Tiến trình lịch sử thay đổi vốn cũng chỉ là một ý niệm trong tiềm thức con người. Vận mệnh của một vương triều phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cũng chỉ có vài bước then chốt. Nếu thực hiện rồi, không biết chừng có thể sẽ kéo dài được vận mệnh của cả vương triều.
Thế nhưng không phải ai cũng biết nắm bắt những yếu tố then chốt ấy. Nhiều vương triều trong lịch sử bị diệt vong, càng về cuối càng "đi nước cờ" sai lầm, vậy nên kết cục diệt vong cũng là điều tất yếu.
Biến pháp Mậu Tuất của Quang Tự Đế thất bại vì Viên Thế Khải
Cuối triều Thanh, rất nhiều trí thức và đại thần tìm trăm phương nghìn kế, chấn hưng vương triều. Đặc biệt sau chiến tranh Giáp Ngọ, hoàng đế Quang Tự đã có dự cảm, nếu vẫn không thực hiện cải cách, triều Thanh chắc chắn diệt vong. Và thế là Quang Tự bắt đầu trọng dụng phái cải cách, thực hiện Biến pháp Mậu Tuất (cuộc vận động cải cách chính trị - xã hội).
Nhưng cuối cùng, cuộc cải cách vẫn thất bại, Từ Hy thái hậu hạ lệnh giết những người tham gia biến pháp, khiến cho nhà Thanh đánh mất hoàn toàn cơ hội cải cách.
Thực tế, ban đầu Từ Hy không hề phản đối cũng không ủng hộ Biến pháp. Bà cũng thấm thía nỗi nhục nhã khi bị châu Âu chèn ép, lẽ tất yếu bà cũng mong nhà Thanh khôi phục sức mạnh.
Nhưng những người tham gia Biến pháp đã sử dụng sai cách. Theo ghi chép lịch sử, Khang Hữu Vi, nhân vật lớn đứng sau chiến dịch khi đó từng khuyên Quang Tự giam lỏng Từ Hy thái hậu, và Quang Tự để Viên Thế Khải đi làm việc này.
Nhưng Viên lại là một con cáo già, đã mang việc này mật báo lên Từ Hy thái hậu, khiến bà nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh bắt toàn bộ những người tham gia Biến pháp. Khang Hữu Vi lại vô cùng xảo trá, nên sớm thoát khỏi bàn tay của Từ Hy. Còn Từ Hy thì bắt đầu sợ hãi, nhanh chóng thu hồi quyền lực của Quang Tự và giam lỏng ông.
Từ Hy giam giữ Quang Tự tại Doanh Đài ròng rã suốt 10 năm, ngay cả người khỏe mạnh cũng không chịu nổi, chưa nói tới Quang Tự vốn dĩ sức khỏe đã không tốt. Ông vì sự cố này mà vô cùng phiền não, hối hận vì khiến cho cuộc cải cách trở nên như vậy và không khỏi lo lắng cho vận mệnh Đại Thanh.
Lời nhắn nhủ của Quang Tự Đế
Từ Hy giam giữ Quang Tự, có phần đối xử ngược đãi khiến ông mắc bệnh nặng. Khi ấy, thái hậu sức khỏe cũng không tốt, nhưng vẫn gắng gượng chọn hoàng đế cho Đại Thanh và chọn được Phổ Nghi là người kế vị trong tương lai.
Quang Tự nghe tin cháu mình sắp kế vị thì buồn rầu vì biết rằng vậy là lại có thêm một đứa trẻ bất hạnh. Nhưng sau đó, Quang Tự nghe nói Nhiếp Chính Vương là em trai mình, Tái Phong, ông mới yên tâm.
Quang Tự và Tái Phong là huynh đệ, nên vào giờ phút Quang Tự hấp hối, Từ Hy cho Tái Phong tới thăm hoàng huynh của mình, nhưng vẫn không hề nới lỏng giám sát với Quang Tự.
Khi Tái Phong tới thăm anh trai, Quang Tự đã biết mình sắp không trụ được, bèn nói với Tái Phong rất nhiều lời thật lòng. Đặc biệt khi nói tới Biến pháp Mậu Tuất, Quang Tự không khỏi uất hận nhưng cũng không dám nói nhiều, vì thái giám của Từ Hy đứng bên ngoài cửa sổ nghe ngóng. Ông sợ khiến em trai gặp điều bất trắc.
Vì giang sơn Đại Thanh, Quang Tự không thể không lo lắng cho cháu trai của mình. Ông dùng hết sức bình sinh viết lên 5 chữ, dúi cho Tái Phong, rồi căn dặn: Đây là di ngôn của ta, nhất thiết phải theo đó mà làm theo! Tái Phong giấu kín tờ giấy, nói lời vĩnh biệt với anh trai.
Sau đó Từ Hy và Quang Tự lần lượt qua đời, Phổ Nghi lên ngôi, Tái Phong trở thành nhiếp chính vương, có thể tham sự triều chính.
Phổ Nghi lên ngôi vua khi mới 2 tuổi.
Nhưng khi đó, nhà Thanh vẫn còn một đại thần nắm quyền – Khánh Thân Vương Dịch Khuông, trong vai trò là trưởng bối và nguyên lão cũng tham dự việc triều đình. Khi Tái Phong lấy ra tờ giấy, đọc dòng chữ "Xử chết Viên Thế Khải", ông lập tức ngây người.
Tại sao Quang Tự lại để lại di ngôn 5 chữ này? Câu trả lời là vì Quang Tự hận Viên Thế Khải thấu xương, nếu không có Viên Thế Khải, có thể Biến pháp sẽ thành công, Quang Tự cũng sẽ không bị giam cầm. Tất cả đều vì Viên Thế Khải mà sự nghiệp Biến pháp bị "cuốn theo dòng nước".
Tái Phong cho rằng đây là việc rất hệ trọng, trong tay Viên Thế Khải có binh quyền, chỉ sợ muốn giết hắn sẽ dấy lên binh biến. Dịch Khuông lại cho rằng, tân Hoàng đế mới lên, triều đình còn nhiều việc phải làm, hơn nữa thiên hạ đã bắt đầu loạn, vẫn phải mượn tay Viên Thế Khải, vì thế không thể giết hắn.
Nhưng Dịch Khuông vẫn phải nể mặt Tái Phong, vì khi đó Hoàng thượng là con trai của Tái Phong, nên chỉ bãi miễn chức vụ Viên Thế Khải. Thế nhưng cuối cùng chính điều này lại ẩn chứa hiểm họa diệt vong.
Nhà Thanh không thể ngăn chặn được làn sóng cách mạng, triều đình lại "mời" Viên Thế Khải ra đảm đương gánh vác trọng trách, không ngờ lại giúp Viên Thế Khải có thêm cơ hội. Viên Thế Khải chỉ dùng một chút sức mạnh đã có thể lật đổ nhà Thanh, cuối cùng trở thành đại tổng thống, thỏa mãn giấc mơ hoàng đế của mình.
*Theo Sohu (Trung Quốc)