Theo quan điểm y học, một khi con người đã qua 45 tuổi, các chức năng thể chất sẽ suy giảm dần và thể trạng ngày càng xấu đi, thậm chí sinh lực của mỗi người cũng giảm sút. Con người rất dễ bị tổn thương, chỉ cần cơ thể có vấn đề thì lập tức hàng loạt vấn đề tiếp theo sẽ xuất hiện.
Đặc biệt trong thời đại ngày nay, do nhịp sống xã hội ngày càng tăng và áp lực xã hội ngày càng lớn, tình trạng "khủng hoảng tuổi trung niên" sẽ càng trở nên trầm trọng.
Các cuộc khủng hoảng tuổi trung niên có thể kéo dài khoảng 3–10 năm ở nam giới và 2–5 năm ở phụ nữ. Khủng hoảng ở nam giới có nhiều khả năng do các vấn đề công việc, sự nghiệp gây ra; còn ở phụ nữ, thường đến từ các đánh giá cá nhân về vai trò của họ trong gia đình, xã hội.
Những vấn đề giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn. Khi đạt đến một mức nhất định, những xui xẻo và tai ương sẽ xuất hiện, khiến chúng ta từ từ hiểu được khó khăn trong cuộc sống là gì.
Trong khoảng mười năm từ 45 đến 55 tuổi, ai cũng sẽ gặp phải ba "đại họa" này, nhất định phải chuẩn bị tâm lý.
Tai họa một: Sự bất lực vì "nghỉ hưu sớm"
Khi bạn 45 tuổi, bạn có còn muốn tiếp tục làm việc không? Thực tế, trong thời đại đề cao vật chất như ngày nay, ai cũng cần phải làm việc cho đến già cùng nỗi lo "cơm-áo-gạo-tiền".
Áp lực "dưỡng già" với người trung niên là không thể tránh khỏi. Ảnh: Toutian
Tuy nhiên, vì công việc có áp lực cạnh tranh rất lớn và thị trường lao động ngày càng "nóng" hơn, điều đó đồng nghĩa những người trung niên sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi. Đó là quy luật bất khả kháng ở công sở. Khi mà năng lực, thành tích, trình độ của bạn vẫn rất tốt nhưng điều kiện sức khỏe và độ tuổi không còn phù hợp thì đó là kết quả hiển nhiên.
Tuổi trẻ mất việc, nhảy việc thì vẫn có thể từ từ chờ đợi các cơ hội mới. Công ty này không tuyển thì tìm công ty khác vì còn có thể nương tựa gia đình, bạn bè. Nhưng thất nghiệp tuổi trung niên thì là cơn ác mộng thực sự vì bản thân họ phải là chỗ dựa cho người khác, không thể "vô ưu vô lo" qua ngày.
Đây chính là "đại họa" thứ nhất mà chúng ta phải học cách dần thích nghi và chấp nhận khi bước vào giai đoạn từ 45-55 tuổi. Điều quan trọng là, dù ở độ tuổi nào, bạn cũng phải giữ vững tâm hồn lạc quan, tiếp tục học hỏi và điều chỉnh bản thân ở trạng thái thích hợp nhất.
Không có công việc nào kéo dài mãi mãi. Gia tăng năng lực cạnh tranh của bản thân không thua kém thế hệ trẻ, bạn mới có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên một cách an toàn.
Tai họa 2: Những vấn đề lớn sẽ nảy sinh trong cơ thể và tâm trí
Tuổi thọ trung bình đã tăng lên, vậy tại sao tuổi trung niên vẫn khủng hoảng "sống khỏe"? Thực chất, việc một người sống đến 50 tuổi, 70 tuổi hay 90 tuổi thì đều không đem tới quá nhiều ý nghĩa khác biệt.
Những người trung niên hiện đại phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao nên sẵn sàng đánh đổi "tuổi thọ" để kiếm tiền, đồng nghĩa với việc sức khỏe của họ không ngừng giảm xuống.
Ngoài ra, vì áp lực ngày càng cao, đời sống tinh thần của người tuổi trung niên cũng gặp nhiều vấn đề.
Vì sao tuổi trung niên mắc bệnh trầm cảm ngày càng nhiều? Câu trả lời chính là vì áp lực cuộc sống đã lên đến tột cùng. Trên cần dưỡng già, dưới cần nuôi trẻ, giữa cần trả nợ. Những áp lực này không hề nhỏ đi theo thời gian nên chúng ta luôn phải biết cách tự cân bằng, điều hòa và vạch ra kế hoạch phù hợp nhất cho mình.
Những vấn đề lớn sẽ nảy sinh trong cơ thể và tâm trí khi bước vào tuổi trung niên. Ảnh: Toutian
Tai họa 3: Mang những món nợ
Điều đáng xấu hổ nhất của người trung niên là họ đã kiếm tiền một cách tuyệt vọng nhưng đến cuối cùng lại không dư một đồng nào, như thể họ chưa bao giờ làm việc.
Lý do tại sao điều này xảy ra? Chúng ta sẽ hiểu bằng cách thực hiện một phép tính.
Con cái cần được đi học hoặc kết hôn và sinh con; nhà cửa phải sắm sửa, các hóa đơn cần phải thanh toán; giá cả tăng lên một cách lặng lẽ; công ty không tăng lương mà thậm chí ông chủ phải cắt giảm lương nhân viên; cha mẹ cần chu cấp để dưỡng già… tất cả gánh nặng tiền bạc đó đều đè lên vai của bạn.
Rất nhiều người muốn cắt "túi tiền" của bạn, vậy bạn có thực sự có nhiều tiền như vậy cho người khác cắt không? Nếu là tầng lớp trung lưu thì vẫn có thể "cắt giảm" một thời gian, nhưng nếu đó là tầng lớp trung lưu trở xuống thì về cơ bản sẽ không còn gì.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, khủng hoảng tuổi trung niên vẫn có những mặt tích cực trong cuộc sống. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều người trải qua cuộc khủng hoảng càng có khả năng đồng cảm với người khác. Thậm chí, họ còn cho rằng đây là thời kỳ đáng nhớ và cần phải xảy ra trong cuộc đời của họ.
Vì vậy đừng quá lo lắng hay chạy trốn khỏi khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên. Thay vào đó, bạn hãy đối mặt, tìm cách vượt qua và cân bằng lại cuộc sống của chính mình.
*Theo: Toutian