Trung Quốc bị tố ý đồ "động trời": Độc chiếm mạng lưới ngầm Thái Bình Dương, theo dõi, đánh cắp tình báo

Hải Võ | 23-12-2020 - 11:25 AM

(Tổ Quốc) - Các báo cáo mới đây nói Trung Quốc đang hỗ trợ đầu tư tư nhân vào các dự án cáp ngầm ở Thái Bình Dương nhằm theo dõi và đánh cắp dữ liệu từ các nước.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc muốn lợi dụng cáp ngầm Thái Bình Dương

Báo Newsweek (Mỹ) hôm 18/12 đưa tin, đảo Đài Loan cáo buộc Trung Quốc Đại lục chống lưng cho các hạng mục đầu tư tư nhân vào mạng lưới cáp ngầm dưới biển ở Thái Bình Dương, như một công cụ để theo dõi các nước và đánh cắp thông tin từ đối thủ của Bắc Kinh.

Thông điệp của Đài Loan đưa ra sau khi có báo cáo Mỹ cảnh báo các nước ở Thái Bình Dương không nên trao các hợp đồng cáp biển cho những doanh nghiệp có liên hệ với nhà nước Trung Quốc.

Người phát ngôn cơ quan đối ngoại Đài Loan Joanne Ou nói với Newsweek rằng Trung Quốc đang có kế hoạch "độc chiếm" mạng lưới thông tin và truyền thông ở Thái Bình Dương.

Hãng Reuters hôm 17 đưa tin chính phủ Mỹ bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc tham gia vào Dự án Kết nối Kiribati (KCP) - dự án có mục tiêu cải thiện kết nối giữa các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương gồm Kiribati, Nauru và Liên bang Micronesia.

Theo dự kiến KCP sẽ kết nối với HANTRU-1, hệ thống cáp thông tin liên lạc dưới biển kết nối Bãi thử Reagan trên đảo san hô Kwajalein với đảo Guam - lãnh thổ có giá trị chiến lược trọng yếu của Mỹ trên Thái Bình Dương nhờ khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc, Triều Tiên và khu vực Đông Á. Mỹ cũng duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Guam.

Trung Quốc bị tố ý đồ động trời: Độc chiếm mạng lưới ngầm Thái Bình Dương, theo dõi, đánh cắp tình báo - Ảnh 1.

Tàu GeoExplorer tại Chile, tham gia hoạt động thăm dò dưới biển cho dự án cáp ngầm của Huawei Marine, năm 2019 (Ảnh: Zuma Press)

Mỹ đã gửi cảnh báo đến Micronesia và Nauru về gói thầu từ Huawei Marine - doanh nghiệp mới đây đã thoái vốn khỏi ông lớn công nghệ Trung Quốc Huawei để tránh bị cuốn vào cuộc đối đầu công nghệ leo thang giữa Mỹ-Trung. Hiện Huawei Marine do một công ty Trung Quốc khác sở hữu phần lớn, theo Reuters.

Huawei Marine kỳ vọng sẽ thắng thầu dự án KCP trị giá 72.6 triệu USD này. Dự án có sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Mỹ nhắc nhở các quốc gia Thái Bình Dương rằng Huawei Marine cùng các doanh nghiệp Trung Quốc khác được yêu cầu hợp tác với những cơ quan an ninh và tình báo của Bắc Kinh. Giới chức Mỹ nhiều lần cáo buộc nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc là "cánh tay" của nhà chức trách nước này. Ngoại trưởng Mike Pompeo lặp lại tuyên bố hãng Huawei và các công ty Trung Quốc là "những con ngựa gỗ thành Troy" của Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Newsweek, "Huawei - bao gồm các công ty con hiện nay lẫn công ty con cũ như Huawei Marine - mang lại rủi ro về an ninh quốc gia và kinh tế, và chúng tôi thúc giục tất cả các nước đánh giá thận trọng tác động lâu dài khi cho phép các công ty không đáng tin cậy như Huawei Marine xây dựng và có quyền truy cập bảo trì thường xuyên vào cơ sở hạ tầng chiến lược - những cơ sở hạ tầng mang tài sản trí tuệ và thông tin nhạy cảm."

Trung Quốc bị tố ý đồ động trời: Độc chiếm mạng lưới ngầm Thái Bình Dương, theo dõi, đánh cắp tình báo - Ảnh 2.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: fmprc.gov.cn)

Bắc Kinh tuyên bố không thu thập tình báo

Phản ứng trước báo cáo của Reuters và thông điệp từ Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tố Mỹ đang tìm cách bôi nhọ các doanh nghiệp nước này.

"Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành hợp tác đầu tư ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp địa phương, các nguyên tắc thị trường và quy định quốc tế," ông Uông nói tại cuộc họp báo hôm 17/12. "Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu doanh nghiệp hay cá nhân thu thập hoặc cung cấp dữ liệu, thông tin và tình báo từ các nước khác cho chính phủ Trung Quốc bằng hình thức cài đặt 'Backdoor' (cửa sau)."

Ông Uông nhấn mạnh Huawei là công ty đầu trên trên thế giới khẳng định sẵn sàng ký kết một thỏa thuận "không cửa sau" và cho phép bên thứ ba giám sát.

Còn theo bà Joanne Ou, chiến lược viện trợ nước ngoài của Trung Quốc "nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế chiến lược" của Bắc Kinh.

"Mục đích chính của Trung Quốc là độc chiếm mạng lưới thông tin và truyền thông khu vực Thái Bình Dương. Mục tiêu chiến lược là kiểm soát hạ tầng then chốt của các nước liên quan trong khu vực và thu thập dữ liệu lớn (big data), nhằm theo dõi từng nước và ăn cắp thông tin."

Theo Reuters, Kiribati được cho là dành sự ủng hộ đặc biệt đối với gói thầu của Huawei Marine, bởi giá thầu mà họ đưa ra thấp hơn so với các đối thủ đến 20%.

Trung Quốc Đại lục đã thúc đẩy các đòn bẩy kinh tế, ngoại giao và quân sự nhằm gia tăng cô lập Đài Loan, bao gồm việc thúc ép các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này. Kirbati đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào năm ngoái để thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh.

Nauru là một trong bốn đảo quốc còn lại - bên cạnh Quần đảo Marshall, Palau và Tuvalu - còn duy trì quan hệ với Đài Loan. Tám quốc gia khác trong khu vực đã "xoay trục" sang Bắc Kinh.

Bà Ou cảnh báo các dự án đầu tư "chất lượng cực thấp" của Trung Quốc có thể "gây nguy hại nghiêm trọng cho sự phát triển của Nauru cùng sự an toàn của người dân".

Đại diện chính phủ Nauru nói với Reuters rằng các hồ sơ dự thầu của KCP đang được kiểm tra và các bên liên quan đang giải quyết "những vấn đề kỹ thuật và hành chính" để bảo đảm tiến độ dự án.

Bà Joanne Ou từ chối tiết lộ về việc liệu Đài Loan có đang phối hợp với Mỹ để chống lại kế hoạch đầu tư của Trung Quốc tại dự án KCP, hay trong các biện pháp bảo vệ mạng lưới cáp ở Thái Bình Dương.

"Chúng tôi cho rằng các nước cần phải có khả năng tin tưởng những nhà thầu sẽ không đe dọa an ninh quốc gia, quyền riêng tư, hay sở hữu trí tuệ của họ," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Các nước có thể bị "offline"

Các báo cáo liên quan đến ý định của Trung Quốc với dự án KCP được đưa ra vài tháng sau khi Google và Facebook thu hồi kế hoạch kết nối Los Angeles và Hồng Kông bằng tuyến cáp băng thông rộng dài gần 13.000km để tăng tốc độ cùng dung lượng Internet.

Quyết định này được cho là liên quan đến khuyến nghị chính thức hồi tháng 7 của một ủy ban thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, đề nghị loại Hồng Kông khỏi mạng lưới nói trên vì vấn đề an ninh quốc gia. Đây là lần đầu tiên một dự án cáp mạng bị loại bỏ vì rủi ro an ninh, cho thấy căng thẳng thang giữa Mỹ-Trung.

Business Insider cho hay, có hơn 350 hệ thống cáp ngầm dưới biển trên thế giới, với độ dài lên đến hơn 1.2 triệu km và chuyển các tín hiệu viễn thông. Hầu hết đường dây thuộc sở hữu của các công ty viễn thông tư nhân, bao gồm các ông lớn công nghệ như Google và Microsoft. Địa điểm đặt các hệ thống này có thể được xác định dễ dàng trên các bản đồ công khai.

Bất chấp tầm quan trọng, chưa có nhiều biện pháp được thực hiện để bảo vệ và canh giữ cáp ngầm dưới biển sâu.

Các chuyên gia an ninh mạng nói với Insider hồi năm 2018 rằng "chỉ còn là vấn đề thời gian" trước khi giới tin tặc có thể tiếp cận với mạng lưới cáp và tạo ra mối đe dọa làm cả một đất nước "offline".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.