọn mục tiêu hoặc lại có khả năng phù hợp trong việc “tiêu diệt đúng người”.
“Bản chất của xung đột vũ trang đòi hỏi phải đánh lừa được đối phương mà các hệ thống máy tính thì lại rất dễ bị đánh lừa”, chuyên gia Noel Sharkey kết luận.