Những nhiếp ảnh gia phương Tây tiên phong đến Trung Quốc
Năm 1850, máy chụp ảnh phòng tối di động đầu tiên chào đời tại Anh, nhờ công của nhà phát minh Frederick Scott Archer (1813-1857). Thế giới nhiếp ảnh gia phương Tây kể từ đó chia thành 2 nhóm: chụp ảnh trong nước và chụp ảnh ở nước ngoài.
Trước đó 10 năm, thực dân Anh tấn công Trung Quốc, nhắm đến nguồn tài nguyên giàu có của quốc gia này. Nhưng với giới nghệ thuật, thứ hấp dẫn lại là nền văn hóa phương Đông kỳ bí, xa lạ và đầy mê hoặc.
Trước khi máy ảnh xuất hiện, họ chỉ có thể thỏa mãn trí tưởng tượng dựa trên các bức phác họa, bản du ký, báo cáo thuộc địa... Cơn khát ảnh Trung Quốc và đam mê khám phá thúc đẩy một số nhiếp ảnh gia trời Âu lên đường. Trong số đó, nổi bật nhất là Felice Beato (1832-1909, Ý). Ông tiên phong chụp ảnh đất nước, con người Đông Á, lưu lại chi tiết hiện thực Cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ 2 ở Trung Quốc.
Felice Beato và một số ảnh về Trung Quốc của ông
Tiếp đến là John Thompson (1837-1921, Scotland). Nhiếp ảnh gia này yêu thích du lịch, chụp lại nhiều ảnh phong cảnh tự nhiên và đời sống thường nhật của miền Viễn Đông, trong đó có Trung Quốc.
Thomas Child (1841-1898) thì đặc biệt quan tâm nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa. Ông để lại những tấm ảnh chụp Cung điện Mùa hè ở Bắc Kinh (Beijing's Summer Palace) đắt giá, trước khi nó bị phá hủy gần hết vào năm 1860.
Stephan Loewentheil: Nhà sưu tầm mê ảnh Trung Quốc cổ xưa
Trải qua thời gian và sự tiến bộ của công nghệ nhiếp ảnh, những tác phẩm đầu tiên dần bị quên lãng và biến mất. Tuy nhiên tại Mỹ, xuất hiện một nhà sưu tầm tìm kiếm và lưu giữ các bức ảnh Trung Hoa nửa cuối thế kỷ XIX. Đó là Stephan Loewentheil (1950), ông chủ của 2 cửa hàng Ảnh - Sách Hiếm Thế kỷ 19 tại Brooklyn (New York) và Baltimore (Maryland).
Nhà sưu tầm Stephan Loewentheil (1950, Mỹ) và những tấm ảnh ông có về Trung Quốc thế kỷ 19 - 20
Trong suốt 3 thập niên gần đây, Loewentheil tiến hành tìm kiếm và mua lại các bức ảnh chụp Trung Quốc trước thềm thế kỷ XX. Vào năm 2018, ông mở cuộc trưng bày ảnh hiếm từ năm 1850-1880 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), với 120 tác phẩm và nhận được sự quan tâm sâu sắc.
Hiện tại, Loewentheil đang có tổng cộng 15.000 bức ảnh. Ông tự nhận, đó là bộ sưu tập ảnh về Trung Quốc lớn nhất thế giới.
Sau khi các nhà nhiếp ảnh phương Tây mang máy ảnh đến Trung Quốc, họ chiếm được sự yêu thích của mọi người nơi đây. Nhiều nhà nghệ thuật Trung Quốc cũng học hỏi, trở thành "phó nháy nội địa". Trong bộ sưu tầm của Loewentheil, có cả ảnh của thợ chụp phương Tây lẫn phương Đông. Một trong các nhiếp ảnh gia Trung Quốc nổi bật nhất của bộ sưu tập này là Lai Fong (1839-1890). Ông mở phòng chụp ở Hong Kong vào thập niên 1870, vô cùng nghiêm túc và say mê với công việc, cuối cùng trở thành nhiếp ảnh gia đương thời xuất sắc nhất.
Lai Fong và những tấm hình về quê hương mà ông đã chụp
Tài sản lịch sử vô giá
Có thể chia 15.000 bức ảnh của Loewentheil vào 3 chủ đề chính: Chân dung, phong cảnh và cuộc sống đời thường. Chỉ cần nhìn thoáng qua, người chiêm ngưỡng cũng nhận ra ngay đâu là "hàng nội" còn đâu là "hàng ngoại".
Mặc dù học hỏi từ thế giới nhiếp ảnh phương tây, các "phó nháy" Trung Quốc đời đầu không hề sao chép. Họ am tường văn hóa và thị hiếu của công chúng trong nước, xây dựng một góc nghệ thuật riêng đậm chất Trung Hoa.
John Thompson và một số ảnh về Trung Quốc của ông
Đầu tiên, các nhiếp ảnh gia "hàng nội" chọn bố cục và ánh sáng đúng chất Trung Quốc. Ví dụ như ở ảnh chân dung, họ yêu cầu khách chụp hình nhìn thẳng, mặt không biểu cảm. Ảnh chụp hoàn thiện trông rất giống với tranh chân dung, một kiểu họa truyền thống của Trung Quốc.
Đối với ảnh phong cảnh, họ cũng chọn góc rộng và phong cách thủy mặc. Ngược lại, các nhiếp ảnh gia phương tây tập trung vào một điểm cố định, ví dụ như kiến trúc tòa thành, tòa nhà... Ảnh của họ giống hình tư liệu hơn là tác phẩm nghệ thuật.
"Ngay cả khi chưa biết tác giả của bức ảnh là ai, chúng tôi vẫn đoán chính xác họ là người Trung Quốc hay châu Âu," - Loewentheil khẳng định.
Ảnh của nhiếp ảnh gia Thomas Child
Độc đáo hơn cả là các bức ảnh thuộc chủ đề cuộc sống đời thường ở Trung Quốc. Chúng bao gồm các tác phẩm lao động, chợ búa, lưu lại chi tiết sinh hoạt hàng ngày của người Mãn - Hán nửa cuối thế kỷ XIX. Một số ảnh còn được các họa sĩ cùng thời chấm phá bằng cách tô thêm màu, trở nên vô cùng sinh động và đẹp.
"Bộ sưu tầm của tôi không vì lợi ích hay danh tiếng, mà vì hậu thế," - Loewentheil tuyên bố. Ông hy vọng, 15.000 bức ảnh này sẽ trở thành tài sản lịch sử chung cho tất cả mọi người. Hiện tại, Loewentheil đã số hóa toàn bộ các bức ảnh, đưa lên trang lưu trữ trực tuyến cá nhân và cho phép quyền truy cập.
Nguồn: CNN