Những ngày qua, trên khắp các mặt báo là thông tin về việc LCK và LPL sẽ lựa chọn đội hình như thế nào cho kỳ Asiad 2022 sắp tới. Ở LPL, theo một số kênh truyền thông đưa tin, làng LMHT xứ Trung lại tiếp tục thực hiện chính sách "Royal Never Give Up thu nhỏ" với nòng cốt là các tuyển thủ thuộc "Binh đoàn hoàng gia" RNG. Tuy vậy, đội hình được truyền thông Trung công bố có thể không phải là sự thật khi lại thiếu vắng tuyển thủ có thể xem là "đầu não" cho lối chơi của RNG - Ming.
Có thông tin rằng đội tuyển Trung Quốc tại Asiad 2022 đã chốt sổ với 4/5 cái tên từ RNG
Trong khi đó, LCK đang sục sôi vì cách làm việc khá cồng kềnh của KeSPA (Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc) trong việc tuyển chọn tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia tại Asiad 2022. Ở thời điểm hiện tại, cả 10 cái tên trong danh sách cuối cùng đã bắt đầu train chung. Nhưng vì lịch trình mù mờ, rối rắm của KeSPA nên tất cả những gì 10 cái tên này, bao gồm cả chính Faker, làm được khi train chính là... chơi ARAM và chia team ra đánh cho vui.
Những gì 10 tuyển thủ được chọn cho đội Hàn Quốc làm được cùng nhau đến giờ là đánh ARAM và chia đội ra chơi Summoner's Rift cho vui
Vậy trong khi Trung - Hàn và Đài Loan (bổ nhiệm HLV Warhorse cho đội tuyển quốc gia) cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch Asiad 2022 thì VCS - một khu vực có nền LMHT cũng trong top tại châu Á vẫn "án binh bất động". Nhưng trong tương lai, LMHT Việt sẽ có những phương án nào cho kỳ Á vận hội đầu tiên mà Esports được tranh huy chương này?
Lập 1 giải đấu tuyển chọn tương tự SEA Games 31
Đây là 1 phương án mà VCS có thể cân nhắc. Tuy nhiên, nếu so với SEA Games 31, thì giai đoạn hiện tại lại có phần gấp rút hơn. Lấy 1 ví dụ để dẫn chứng cho việc có quá nhiều giải đấu đến cùng 1 lúc chính là trường hợp của LPL. Tình thế của LPL còn có phần ngặt nghèo hơn khi đất nước này còn đang đương đầu với COVID-19. Cách đây ít lâu, chính Doinb cũng đã nhận định rằng có thể lịch Mùa Hè của LPL sẽ vô cùng ngắn và có những ngày phải đánh 3 4 trận BO 3 để kịp tiến độ. Ở VCS, nếu lồng ghép 1 giải đấu tương tự hồi vòng loại SEA Games, thì các tuyển thủ sẽ phải vừa chuẩn bị cho Mùa Hè 2022, vừa lấy lại nhịp sau khi trở về từ MSI 2022 (riêng với GAM Esports thì là SEA Games 31), xa hơn là CKTG 2022.
Doinb tiết lộ về lịch thi đấu khủng khiếp của LPL Mùa Hè sắp tới
Đối với các tuyển thủ Việt, việc phải thi đấu 1 cường độ khắc nghiệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần lẫn trí lực và thể lực. Thậm chí, các đội chắc chắn sẽ có những ý kiến không tán đồng. Bởi lẽ, ở những trận đấu liên tục, kết quả bất lợi có thể ảnh hưởng đến tâm lý cả đội ở những trận tiếp theo trong ngày hay thậm chí là cả hành trình. Phương án này khá rủi ro và bào mòn sức lực của cả tuyển thủ lẫn những thành viên trong ekip điều hành giải đấu. Do đó, sẽ khó có trường hợp VCS lại tổ chức 1 đợt tuyển chọn như đã từng hồi SEA Games 31 vừa qua.
Sẽ khó có thể có 1 giải tương tự vòng loại SEA Games 31 bởi việc này sẽ khiến các tuyển thủ đối diện lịch thi đấu dày đặc
Đội vô địch Mùa Xuân/Mùa Hè 2022 sẽ đại diện tại Asiad 2022
Những ngày vừa qua, cộng đồng LCK tranh cãi rất nhiều về việc tại sao KeSPA không đơn giản hóa mọi thứ bằng cách cứ cử cả đội T1 tham dự và cộng thêm 1 thành viên ngoài là Canyon. Nhưng mục tiêu của KeSPA là đảm bảo công bằng cho tất cả các tuyển thủ. Hơn nữa, chắc chắn tuyển thủ Hàn nào cũng muốn có cơ hội giành vàng tại Asiad 2022, cũng như qua đó giúp họ được miễn nghĩa vụ quân sự đặc biệt và có thể tiếp tục sự nghiệp.
Asiad 2022 rất quan trọng với các tuyển thủ Hàn như Faker
Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện không quá phức tạp như vậy. Bởi lẽ, ở Việt Nam, Esports vẫn chỉ đang là một môn thể thao điện tử nhưng vẫn gây ra rất nhiều tranh luận. Do đó, gánh nặng huy chương cũng không gây áp lực lên các tuyển thủ. Nếu để công bằng nhất, các cơ quan có thẩm quyền có thể đợi đến khi giải Mùa Hè 2022 kết thúc và lấy luôn cả đội vô địch làm đội hình cho Asiad 2022. Hoặc, thậm chí là cử GAM (đang có tư cách đại diện Việt Nam tại SEA Games 31) tiếp tục đại diện Việt Nam ở Asiad 2022 sắp tới. Đây có thể xem là phương án khả thi và bất kỳ hướng giải quyết nào cũng đều là hợp lý, hợp tình.
GAM đang là đại diện cho đội tuyển quốc gia Việt Nam tại SEA Games 31
Bình chọn của khán giả bình chọn của giới chuyên môn
Đa số các giải LMHT nói riêng và các giải thể thao hay có một cách chọn đội hình bằng hình thức bầu chọn, với số phiếu của khán giả và số phiếu của giới chuyên môn. Và đây là 1 cách có thể cân nhắc dù đôi khi cũng sẽ gây ra tranh cãi. Lý do là vì, ở mỗi đội đều sẽ có lượng fan khác nhau. Và ở VCS, không cần nói thì ai cũng biết, GAM và SBTC Esports chính là 2 đội có nhiều fan nhất.
Hình thức tuyển chọn này chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi và các nhà chức trách của thể thao Việt Nam có lẽ cũng sẽ không mặn mà lắm với phương án quá nặng cảm tính như vậy. Hơn nữa, nỗ lực của các tuyển thủ có thể trở thành công cốc nếu chỉ xét dựa vào cảm tính. Dù rằng số phiếu khán giả có thể không chiếm một tỷ lệ quá cao nhưng chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định vào quá trình bình chọn. Do đó, có lẽ đây sẽ là phương án ít khả thi nhất mà LMHT Việt lựa chọn để tìm đội hình cho Asiad 2022 sắp tới.
Nếu fan bình chọn thì ngay cả SBTC Esports cũng "sáng cửa"