Việc cách ly và quản lý các trường hợp F1 và việc nghiêm túc thực hiện các quy định tại khu cách ly là thực sự quan trọng trong việc phòng chống COVID-19. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế đã chia sẻ những nhận định trên
Mạng xã hội Lotus, khẳng định tầm quan trọng khi kiểm soát triệt để các trường hợp F1.
Để lọt F1 là tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch
Ngày 27/8, CDC Hà Nội, Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh thông báo tìm các F1 đã tiếp xúc với ba bệnh nhân Covid-19 đã rời khu cách ly Hải Dương trước khi nhận kết quả xét nghiệm.
Ba bệnh nhân, gồm số 1032 ở Hà Nội, 1033 ở Quảng Bình và 1034 ở Hải Dương, được Bộ Y tế ghi nhận dương tính chiều 26/8. 3 bệnh nhân trên đều trở về từ Nga, cách ly từ ngày 10/8 tại khu cách ly Trung đoàn 125 ở TP. Chí Linh, Hải Dương. Sáng 25/8, họ hoàn tất thời gian cách ly 14 ngày, được về nhà. Tuy nhiên, chiều 25/8, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của họ tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định dương tính nCoV.
Đánh giá về tình huống liên quan ba ca nhiễm COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho rằng: "Họ đã được kết thúc cách ly quá sớm khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ hai, dù đã cách ly đủ 14 ngày.
Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tối thiểu hai lần. Lần xét nghiệm đầu tiên thực hiện ngay sau khi nhập cảnh. Lần xét nghiệm thứ hai được triển khai vào ngày 10 hoặc ngày 12 sau khi nhập cảnh và trước khi kết thúc cách ly. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ hai, cộng với đủ 14 ngày cách ly, người đó mới được kết thúc thời gian cách ly".
Tình huống kể trên một lần nữa cho thấy sự quan trọng của việc cách ly F1, quản lý các F1 và việc nghiêm túc thực hiện các quy định tại khu cách ly trong việc phòng chống COVID-19.
"Cách ly F1 tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần lơ là thì nguy cơ gieo rắc virus rất lớn"
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
"F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.
Nếu các F1 không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu chúng ta không may để lọt F1 trong cộng đồng thì nguy cơ trở thành người bệnh, phát tán virus, tạo thành như ổ dịch khác rất lớn. Nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trong đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa.
Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.
Việt Nam đang thực hiện truy vết, cách ly các F1 rất thần tốc, quyết liệt và hiệu quả. Chính sự quyết liệt này là chìa khóa giúp chúng ta kiểm soát được các ổ dịch trong cộng đồng trong thời gian nhanh chóng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh".
Cũng theo Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.
Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta. Để từ đó lây bệnh ra bên ngoài".
"Đối với các F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Khi đã vào khu cách ly tập trung, phải ở trong phòng, không gặp gỡ ai, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác, như vậy mới là cách ly", ông nói.
"Khi cả nước chung tay chống dịch, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ kiên định trong chiến tuyến này"
TS.BS.Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học Dự phòng Quân đội
"Theo tôi, tại thời điểm này, có thể thấy Việt Nam đã có những chính sách và hành động phòng chống dịch đúng đắn, kịp thời, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ. Các bài học từ chiến lược phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và ngăn chặn dịch bệnh thành công của Việt Nam xứng đáng để các quốc gia khác có thể nghiên cứu, áp dụng phù hợp với thực tiễn điều kiện cụ thể của từng quốc gia.
Thành công ban đầu này có được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, sự điều hành quyết liệt của Chính Phủ, Bộ Y tế, Bộ Quốc Phòng và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Thực tế chúng ta đã thấy, những người tiếp xúc gần với những người có kết quả xét nghiệm dương tính, đều được đưa vào các trung tâm cách ly. Điều này làm giảm đáng kể sự lây truyền ở cả hộ gia đình và ở cấp độ cộng đồng.
Dù có những lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các khu cách ly, nhưng trên thực tế nguy cơ lây nhiễm của các F1 không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với F0. Nguy cơ càng cao nếu thời gian tiếp xúc với F0 càng dài. Vì vậy, các thành viên trong gia đình, có khả năng tiếp xúc nhiều với bệnh nhân mắc COVID-19 thường sẽ trở thành những người tiếp xúc gần có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất.
Người ta phát hiện thấy sự phát tán RNA của virus trong các mẫu bệnh phẩm của đường hô hấp 1-2 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng. Tải lượng virus SARS-CoV-2, tương tự như với bệnh cúm, đạt đỉnh điểm vào khoảng thời gian xuất hiện triệu chứng, khác với với virus MERS-CoV, tải lượng virus đạt đỉnh điểm vào tuần thứ hai sau khi khởi phát triệu chứng. Tải lượng virus cao gần với thời điểm khởi phát triệu chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lây truyền ở giai đoạn đầu của nhiễm trùng.
Bởi vậy, các trường hợp F1 tiếp xúc với F0 trong vòng 2 ngày trước khi có triệu chứng, cho đến tuần thứ 2 sau khi có nhiễm trùng được coi là các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.
Đối với người nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng thì những người tiếp xúc gần trong vòng 2 ngày trước khi người bệnh được khẳng định xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cho đến khi bệnh nhân được cách ly, là các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.
Chính vì lẽ đó, những người đang sinh hoạt trong khu vực cách ly tập trung cũng là những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao. Nên ngay trong khu vực cách ly tập trung luôn phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19 để không những phải đáp ứng yêu cầu về tránh lây nhiễm cho người được cách ly mà còn phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly. Theo đó, việc tổ chức cách ly và chống lây nhiễm dịch bệnh trong khu vực cách ly được thực rất nghiêm túc và bài bản.
Chính vì vậy, nếu bạn chẳng may trở thành F1, hoặc phải cách ly ở những nơi cách ly tập trung thì hãy bình tĩnh, tránh lo lắng, hoang mang. Việc bạn cần làm là tin tưởng vào đội ngũ cán bộ y tế, thực hiện nghiêm túc nội quy của khu vực cách ly để bảo vệ bản thân và cộng đồng, theo dõi sát tình hình sức khỏe và yên tâm sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để nâng cao thể trạng, sức đề kháng của cơ thể.
Tôi nghĩ rằng, các hành vi như trốn không đi cách ly, tìm cách trốn khỏi khu cách ly, hoặc nôn nóng tìm cách sớm về nhà sau khi ly khi chưa được xét nghiệm đánh giá nguy cơ nhiễm COVID-19 đầy đủ theo quy định, đều là những hành động nóng vội và có thể để lại những hậu quả khó lường trong phòng chống dịch bệnh.
Khi cả nước chung tay chống dịch, mỗi người dân hãy tự ý thức và luôn là một chiến sĩ kiên định trong chiến tuyến này", bác sĩ Cường cho hay.
Làm gì khi một ngày bạn bỗng nhiên trở thành F1 của người nhiễm COVID-19
Một ngày đẹp trời, bạn có thể vô tình phải lên đường đi cách ly tập trung. Bạn có 1-3 tiếng để chuẩn bị và không biết nơi đến có những gì. Bạn cần chuẩn bị thế nào?
Vật dụng cá nhân thiết yếu:
Nhiệt kế thủy ngân, thuốc dùng cá nhân.
Quần áo phù hợp thời tiết (đủ cho 14 – 16 ngày), áo khoác nhẹ, sữa.
Chăn (mền) mỏng.
Khăn mặt, khăn tắm.
Dép nhựa, bàn chải/kem đánh răng cá nhân, sữa rửa mặt (nếu bạn thích dùng đồ yêu thích), lược, xà phòng tắm, dầu gội đầu, dao cạo râu, đồ vệ sinh phụ nữ, giấy vệ sinh, bấm móng tay.
Xà phòng giặt đồ (trong khu cách ly sẽ có thau giặt, nhưng có thể xà phòng sẽ phải tự chuẩn bị).
Cốc nhựa (uống nước, đánh răng), thìa, dao gọt, bình giữ nhiệt nếu quen uống nước ấm.
Kem chống muỗi.
Dây (phơi quần áo, mắc màn), kẹp quần áo.
Túi nilon (đựng quần áo, bỏ rác, đựng đồ dùng tạm thời).
Vật dụng giải trí: Sách; Giấy bút nếu bạn muốn viết nhật ký.
Đồ ăn vặt (bimbim, mì tôm, bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt, ô mai, kẹp ngậm ho.
Thiết bị điện/ điện tử: Máy tính, điện thoại, tablet, tai nghe và sạc pin, sim data, ô cắm điện di động.
4 điều phải tuân theo:
Hạn chế tiếp xúc gần với bạn cùng phòng, bạn cùng khu cách ly và giữ khoảng cách ít nhất 1m dù đang đeo khẩu trang.
Giữ gìn không gian sống thông thoáng, sạch sẽ (lau dọn hằng ngày), yên tĩnh.
Tuân thủ lịch của cán bộ cách ly về đo nhiệt độ, khám bệnh, phát thức ăn.
Tuân thủ lịch lấy mẫu xét nghiệm.
4 điều nên làm:
Tiếp tục công việc cần làm và tăng cường họp hoặc thảo luận online (google meet, google chat…).
Đề ra mục tiêu: Đọc sách, viết truyện, viết nhật ký, tương tác online.
Nên tương tác với những người bạn có tư duy tích cực, tránh trò chuyện với những người có năng lượng tiêu cực.
Tránh xem những trang tin không chính thống.
Bà Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam
Sự kiệnCập nhật NaN-NaN-NaN NaN:NaN:NaN12 tin bài