Khi một đứa trẻ chào đời không nghi ngờ gì chính là sự kiện trọng đại của gia đình. Nhưng đồng thời người phụ nữ cũng phải trải qua những giây phút đau đớn tận cùng, thậm chí cả nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng trong phòng sinh. Có lẽ mong ước của mỗi người phụ nữ lúc ấy chỉ là chồng họ có thể sát cánh bên cạnh, động viên và tiếp thêm cho họ động lực vượt qua khó khăn mà thôi. Song người chồng có đáp ứng được nguyện vọng của vợ mình hay không thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Có câu chuyện chua xót được một y tá làm trong phòng sinh của bệnh viện kể lại như sau:
Có sản phụ nọ trước khi bước vào phòng sinh đã bày tỏ mong muốn chồng cô ấy có thể kề cận bên cạnh suốt quãng thời gian cô ấy sinh nở. Người chồng cũng đồng ý vào phòng sinh cùng vợ. Các bác sĩ ban đầu có khuyên can vì thực tế sinh nở không phải một quá trình dễ chịu gì cả với sản phụ và người nhà chứng kiến bên cạnh. Nhưng vì cặp vợ chồng ấy một mực đề nghị, cuối cùng người chồng cũng được phép vào phòng sinh cùng vợ mình.
Sản phụ sinh thường sẽ phải trải qua những cơn đau đẻ kịch liệt tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng. Có nghiên cứu đã chỉ ra, cơ thể con người chịu đựng tối đa được 45 đơn vị đau (del unit) nhưng khi phụ nữ sinh con họ phải chịu đựng đến 57 đơn vị đau. Nó tương đương với việc bị gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc vậy!
Cô vợ trong câu chuyện sau khi tử cung đã mở được 1 phân, bị những cơn đau hành hạ khó bề chịu nổi, cô trở nên khó chịu, bực dọc và mất kiên nhẫn. Người chồng bên cạnh cất lời hỏi han, cô đau quá liền cắn mạnh vào tay chồng mình. Bị đau, người chồng bất ngờ giơ tay tát cho vợ một cái rồi bực dọc mắng: "Cô làm cái gì vậy? Chỉ là sinh con thôi mà đến nỗi như vậy hả? Tôi có làm gì cô đâu cơ chứ!".
Sau đó anh ta liền sập cửa bỏ đi, bỏ lại người vợ ấm ức đến mức bật khóc: "Tôi sinh con cho ai chứ, còn không phải là cho anh? Nếu biết trước như vậy tôi cũng chẳng thèm sinh làm gì!". Có thể hành động của người vợ chưa đúng khi làm đau chồng mình nhưng trong hoàn cảnh ấy mà người chồng "đáp trả" như vậy thì anh ta quả thực đáng trách hơn rất nhiều.
Vẫn biết đối với sản phụ có chồng bên cạnh trong phòng sinh là một sự an ủi, khích lệ rất lớn. Nhưng có trường hợp người vợ không nên để chồng mình đồng hành trong giờ phút khó khăn ấy, đó là khi chồng bạn thuộc về một trong các mẫu đàn ông sau đây:
Người khó tính: Nhiều người đàn ông có tính khí cáu khỉnh, khó chịu, không biết thể hiện sự quan tâm. Khi vào phòng sinh, chứng kiến sự đau đớn tới mức mất kiểm soát của vợ, có khi họ lại chính là người la hét và cáu gắt hơn cả sản phụ. Chính vì thế có chồng bên cạnh thậm chí còn khiến sản phụ căng thẳng hơn, chứ nào có tác dụng động viên, an ủi gì. Ngoài ra, mẫu người chồng này còn làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của bác sĩ đỡ đẻ.
Người có tố chất tâm lý kém: Cảnh em bé chui ra từ cơ thể của người mẹ, cảnh tượng máu chảy, các thao tác dọn sạch nhau thai, khâu tầng sinh môn và cả những tiếng la hét, khóc lóc của sản phụ sẽ là cơn "ác mộng" với người chồng có tố chất tâm lý kém. Lúc này thì chính họ còn cần người giúp đỡ, nói gì tới việc tiếp thêm động lực cho vợ mình.
Người thiếu kiên nhẫn: Với mẫu người không có sự kiên nhẫn thì cho dù là trong hoàn cảnh vợ mình đang đau đến chết sống lại trên giường sinh, họ vẫn mất kiên nhẫn như thường. Mà việc sinh nở đối với mỗi sản phụ diễn ra chẳng ai giống ai. Có người sinh nhanh chóng và thuận lợi nhưng cũng có sản phụ đau đẻ tới 1,2 ngày mới sinh. Điều này đòi hỏi người chồng bên cạnh phải thật kiên nhẫn, luôn duy trì được thái độ nhẹ nhàng để an ủi, vỗ về vợ. Một người mất kiên nhẫn chắc chắn không thể làm được việc đó. Vậy nên cách tốt nhất là không để họ vào phòng sinh cùng vợ, tránh gây áp lực tâm lý thêm cho sản phụ.