Không một ai có thể tránh khỏi quy luật "sinh lão bệnh tử" của cuộc đời. Tuổi thanh xuân đam mê và nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp cũng sẽ qua. Nhưng cuộc sống thật sự viên mãn hay không phụ thuộc vào khoảng thời gian khi chúng ta bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời, gạt bỏ những lo âu để tận hưởng cuộc sống quý giá với nguồn năng lượng tích cực.
Ở tuổi nghỉ hưu, biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào khiến bạn lâm vào khủng hoảng và bế tắc. Nếu không có sự chuẩn bị cho riêng mình thì sau tuổi 60, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về công việc, sức khỏe, gia đình…
Đời người chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, trước khi bước sang tuổi nghỉ hưu, hãy chuẩn bị cho mình 3 điều dưới đây để có những năm tháng tuổi già viên mãn.
1. Khoản tiền tiết kiệm
Cuộc sống của một người những năm về sau, đặc biệt là giai đoạn sau nghỉ hưu có tốt đẹp hay không đều liên quan trực tiếp đến tài sản và tiền bạc. Nhiều người thường nói tiền không phải vạn năng nhưng không có tiền thì cũng chẳng làm được việc gì. Đặc biệt ở thời điểm sau khi về hưu, cơ thể dần lão hoá, khả năng lao động giảm dần.
Sau khi về hưu, trong tay có tiền, có thể rủ bạn bè đi đây đi đó, cũng có thể học và làm những thứ mà hồi trẻ thích nhưng không có thời gian và cơ hội đi làm. Nếu không có tiền, tiền mua thuốc chữa bệnh còn chẳng có chứ nói gì tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bước vào tuổi già, bệnh tật là điều không thể tránh khỏi. Trong tay có tiền, bạn sẽ không cần phải vướng bận con cái. Vì thế cuộc sống cũng tự do, thoải mái hơn.
Vậy nên trước khi về hưu, nếu biết tích luỹ cho mình một khoản tiền tiết kiệm thì những năm tháng sau đó bạn không phải lo lắng quá nhiều. Ngay khi còn có thể lao động kiếm tiền được, mỗi người cần phải có kế hoạch tài chính rõ ràng. Khi cơ thể còn sức lực, cần chuẩn bị các khoản dự phòng, đảm bảo khả năng chủ động về tài chính để đến tuổi xế chiều không phải lo lắng quá nhiều.
2. Tình bạn tri kỷ
Bước sang ngưỡng tuổi nghỉ hưu, người ta sợ nhất chính là sự cô đơn, lẻ loi. Khi đó, bạn bè chính là đại diện cho sự giàu có của mỗi con người. Tình bạn kéo dài 20 năm là tri kỷ, tình bạn đến năm 50 tuổi lại càng trân quý hơn. Về già, người ta gặp được bạn bè sẽ thấy vui mừng tự đáy lòng, tùy tiện nói chuyện gì cũng được, chỉ cần là nói chuyện phiếm với nhau. Nhưng mấy ai có thể giữ được tình bạn sau nhiều năm như vậy?
Cuộc sống phức tạp khó kiếm được tình bạn đơn thuần để tin cậy và dựa dẫm. Một khi đã có trong tay thì phải gìn giữ bằng sự chân thành, nhân phẩm và lòng khoan dung. Nếu bạn chưa có một vài người bạn tri kỉ như thế, vậy thì hãy dụng tâm tích lũy và xây dựng mối quan hệ ngay từ lúc này.
3. Kế hoạch hưu trí
Nếu tìm kiếm từ khóa “lập kế hoạch hưu trí" trên Google bạn sẽ nhận được kết quả nội dung liên quan đến tiết kiệm và lương hưu. Bạn sẽ khó tìm kiếm được thông tin về kế hoạch nghỉ hưu thực tế liên quan nhiều hơn đến cuộc sống và ít ràng buộc bởi tiền bạc. Có nguồn tài chính ổn định để duy trì thời gian nghỉ hưu đóng vai trò quan trọng. Song điều quan trọng hơn là lập kế hoạch cuộc sống.
Nói cách khác bạn cần biết mình cần làm gì sau khi rời khỏi công việc "9 to 5"? Bạn có thể từ giã sự nghiệp của mình nhưng không thể bỏ lại cuộc sống.
Để xác định những hoạt động nào mang lại mục đích, bạn có thể tham khảo khái niệm "ikigai" của người Nhật (tạm dịch: lý do tồn tại của bạn).
Khái niệm này dựa trên ý tưởng rằng có 4 thành phần mà một người cần phải hoàn thành để đạt được ikigai. Theo đó, mỗi khái niệm được thể hiện bằng một câu hỏi. Khi bạn tích cực theo đuổi những gì bạn thích làm để phục vụ bản thân, gia đình và cộng đồng của mình, hãy nghĩ xem liệu hoạt động đó có cho phép bạn trả lời "có" cho bốn câu hỏi này:
1. Bạn đang làm một hoạt động mà bạn yêu thích?
2. Bạn có giỏi về nó không?
3. Xã hội có cần những gì bạn làm không?
4. Bạn có thể được trả tiền khi làm việc đó không?
Ở mức độ cao hơn, ikigai đề cập đến những cảm xúc mà theo đó các cá nhân cảm thấy rằng cuộc sống của họ có giá trị khi hướng tới mục tiêu của mình.