Trót "mích" lòng Ả rập Saudi, kế ghìm giá dầu của Mỹ có nguy cơ khó thành

Minh Khôi | 14-06-2022 - 19:00 PM

(Tổ Quốc) - Theo Wall Street Journal, Thái tử Mohammed của Ả rập Saudi đã không nhận cuộc gọi của ông Biden từ tháng 3 trong bối cảnh Mỹ muốn thuyết phục nước này tăng xuất khẩu để hạ giá dầu.

Ả rập Saudi từ chối điện thoại của Tổng thống Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố tìm cách xoa dịu Thái tử Ả rập Saudi Mohammed bin Salman sau những căng thẳng ngoại giao gần đây giữa hai bên, và qua đó thuyết phục nước này sản xuất thêm dầu mỏ.

Ông Biden, trước làn sóng chỉ trích trong nước do tình trạng lạm phát cao, cần hạ giá dầu, trong khi Ả rập Saudi hiện đang là quốc gia có lượng dự trữ dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây không phải là một điều đơn giản.

Một vấn đề phức tạp trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm gây sức ép lên Nga là thái độ cứng rắn của Tổng thống Biden đối với chính quyền Ả rập Saudi.

Theo quan điểm của ông Biden, Ả rập Saudi không chỉ là nguồn cung dầu mỏ, mà là một quốc gia nhiều rắc rối ở khu vực Trung Đông. Ông Biden thường chỉ trích chính phủ nước này về vấn đề nhân quyền hay quyết định tham gia trong cuộc nội chiến ở Yemen.

Ông Biden từng gọi Ả rập Saudi là một quốc gia "không có luật lệ". Năm 2018, một báo cáo tình báo của Mỹ đã gọi Thái tử Mohammed là kẻ sát nhân do liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Điều này đã khoét sâu thêm rạn nứt giữa 2 nước. Người phát ngôn của ông Biden lưu ý rằng ông Biden đã không nhận các cuộc gọi điện từ Thái tử. Rồi sau đó Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Và bỗng nhiên, Thái tử Mohammed đã không còn nhận cuộc gọi của ông Biden, theo một bản báo cáo của Wall Street Journal vào tháng 3.

Khó khăn trong ngoại giao dầu mỏ của Mỹ

Đây có lẽ là thời điểm khó khăn đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, vốn đặt mục tiêu duy trì cách tiếp cận cứng rắn với cả Nga và Ả rập Saudi. Nhưng hiện nay, hai mục tiêu này đã trở nên khó thực thi, nhất là khi tính đến sử dụng dầu mỏ như một công cụ gây áp lực.

Có hai khó khăn lớn đối với chính sách ngoại giao dầu mỏ của ông Biden. Đầu tiên, hiện vẫn chưa có khả năng cho thấy Ả rập Saudi và 12 thành viên khác của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ muốn tăng nguồn cung hay thậm chí là có khả năng để làm điều đó.

Ả rập Saudi và quốc gia sản xuất dầu lớn khác là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ không muốn phải tự nâng sản lượng dầu trong nước, bởi điều này sẽ tương tự như cướp đi thị phần từ các thành viên khác trong khối.

Ngoài ra, nhiều thành viên OPEC, bao gồm Libya, Venezuela và Nigeria, hiện không thể đạt được mức hạn ngạch mà chính OPEC đặt ra vào nhiều tháng trước; khi các giếng dầu, thiết bị và nhà máy lọc dầu đã bị ảnh hưởng lớn trong suốt đại dịch Covid-19.

Theo Argus, một công ty theo dõi thị trường dầu, OPEC hiện đang sản xuất dưới mức hạn ngạch đặt ra vào khoảng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.

Gần đây, Ả rập Saudi đã có động thái tích cực hơn khi thuyết phục OPEC tăng nhẹ sản lượng. Nhưng các chuyên gia cho rằng điều này là không đủ để giảm giá dầu đang tăng mạnh.

"Trước khi sự thiếu hụt từ nguồn cung dầu của Nga có thể được thay thế, gia dầu sẽ còn tăng mạnh và sẽ giữ nguyên như vậy trong thời gian dài", Ngân hàng Dự trữ liên bang tại Dallas, Mỹ, nhận định.

Ông Biden đã hứa hẹn sẽ đến thăm Ả rập Saudi, khả năng là vào tháng 7, các quan chức Washington cho biết.

Câu hỏi là liệu ông Biden có sẵn sàng nhượng bộ Thái tử Mohammed hay không.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.