TT Putin hiệu triệu vũ khí tối thượng: Răn đe chưa từng có, lớp phòng thủ NATO "vô dụng"?

Mạnh Kiên | 26-04-2022 - 19:36 PM

(Tổ Quốc) - Nắm trong tay vũ khí huỷ diệt cấp độ cao, TT Putin miêu tả thứ này sẽ khiến hệ thống phòng thủ của NATO "hoàn toàn vô dụng".

Tên lửa mới của Nga có đủ sức răn đe?

Tổng thống Vladimir Putin đã một lần nữa thúc đẩy sức mạnh hạt nhân của Nga trong bối cảnh căng thẳng với các nước phương Tây, khi tuyên bố hệ thống tên lửa đạn đạo mới sẽ khiến kẻ thù của Moscow phải "dừng lại và suy nghĩ".

Trước đó, Tổng thống Putin từng cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ nỗ lực nào cản đường "sẽ dẫn đến những hậu quả chưa từng gặp phải trong lịch sử". Vài ngày sau, ông ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao.

Trong động thái mới nhất, Nga cho biết họ đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, một bổ sung mới cho kho vũ khí hạt nhân của nước này.

"Tổ hợp mới có tính năng kỹ chiến thuật cao nhất, có khả năng vượt qua mọi phương tiện phòng thủ chống tên lửa hiện đại", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, không có vũ khí nào tương tự như vậy trên thế giới và thời gian dài nữa cũng không.

Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây nhận định mối đe dọa đối với Mỹ hoặc các đồng minh là "cực kỳ thấp" vì đây chỉ là vụ thử vũ khí thường xuyên của Nga, cũng như động cơ đằng sau đó có thể chỉ là đánh lạc hướng, theo CNN.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Putin nói về tên lửa này. Ông đã đề cập đến Sarmat trong một bài phát biểu năm 2018 với tư cách là một trong số những vũ khí mới sẽ khiến hệ thống phòng thủ của NATO "hoàn toàn vô dụng".

Các nhà phân tích đánh giá, thay vì là một mối đe dọa tức thời đối với phương Tây, vụ phóng nên được coi là một bước đi gia tăng trong chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Nga.

Sarmat khi đi vào hoạt động sẽ là sự thay thế đối với ICBM Voevoda từ thời Liên Xô, được NATO định danh là SS-18 Satan.

Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết phát triển Sarmat mang lại "sự cải tiến" cho tên lửa Satan ban đầu.

Nó có "các khả năng tương tự như SS-18 hiện có", nhưng "có lẽ cũng có một số cải tiến thêm vào", Kristensen nói.

Giống như SS-18, Sarmat có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân và có thể nhắm mục tiêu độc lập hơn với tầm bắn lên tới 18.000 km, đủ xa để đến lục địa Mỹ.

TT Putin hiệu triệu vũ khí tối thượng: Răn đe chưa từng có, lớp phòng thủ NATO vô dụng? - Ảnh 2.

Chỉ là thông điệp?

Các nhà phân tích cho biết vụ phóng cũng nên được nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại và có khả năng là sự đánh lạc hướng ra khỏi các hoạt động quân sự của Nga gần đây, theo CNN.

Giống như Nga, Mỹ có ICBM của riêng mình - cũng như tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang hạt nhân - điều đó sẽ chứng tỏ sức mạnh răn đe đối xứng khi Nga sử dụng "Satan II".

"Nếu người Nga tấn công phương Tây, NATO hoặc Mỹ, đó là một quyết định đầy khốc liệt gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên", Chris Inglis, một quan chức Mỹ cho biết tại sự kiện do Hội đồng Quan hệ đối ngoại tổ chức.

Ông Inglis nói rằng các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ đã được cung cấp nhiều "cảnh báo chiến lược" và ở vị trí tốt hơn để đẩy lùi hoặc phục hồi sau các cuộc tấn công như vậy so với cách đây một năm.

Nhưng bất chấp những lời đe dọa đó, quan điểm của Mỹ đường như sẽ vẫn tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga - từ các biện pháp trừng phạt đến cô lập ngoại giao và cung cấp vũ khí cho đồng minh, theo New York Times.

"Nga đã không hành động mạnh mẽ hết mức có thể, nhưng cuộc thử nghiệm dù sao cũng được tính đúng thời điểm để gửi tín hiệu tới phương Tây", Marion Messmer, đồng giám đốc Hội đồng Thông tin An ninh Anh Mỹ (BASIC), nói với Fortune.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính rằng Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trong số này, 1.588 đã được triển khai và sẵn sàng sử dụng. Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga có thể được bắn từ đất liền, bằng tàu ngầm và máy bay.

Sau khi ông Putin tuyên bố các lực lượng răn đe của Nga - bao gồm cả vũ khí hạt nhân - được đặt trong tình trạng báo động cao, Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh Hàng không Tầm xa đã được đưa vào "nhiệm vụ chiến đấu tăng cường".

Thuật ngữ tăng cường, hay nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt không xuất hiện trong học thuyết hạt nhân của Nga, khiến các chuyên gia quân sự bối rối về ý nghĩa.

Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên hợp quốc ở Geneva, cho biết lệnh này có thể đã kích hoạt hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Nga, về cơ bản là mở các kênh liên lạc để tiến hành lệnh phóng cuối cùng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM